ASEAN+3 lo ngại nguy cơ đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu

ASEAN+3 thảo luận nguy cơ bắt nguồn từ các bất đồng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng và cam kết duy trì cảnh giác và sẵn sàng hành động để ngăn chặn các nguy cơ với nền kinh tế toàn cầu.
ASEAN+3 lo ngại nguy cơ đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu ảnh 1Lắp ráp xe ôtô ở thành phố Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 4/5, các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á đã thảo luận về sự nguy cơ bất đồng thương mại cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời cam kết duy trì cảnh giác và nỗ lực nhằm ngăn ngừa các mối đe dọa kinh tế toàn cầu.

Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp ASEAN +3 bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại thủ đô Manila của Philippines, đại diện 13 nước cho biết chủ nghĩa bảo hộ, căng thẳng địa chính trị và việc siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu nhanh hơn dự kiến là những nguyên nhân khiến sự phục hồi kinh tế trở nên thiếu tính bền vững hơn.

Giới chức các nước cho rằng những nguy cơ này, dù riêng rẽ hay kết hợp lại, đều đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, có thể dẫn đến thiệt hại lớn và gây bất ổn tài chính trong khu vực.

[Kinh tế ASEAN+3 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định]

ASEAN+3 bao gồm 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 3/5, Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố báo cáo cho thấy tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 được dự báo đạt 5,4% trong năm nay, chủ yếu nhờ sự gia tăng nhu cầu trong nước và hoạt động xuất khẩu trong khi lạm phát ổn định.

Cũng theo báo cáo, nhu cầu bên ngoài cải thiện đã cho phép ASEAN+3 xây dựng các "tấm đệm" chống lại những cú sốc tiềm ẩn bên ngoài. Tỷ giá hối đoái trong khu vực ngày càng linh hoạt hơn trong những năm gần đây và đóng vai trò quan trọng như một "thiết bị giảm sốc."

Để tăng cường khả năng phục hồi, báo cáo cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tiếp tục xây dựng không gian chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ, để ứng phó kịp thời trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt.

Các chính sách tài chính cũng phải đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng trong khi chính sách an toàn vĩ mô có thể giúp đảm bảo sự ổn định tài chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục