Ngày 2/5, lãnh đạo tài chính 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (còn gọi là ASEAN+3) đã họp tại Fiji nhằm thảo luận phương thức ứng phó với những tác động tiêu cực xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc đối với các nền kinh tế trong khu vực này.
Cuộc gặp trên diễn ra bên lề hội nghị thường niên Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại khu nghỉ dưỡng Nadi, Fiji.
Cuộc họp có sự tham gia của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước ASEAN+3. Nội dung thảo luận còn xoay quanh việc tăng cường hợp tác giữa các nước để đối phó với khủng hoảng, trong đó có việc mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia.
Theo hãng tin Kyodo, các nước ASEAN+3 đang thảo luận việc bổ sung đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc và đồng yen của Nhật Bản vào mạng lưới dự trữ ngoại tệ có quy mô 240 tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Bên cạnh đó, các nước cũng xem xét tăng cường chính sách liên kết với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Trước đó, cùng ngày, lãnh đạo tài chính các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có cuộc gặp riêng, trong đó các bên tái khẳng định chống lại chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức.
Quan chức tài chính ba nước này cũng thừa nhận các cuộc xung đột thương mại, nhu cầu tiêu dùng yếu hơn và điều kiện tài chính toàn cầu không "suôn sẻ" khiến môi trường hoạt động thương mại toàn cầu ngày càng chịu thách thức.
Hồi năm 2000, các nước ASEAN+3 đã triển khai sáng kiến Chiang Mai để phối hợp giải quyết khó khăn về cán cân thanh toán và tính thanh khoản ngắn hạn trong khu vực nhằm ứng phó hiệu quả hơn trước các "cú sốc" tương tự cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Đây là một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương bằng USD, theo đó, trong trường hợp một nước thành viên gặp biến động tiền tệ trong ngắn hạn, ngân hàng trung ương của các nước thành viên khác sẽ cung cấp vốn vay bằng USD đổi lấy nội tệ của nước cần hỗ trợ./.