ASEAN-Trung Quốc hợp tác về bắt giữ, trao trả tội phạm bỏ trốn

Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 đã khai mạc với chủ đề “Hợp tác quốc tế về bắt giữ, trao trả tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản.”
ASEAN-Trung Quốc hợp tác về bắt giữ, trao trả tội phạm bỏ trốn ảnh 1Đại diện các nước chụp ảnh tại hội nghị. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Ngày 25/11, tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN-Trung Quốc lần thứ 9 đã khai mạc với chủ đề “Hợp tác quốc tế về bắt giữ, trao trả tội phạm bỏ trốn và thu hồi tài sản.”

Chủ trì Hội nghị là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Uỷ ban Chính pháp Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ. Đoàn đại biểu Việt Nam do Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu, đã có bài phát biểu quan trọng, đóng góp cho thành công của Hội nghị.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc đã chia sẻ những cách làm hiệu quả và kinh nghiệm thành công; đưa ra những phân tích sâu sắc về khó khăn, vướng mắc trong hợp tác; đồng thời đề xuất nhiều khuyến nghị mang tính xây dựng và khả thi.

Hội nghị nhất trí cho rằng tăng cường hợp tác quốc tế trong chống tham nhũng, đặc biệt là tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bắt giữ, trao trả đối tượng phạm tội bỏ trốn và thu hồi tài sản sẽ giúp các nước trong khu vực có thể trừng phạt và ngăn chặn có hiệu quả tội phạm tham nhũng, đáp ứng nguyện vọng chung của người dân về một chính phủ minh bạch và nền chính trị trong sạch.

Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị lần này, nhấn mạnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, một mặt làm cho các quốc gia xích lại gần nhau và tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển, mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức có tính toàn cầu, trong đó có sự gia tăng của các loại tội phạm có tính tổ chức cao, chiếm giữ khối lượng lớn tài sản bất hợp pháp, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm không biên giới.

Việc phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm này không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà phải có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật của các nước, trong đó các Viện Kiểm sát, Viện Công tố là cơ quan đầu mối trong tương trợ tư pháp về hình sự.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cũng chỉ ra những bất cập còn tồn tại cần khắc phục để cơ chế hợp tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ngày càng thiết thực và có hiệu quả hơn như khác biệt về hệ thống pháp luật tư pháp hình sự của mỗi nước; khó khăn về chứng minh tội phạm, truy tìm nguồn gốc tài sản đã được dịch chuyển dưới dạng đầu tư; những trở ngại do quan điểm và lợi ích...

Kết thúc Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu các nước tham dự đã ký Tuyên bố chung, đồng thời nhất trí trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN-Trung Quốc lần thứ 10 vào năm sau cho Lào.

Kể từ khi thành lập đến nay, Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN-Trung Quốc đã trở thành diễn đàn hợp tác quốc tế quan trọng về pháp luật và ngày càng có uy tín. Việt Nam luôn cử đoàn cấp cao tham gia đầy đủ và có trách nhiệm tại các kỳ Hội nghị.

Thông qua các văn bản hợp tác đã được ký kết, các hoạt động tương trợ tư pháp song phương và đa phương, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người phạm tội giữa các quốc gia, trao đổi đoàn cấp cao của cơ quan Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ngày càng được tăng cường.

Cơ chế hợp tác này càng có ý nghĩa hơn khi các nước ASEAN vừa ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về thành lập Cộng đồng ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục