ASEM chia sẻ kinh nghiệm ứng phó biển đổi khí hậu

Gần 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự Hội thảo Á-Âu về chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi.
Gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo Á-Âu (ASEM) về chia sẻ kinh nghiệm sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và các bệnh mới nổi do Việt Nam và Hungary đồng tổ chức, diễn ra ngày 4/11, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Triệu khẳng định với trách nhiệm là thành viên của ASEM, Việt Nam xác định trách nhiệm và quyết tâm giải quyết các nguy cơ do biến đổi khí hậu gây ra; đồng thời Việt Nam mong muốn hợp tác với các quốc gia, các tổ chức trong khu vực và trên thế giới về phòng chống dịch bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng trao đổi các giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu và các bệnh mới nổi phù hợp với mỗi quốc gia, cũng như sự hợp tác khu vực và toàn cầu.

Theo các chuyên gia, các giải pháp kỹ thuật tập trung xác định các khu vực dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thiết lập hệ thống thông tin giúp phát hiện và cảnh báo sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm tái xuất hiện như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Đồng thời, xây dựng các mô hình cộng đồng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của chính quyền và người dân nhằm hạn chế thấp nhất những tác động xấu của biến đổi khí hậu đến sức khỏe cộng đồng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, y tế là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra, đe dọa sức khỏe con người, đặc biệt là những người nghèo và cận nghèo. Việt Nam là một trong số 5 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mekong.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực đang gánh chịu hậu quả trực tiếp về sức khỏe do biến đối khí hậu. Biến đổi khí hậu là tác nhân tiếp bùng phát các dịch bệnh về đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan nhanh theo đường nước như có 2,4 % trường hợp tiêu chảy cấp trên thế giới, 6% trường hợp mắc sốt rét trong các nước có mức thu nhập thấp; dịch cúm A/H1N1 và cúm A/H5N1 đã và đang tác động mạnh đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu.

Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại trong phạm vi mỗi quốc gia mà đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Điều này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đầu tư nguồn lực, chính sách và sự cam kết của hệ thống chính trị cấp quốc gia triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với các tác động xấu của biến đổi khí hậu hậu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục