AIG III: Nóng trước giờ G

Asian Indoor Games III: Nóng trước giờ khai mạc

Chỉ còn 4 ngày nữa, AIG III, sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục sẽ chính thức khai mạc trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Chỉ còn 4 ngày nữa, Đại hội thể thao Châu Á trong nhà (Asian Indoor Games III) chính thức khai mạc vào tối 30/10 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam, sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục này thu hút sự tham dự của 43 đoàn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với khoảng gần 4.000 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài (chưa kể quan chức, khách mời tham dự đại hội), Asian Indoor Games III được coi là kỳ đại hội thể thao thu hút được đông đảo đoàn tham gia nhất trong ba lần tổ chức.

"Nóng" trước giờ  khai mạc

Sáng nay, 26/10, với hàng loạt cờ phướn, băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền được treo ngay ngắn, tung bay trong nắng sớm trên các trục đường chính, những đường dẫn đến các địa điểm thi đấu, các khách sạn lưu trú cũng như các địa điểm công cộng, sân bay quốc tế ở thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh..., người dân đã có thể cảm thấy "sức nóng" của Asian Indoor Games III đã cận kề.

Cùng ngày, hai trung tâm báo chí chính cùng với trung tâm truyền hình quốc tế IBC của đại hội đặt tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) và Nhà thi đấu Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh) với những phòng đặt trường quay hoành tráng, hệ thống máy tính được nối mạng tốc độ cao ADSL, mạng không dây wifi, máy fax, máy photocopy với sự phục vụ nhiệt tình của đội ngũ tình nguyện viên được đào tạo bài bản, giỏi ngoại ngữ đã sẵn sàng phục vụ hơn 1.000 phóng viên trong nước và quốc tế đến tham gia tác nghiệp.

Ban Tổ chức Asian Indoor Games III cho biết, sau gần một năm triển khai xây dựng kịch bản văn học (do nhà văn Nguyễn Khắc Phục đảm trách), đến kịch bản nghệ thuật, sau đó là quá trình tập luyện tại cơ sở (từ tháng 8 đến tháng 9) và triển khai hợp luyện (từ đầu tháng 10) tới nay, công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc, bế mạc đại hội đã hoàn tất.

Theo chương trình, lễ khai mạc gồm 2 phần. Phần lễ được diễn ra theo thông lệ quốc tế và nghi lễ quốc gia. Phần hội gồm 3 chương. Chương 1: Asian Indoor Games III - Ngày hội thể thao của tuổi trẻ. Chương 2: Văn hóa Việt Nam, Thăng Long - Hà Nội. Chương 3: Hội nhập và khát vọng Châu Á.

Khoảng 5.000 học sinh, sinh viên, diễn viên đến từ trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, trường Múa Việt Nam và các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn Thủ đô sẽ tham gia vào các màn biểu diễn.

Càng gần ngày diễn ra đại hội, vấn đề được quan tâm nhiều nhất là làm sao đảm bảo được giao thông thông suốt, đồng thời hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, nhất là ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu như ở Thành phố Hồ Chí Minh, trước ngày khai mạc đại hội sẽ tiến hành san lấp tạm thời các tụ điểm đang thi công để thông xe toàn tuyến thì ở thủ đô Hà Nội, từ 13h đến 23h các ngày từ 26/10 đến 8/11, Công an thành phố sẽ tiến hành phân luồng phương tiện trên một số tuyến đường, nhất là tại khu vực xung quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung thi đấu điền kinh trong nhà để chống ùn tắc, tạo điều kiện tối đa cho vận động viên đến các địa điểm thi đấu được nhanh chóng, an toàn.

Bên cạnh việc đẩy mạnh các sự kiện thể thao bên lề như thu thập 2 triệu chữ ký ủng hộ đại hội, đi bộ đồng hành cùng Asian Indoor Games III thì tiêu chí "Đại hội thể thao Asian Indoor Games III không khói thuốc" đang thu hút sự quan tâm của dư luận về ý nghĩa tích cực của nó.

Theo đó, tại tất cả những địa điểm thi đấu của đại hội sẽ được treo biển cấm hút thuốc. Những trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở và mời ra khỏi khu vực quy định nếu hành vi vi phạm tiếp tục tái diễn.

Việc tổ chức Asian Indoor Games III "không khói thuốc" sẽ góp phần tạo nên bầu không khí trong lành, giúp các vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và khán giả tránh khỏi những ảnh hưởng có hại của khói thuốc lá khi thi đấu và trực tiếp chứng kiến những cuộc so tài đỉnh cao trong thời gian diễn ra đại hội từ ngày 30/10 đến 8/11 tới.

Xác định nhiều gương mặt "Vàng" của thể thao Việt Nam

Tại Asian Indoor Games III, với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam tham dự với hơn 500 thành viên do ông Trần Văn Quỳnh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục thể thao) làm Trưởng đoàn.

Những gương mặt vận động viên được giới chuyên môn và người hâm mộ đặt kỳ vọng giành huy chương Vàng châu lục ngay trên sân nhà, đó là: Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Bùi Thị Nhung, Nguyễn Đình Cương (điền kinh); Nguyễn Hữu Việt  (bơi lội); Trần Bảo Thu (lặn); Nguyễn Việt Anh, Lê Thị Hồng Ngoan, Huỳnh Thị Thu Hồng (pencak silat); Nguyễn Mai Phương, Nguyễn Thị Thúy Ngân, Nguyễn Thị Hoa (wushu); Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng (cờ vua); Ngô Lan Hương, Nguyễn Vũ Quân, Nguyễn Thành Bảo (cờ tướng); Dương Anh Vũ (billiard&snooker)...

Bên cạnh đó, một số môn như  vovinam, khiêu vũ thể thao, múa Lân Sư Rồng... cũng tiềm ẩn khả năng "rinh" Vàng trên đấu trường châu lục.

Tham gia tất cả các môn thi đấu, mục tiêu của thể thao Việt Nam là giành từ 15 - 20 huy chương Vàng, lọt vào tốp 8 nước dẫn đầu Đại hội./.
Thông tin về các địa điểm thi đấu ở các địa phương

A. Thủ đô Hà Nội
1. Lễ khai mạc: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình
2. Lễ bế mạc: Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa
3. Điền kinh: Cung thi đấu điền kinh trong nhà Mỹ Đình
4. Bơi - lặn: Khu Liên hợp thể thao dưới nước Mỹ Đình
5. Khiêu vũ thể thao: Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa
6. Bi sắt: Nhà thi đấu Từ Liêm
7. Wushu: Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức
8. Đá cầu: Nhà thi đấu Hà Tây
9. Cầu mây: Nhà thi đấu Hoàng Mai (quận Hai Bà Trưng)
10. Kabadi: Nhà thi đấu Cầu Giấy
11. Kurash: Nhà thi đấu Gia Lâm
12. Thể thao điện tử: Nhà thi đấu trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
13. Jujitsu & Beltwrestling: Nhà thi đấu Sóc Sơn


B. Thành phố Hồ Chí Minh
14. Futsal (bóng đá trong nhà) nam: Nhà thi đấu Phú Thọ
15. Futsal nữ: Nhà thi đấu Tân Bình
16. Bóng rổ 3 người (nam): Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng
17. Bóng rổ 3 người (nữ): Nhà thi đấu ĐHSP TDTT TP. Hồ Chí Minh
18. Muay: Nhà thi đấu Rạch Miễu
19. Kick - Boxing: Nhà thi đấu Vân Đồn
20. Vovinam: Nhà thi đấu Quân khu 7
21. Billiard & Snooker: Nhà thi đấu Phan Đình Phùng
22. Múa Lân Sư Rồng: Nhà thi đấu Nguyễn Du
23. Bowling: Trung tâm Sài Gòn Superbowl


C. Tỉnh Bắc Ninh
24. Boxing nữ: Nhà thi đấu Bắc Ninh

D. Thành phố Hải Phòng
25. Bắn cung: Nhà thi đấu Thanh niên Hải Phòng
26. Aerobics: Nhà thi đấu Hải Phòng


E. Tỉnh Quảng Ninh
27. Cờ vua: Nhà thi đấu Quảng Ninh
28. Cờ tướng: Khách sạn Hạ Long Pearl


F. Tỉnh Hải Dương
29. Pencak Silat: Nhà thi đấu Hải Dương

Anh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục