AU ra tối hậu thư để quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực

Tại một cuộc họp diễn ra ngày 3/11, AU đã đặt hạn chót 14 ngày để quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.
AU ra tối hậu thư để quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực ảnh 1Ông Isaac Zida (thứ hai, trái, hàng đầu), Trung tá quân đội đồng thời là Lãnh đạo lâm thời Burkina Faso trong cuộc gặp các chỉ huy quân đội cấp cao tại Ouagadougou ngày 3/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại một cuộc họp của Hội đồng Hòa bình và An ninh của Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ở thủ đô Addis Abeba của Ethiopia ngày 3/11, AU đã đặt hạn chót 14 ngày để quân đội Burkina Faso chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự.

Chủ tịch Hội đồng Oyono Esono tuyên bố nếu quân đội không thực hiện tối hậu thư trên thì sau hạn chót này, các lệnh trừng phạt sẽ được áp đặt đối với Burkina Faso.

Ông Esono cho biết thêm sau khi quân đội chuyển giao quyền lực, AU sẽ chỉ định một đặc phái viên mới, là cựu Thủ tướng Togo đến giám sát tình hình trên thực địa và Hội đồng Hòa bình và An ninh sẽ nhóm họp để xem xét các bước đi tiếp theo.

Hiện, AU cùng với Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang phối hợp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Burkina Faso.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Washington cũng đang đánh giá tình hình cũng như việc liệu có cần xem xét lại khoản viện trợ trị giá hơn 14 tỷ USD hay không.

Theo luật pháp Mỹ, những quốc gia xảy ra đảo chính không thể được nhận viện trợ đầy đủ của Mỹ.

Trong nỗ lực nhằm xoa dịu những cáo buộc quân đội tiếm quyền, ngày 3/11, Tổng thống lâm thời Burkina Faso - Trung tá Isaac Zida tuyên bố quân đội sẽ chuyển giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp do một lãnh đạo được các bên chấp nhận đứng đầu.

Phát biểu trước các nhà ngoại giao tập trung tại thủ đô Ouagadougou, ông Zida cam kết: "Quyền điều hành sẽ do một cơ quan chuyển tiếp nắm giữ, trong khuôn khổ hiến pháp, và do quân đội giám sát chặt chẽ."

Tuy nhiên, ông Zida không tiết lộ thời gian chuyển giao quyền lực, mà chỉ cho biết chính quyền mới sẽ ra mắt "trong thời gian sớm nhất."

Từ ngày 1/11, quân đội đã lên lấp khoảng trống quyền lực sau khi Tổng thống Blaise Compaore từ chức. Hành động này vấp phải sự chỉ trích của các chính trị gia đối lập và cộng đồng quốc tế.

Theo hiến pháp Burkina Faso, Chủ tịch Quốc hội sẽ làm Tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống từ chức.

Trước đó, Tổng thống Compaore đã phải ra đi sau một tuần biểu tình rầm rộ phản đối ý định sửa đổi hiến pháp để ông tiếp tục ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ ba sau 27 năm nắm quyền. Bạo lực đã làm ít nhất 30 người thiệt mạng chỉ trong một tuần.

Đến ngày 2/11, giao thông trên các tuyến phố ở Ouagadougou đã được thông suốt, ngân hàng và khu chợ lớn nhất của thủ đô đã mở cửa trở lại sau 6 ngày không hoạt động.

Cửa khẩu biên giới cũng đã được mở để nối lại các hoạt động giao thương kinh tế và đi lại của người dân.

Hiện đã xuất hiện một số "ứng cử viên" cho chức Tổng thống. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kouame Lougue, người được xướng tên rất nhiều trên đường phố sau khi ông Compaore ra đi; cựu thành viên đảng cầm quyền Saran Sereme; hay một lãnh đạo của phe đối lập, ông Ablasse Ouedrago./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục