Buộc Google và Facebook chia sẻ doanh thu

googlefaceb-1587799731-58.jpg

Sunraysia Daily là một nhật báo khổ nhỏ được phát hành tại khu vực Sunraysia, tây bắc bang Victoria của Australia, kể từ năm 1920. Nhân viên của tờ báo này đang mong mỏi đến dấu mốc kỷ niệm 100 năm ra đời tờ báo vào cuối năm nay, thì đùng một cái vào ngày 24/3 vừa qua, họ được triệu tập họp để nghe hung tin rằng số báo ngày 28/3 sẽ là số báo cuối cùng. Ít ra là cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Các giám đốc và quản lý cấp cao thông báo với nhân viên rằng họ sẽ phải từ nhiệm vì công ty ngừng tất cả hoạt động báo in truyền thống tại các thành phố Mildura, Swan Hill và Kerang do tác động kinh tế khủng khiếp của đại dịch COVID-19.

Số phận tương tự cũng ập lên đầu các phóng viên của tờ báo Yarram Standard, đóng tại khu vực Gippsland của bang Victoria và gần đây đã phải đóng cửa sau hơn 120 năm hoạt động. Nhiều nơi khác tại Australia, tập đoàn News Corp đã ngừng bản in của hơn 60 tờ báo địa phương, trong đó có các tờ Manly Daily, Wentworth Courier, Brisbane News và Mornington Peninsula Leader.

Tờ báo Yarram Standard phải đóng cửa sau 120 năm hoạt động. (Nguồn: Gutsofgippsland.com)
Tờ báo Yarram Standard phải đóng cửa sau 120 năm hoạt động. (Nguồn: Gutsofgippsland.com)

Quảng cáo chiếm 70% doanh thu của các tờ báo này, và trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ do COVID-19, nguồn thu quảng cáo nhanh chóng bốc hơi, khiến cho ngày càng nhiều chủ báo địa phương phải đắng lòng chấm dứt hoạt động.

Giờ đây, Chính phủ Australia quyết định thực thi các biện pháp nhằm giúp lĩnh vực kinh doanh báo chí tồn tại. Ngày 19/4 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg đã chỉ đạo cơ quan giám sát cạnh tranh – Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) – xây dựng một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc đối với Facebook và Google.

Vốn theo kế hoạch là phải hoàn tất vào tháng 11/2020, bộ quy tắc này yêu cầu các ông lớn quảng cáo digital phải thương lượng thành tâm về cách thức trả tiền cho các cơ quan báo chí để sử dụng nội dung của họ, báo trước cho các cơ quan báo chí về những thay đổi thuật toán có thể ảnh hưởng đến việc xếp hạng nội dung, hỗ trợ nội dung thông tin gốc trong kết quả tìm kiếm và chia sẻ dữ liệu với các cơ quan báo chí. Giờ đây, bộ quy tắc này sẽ phải hoàn tất vào cuối tháng Bảy, và chính phủ tỏ rõ quyết tâm sớm phê duyệt ngay sau đó.

Bộ quy tắc bắt buộc đối với Google và Facebook yêu cầu các ông lớn quảng cáo digital phải thương lượng thành tâm về cách thức trả tiền cho các cơ quan báo chí để sử dụng nội dung của họ

Luke Taylor, nhà sáng lập đồng thời là giám đốc điều hành của công ty ngăn chặn quảng cáo lừa đảo TrafficGuard, khẳng định nếu không có bộ quy tắc này và không có sự can thiệp của chính quyền, thì Google và Facebook sẽ không đời nào tự nguyện chi trả cho nội dung một cách công bằng.

“Báo chí có tầm quan trọng vô cùng lớn,” ông nói với trang The Drum, bổ sung thêm rằng phán quyết gần đây ở Pháp (ngày 9/4, cơ quan giám sát cạnh tranh tại đây tuyên bố rằng Google phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Pháp cũng như các hãng thông tấn vì đã tái sử dụng nội dung của họ) “có khả năng sẽ đóng một vai trò không nhỏ.”

“Sự kỳ vọng ở đây là phương thuốc áp dụng ở châu Âu cũng sẽ được thực thi với báo chí Australia. Ủng hộ nỗ lực ở châu Âu sẽ tăng thêm sức mạnh cho cả các đồng nghiệp ở đó lẫn ở đây.”

Ảnh minh họa. (Nguồn: Niemanlab.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Niemanlab.org)

Thực thi bộ quy tắc ứng xử này chắc chắn sẽ mang lại cơ hội về nguồn thu mới đối với các cơ quan báo chí, những nơi đang tạo ra nội dung thông tin chất lượng cao và tin cậy trong thời buổi nội dung quá dễ tiếp cận và trôi qua nhanh chóng, còn nội dung câu khách và tin giả đã trở thành thứ tràn lan.

Mitchell Greenway, giám đốc phụ trách phát triển quan hệ với báo chí Australia và New Zealand tại hãng quảng cáo OpenX, cho rằng bộ quy tắc này có thể dẫn đến sự thay đổi trong cách các nền tảng công nghệ định nghĩa về “nội dung tốt,” giúp cho cách làm báo chuyên nghiệp và chất lượng cao sẽ chiếm ưu thế trước loại nội dung gây sốc câu view và giúp cho nhiều cơ quan báo chí tăng thêm thu nhập mà họ xứng đáng được hưởng. “Làm như vậy sẽ cho phép các cơ quan báo chí tập trung sản xuất nội dung chất lượng,” ông giải thích. “Rốt cục những biện pháp đó sẽ giúp đảm bảo một hệ sinh thái bền vững cho các nhà xuất bản tin tức trên toàn bộ không gian mở của Internet.”

Trong khi đó, Darren Woolley, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành của hãng tư vấn TrinityP3, lo ngại rằng ngoài những tập đoàn báo chí lớn như News Corp và Nine Entertainment hay các kênh truyền hình quốc gia khác như Kênh 10 và Kênh 7, hàng trăm tờ báo nhỏ hoặc báo phục vụ các cộng đồng địa phương chưa chắc đã được lợi gì từ bộ quy tắc này. Ông nói không khéo khoản doanh thu này chỉ rơi vào túi các cơ quan báo chí lớn mà thôi.

Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng nhiều người lên Facebook và Google để đọc tin, nhưng chính các cơ quan báo chí cũng dựa vào Facebook và Google để có độc giả. Victor Condogeorges, giám đốc phụ trách nghiên cứu và dữ liệu của công ty Orchard nhận xét: “Loại bỏ tin tức khỏi nền tảng của hai ông khổng lồ này thì người dùng sẽ tìm kiếm ở nơi khác. Vì thế câu hỏi ở đây là ai sẽ thua thiệt nhiều hơn? Chính là những cơ quan báo chí sử dụng kênh mạng xã hội để thu hút mọi người đến với website của họ hay các kênh phân phối mạng xã hội sử dụng tin tức để thu hút người dùng đến với nền tảng của họ?”

Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng nhiều người lên Facebook và Google để đọc tin, nhưng chính các cơ quan báo chí cũng dựa vào Facebook và Google để có độc giả.

Simon Larcey – Giám đốc điều hành Viztrade dự đoán rằng Facebook và Google sẽ chẳng có cách nào khác ngoài việc chấp nhận bộ quy tắc ứng xử của Australia, nếu không sẽ bị cấm sử dụng tin tức. Nhưng ông nói không nên lạc quan quá vì thực tế việc phân chia doanh thu quảng cáo chỉ được áp dụng với phần nội dung không phải do các nền tảng này tạo ra. “Tôi nghĩ nó chẳng ảnh hưởng mấy đến Facebook hay Google. Hãy so sánh tỷ lệ giữa tin tức với nội dung do người dùng khởi tạo mà xem. Mọi điều tùy thuộc vào mức độ nội dung mà các cơ quan báo chí phân phối trên các nền tảng này.”

Nói cho công bằng thì các ông lớn quảng cáo digital đang cố gắng cứu các cơ quan báo chí quy mô nhỏ trên toàn thế giới khỏi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vì các tòa soạn lớn có khả năng sáng tạo để vượt qua cuộc khủng hoảng này. Google đã lập một quỹ cứu trợ khẩn cấp để hỗ trợ các tòa soạn nhỏ với niềm tin rằng các cơ quan báo chí địa phương là nguồn thông tin vô cùng quan trọng để kết nối người dân trong cộng đồng, và còn có trách nhiệm lớn lao hơn vào giai đoạn thực thi giãn cách xã hội và mọi người phải ở nhà. Google cũng miễn phí cho các cơ quan báo chí sử dụng công cụ Ad Manager trong 5 tháng.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ các biện pháp này có giúp được gì cho những tờ báo như Sunraysia Daily và Yarram Standard sống sót qua đại dịch COVID-19 hay không. Giờ đây, họ chỉ biết trông chờ vào bộ quy tắc ứng xử./.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)