Australia có mức chênh lệch giàu nghèo hàng đầu thế giới

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Australia là một trong số bốn quốc gia phát triển có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất giữa các thành phố và khu vực nông thôn.
Australia có mức chênh lệch giàu nghèo hàng đầu thế giới ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: The Conversation)

Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Australia là một trong số bốn quốc gia phát triển có chênh lệch giàu nghèo lớn nhất giữa các thành phố và khu vực nông thôn.

Báo cáo của IMF dựa trên số liệu so sánh tăng trưởng kinh tế thực tế bình quân đầu người ở 10% khu vực giàu nhất với 10% khu vực nghèo nhất của 22 quốc gia phát triển.

Tại Australia, IMF nhận định sự cách biệt về kinh tế giữa các khu vực có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp từ chính quyền các bang và chính phủ liên bang. Nó cũng cho thấy những rủi ro ngày càng tăng ở các khu vực “tụt hậu”, chủ yếu dựa vào nông nghiệp hoặc sản xuất. Nơi đây đang dần trở nên nghèo hơn, và ngày càng phải chịu đựng ảnh hưởng môi trường do biến đổi khí hậu gia tăng.

Các thành phố giàu nhất, bao gồm cả Sydney và Melbourne, có mức chênh lệch kinh tế gấp đôi so với những thành phố nghèo nhất, như các khu vực nông thôn của bang Queensland, bang Tây Australia và Vùng lãnh thổ Bắc Australia. Trong khi đó, tại một số quốc gia phát triển khác, như Pháp và Nhật Bản, tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo giữa các thành phố chỉ dừng ở mức 35%.

[Thu nhập của lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cao gấp 278 lần người lao động]

Theo IMF, các thành phố kém phát triển trên toàn thế giới thường liên quan tới nhiều yếu tố bất lợi như: sở hữu quy mô dân số không thuận lợi so với những thành phố giàu hơn, số lượng dân cư có trình độ đại học và trên đại học thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Các khu vực này cũng phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp hoặc sản xuất. Trong khi đó, tại các khu vực giàu có hơn, tỷ lệ dân cư làm việc trong lĩnh vực dịch vụ thường chiếm số lượng cao hơn. Ngoài ra, những khu vực kinh tế chậm phát triển hơn thường phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu lớn hơn. Biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các thành phố do thay đổi khí hậu sẽ làm giảm năng suất lao động trong nông nghiệp và các ngành công nghiệp phụ thuộc nhiều vào môi trường.

IMF khuyến nghị các chính phủ có thể xem xét hỗ trợ tài chính cụ thể cho cộng đồng các khu vực “tụt hậu” hơn, bao gồm cả các chương trình khuyến khích định cư mới. Tuy nhiên, IMF cảnh báo việc áp dụng các chính sách như vậy phải được xem xét cẩn thận, tránh việc cản trở sự điều chỉnh lao động trong khu vực.

Trong vài năm gần đây, Chính phủ Australia đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến nhập cư, như khuyến khích những người nhập cư mới đến sống tại các vùng nông thôn, thắt chặt nhập cư tại các thành phố lớn để giảm tải áp lực, củng cố cơ sở kinh tế các vùng… Dự kiến, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg sẽ thảo luận về chính sách dân số của chính phủ tại thủ đô Canberra trong ngày 11/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục