Australia thử nghiệm thuốc xịt mũi heparin phòng COVID-19

Các nhà khoa học Australia và Anh cho rằng thuốc xịt mũi heparin chống đông máu có thể vô hiệu hóa các protein gai của virus SARS-CoV-2 - vốn giúp virus này thâm nhập tế bào và làm lây lan dịch bệnh.
Australia thử nghiệm thuốc xịt mũi heparin phòng COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney (Australia). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà nghiên cứu y sinh học, do các nhà khoa học Australia đứng đầu, đang thử nghiệm thuốc xịt mũi heparin, thường được sử dụng để chống đông máu, có thể phòng ngừa COVID-19 hay không.

Theo bài báo đăng ngày 23/12 trên trang web của Đại học Melbourne, các nhà khoa học thuộc Đại học Melbourne và Đại học Monash của Australia cùng Đại học Oxford của Anh cho rằng thuốc heparin chống đông máu có thể vô hiệu hóa các protein gai của virus SARS-CoV-2 - vốn giúp virus này thâm nhập tế bào và làm lây lan dịch bệnh.

Giải thích về cơ chế hoạt động của thuốc, ông Gary Anderson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe phổi thuộc Đại học Melbourne, cho biết ban đầu virus SARS-CoV-2 tấn công các tế bào trong mũi bằng cách liên kết với chất heparan sulfate trên bề mặt tế bào mũi.

[Cuba chuẩn bị ra mắt vaccine Mambisa phòng COVID-19 dạng xịt]

Do đó, thuốc xịt có cấu trúc tương tự heparan sulfate, hoạt động như một mồi nhử và có thể nhanh chóng quấn quanh protein gai. Đặc biệt là thuốc xịt mũi này hoạt động hiệu quả với tất cả biến thể hiện nay của virus SARS-CoV-2, trong đó có Omicron.

Thuốc heparin có nhiều ưu điểm, trong đó có giá thành rẻ, dễ sử dụng và bảo quản, chỉ cần giữ ở nhiệt độ phòng. Theo ông Anderson,thuốc xịt nàyrất dễ sử dụng, với hai lần xịt mỗi bên mũi, 3 lần một ngày.

Do đó, ngoài vaccine, phương pháp này rất hữu ích khi có thể bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương, trong đó có người già, phụ nữ mang thai, những người có hệ miễn dịch yếu và nhân viên y tế tuyến đầu.

Theo kế hoạch, các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm thuốc heparin trong 6 tháng tại Bệnh viện Northern ở Melbourne, sử dụng nền tảng theo dõi và điều trị, cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận và điều trị từ xa cho bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi chẩn đoán.

Nghiên cứu dự kiến được triển khai từ tháng 2/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục