Australia và cơ hội tái mở cửa nền kinh tế với Trung Đông sau mùa dịch

Các quốc gia Trung Đông sẽ khó có thể kiềm chế được dịch bệnh này một cách nhanh chóng và điều đó sẽ hạn chế khả năng Australia có thể mở cửa lại biên giới và nền kinh tế.
Australia và cơ hội tái mở cửa nền kinh tế với Trung Đông sau mùa dịch ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 2/7/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tình hình đại dịch COVID-19 thời gian qua tại khu vực Trung Đông có phần lắng xuống, nhưng những con số gần đây cho thấy đại dịch đang quay trở lại khu vực này.

Các quốc gia tại đây sẽ khó có thể kiềm chế được dịch bệnh này một cách nhanh chóng và điều đó sẽ hạn chế khả năng Australia có thể mở cửa lại biên giới và nền kinh tế.

Bài viết của cựu nhân viên ngoại giao Australia Ian Parmeter đăng trên trang của Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) phân tích về tình hình đại dịch COVID-19 tại một số nước Trung Đông và tác động đối với Australia trong thời gian tới.

Tác động của đại dịch COVID-19 tới các quốc gia Trung Đông khác nhau tùy thuộc vào độ giàu, nghèo hay xung đột cũng như là các phản ứng của chính phủ mỗi nước.

Số liệu về các ca mắc và tử vong liên quan đến dịch bệnh tại khu vực này phần lớn là không đáng tin cậy. Nhiều chính phủ các quốc gia Trung Đông có khả năng xét nghiệm rất hạn chế. Hầu hết các quốc gia cố gắng hạ thấp con số thực tế vì lý do chính trị nội bộ hoặc để giữ thể diện quốc tế.

Tuy nhiên, những dữ liệu chính thức được công bố cũng đã cho thấy xu hướng dịch bệnh tại khu vực này, mặc dù những con số này cách xa so với thực tế.

Những dữ liệu cho thấy trong khi các biện pháp ngăn chặn sớm đã giúp số lượng ca mắc mới COVID-19 giảm trong khoảng thời gian tháng Tư và tháng Năm, khu vực này đã trải qua sự gia tăng đáng kể tỷ lệ lây nhiễm do hầu hết các nước cố gắng mở cửa lại nền kinh tế.

Một yếu tố tích cực là dân số của khu vực này chủ yếu là những người trẻ và khỏe mạnh - gần 2/3 dân số có độ tuổi dưới 35. Lợi thế này sẽ giúp hạn chế khả năng mắc bệnh trong người dân.

[Bang Victoria của Australia ghi nhận số ca nhiễm theo ngày cao nhất]

Nhưng lợi thế đó đang mất dần trên toàn khu vực bởi những bất cập về y tế cộng đồng. Mặc dù sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Kuwait, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar và Oman và Israel có các cơ sở y tế theo tiêu chuẩn phương Tây, song người dân không muốn tới các khu vực bệnh viện công tại 16 quốc gia Arập khác hoặc Iran.

Australia và cơ hội tái mở cửa nền kinh tế với Trung Đông sau mùa dịch ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Tel Aviv, Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năng lượng vốn là yếu tố xuất khẩu sinh lợi lớn nhất của khu vực này, sự sụp đổ của giá dầu và khí đốt tự nhiên kể từ khi đại dịch bùng phát vào tháng Hai đã làm tăng gấp đôi "sự xui xẻo" cho các quốc gia Arab.

Thứ nhất, sự sụp đổ giá dầu đã phá vỡ các nền kinh tế và dự đoán ngân sách của các nhà sản xuất năng lượng, chủ yếu là các quốc gia Arab ở vùng Vịnh, khiến các quốc gia phải tập trung nhiều hơn vào hỗ trợ nền kinh tế trong nước.

Do đó, "sự xui xẻo" thứ hai đối với các quốc gia là tại các quốc gia tương đối nghèo hơn do không có dầu mỏ như Ai Cập, Jordan và Liban không thể trông chờ sự hỗ trợ tài chính từ các quốc gia Arab giàu có mà phải tự giải quyết vấn đề của chính mình.

Các quốc gia giàu có

Chính phủ các quốc gia Arab ở vùng Vịnh là dạng chuyên quyền, vì vậy có thể thực thi các hạn chế xã hội. Các quốc gia Arập ở vùng Vịnh dường như đã thiết lập các chế độ kiểm tra tốt và do đó có số trường hợp được báo cáo cao - ví dụ, Saudi Arabia đã báo cáo 243.238 trường hợp mắc COVID-19 và Qatar có 105.477 trường hợp mắc tính đến ngày 17/7.

Các quốc gia này có nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể, vì vậy có thể giảm bớt tác động của việc đóng cửa kinh tế bằng cách tăng trợ cấp cho người dân theo cách tương tự như Australia. Tuy nhiên, tất cả các quốc gia thuộc GCC đều có lực lượng lao động nước ngoài đáng kể, chủ yếu làm việc trong những công việc xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

Những người lao động này, chủ yếu đến từ các nước Arab và các quốc gia nghèo hơn như Ai Cập, có xu hướng sống trong các trại đông đúc, thường có nhiều cá nhân ở chung một phòng.

Điều kiện sống và làm việc của những người lao động này gây khó khăn cho hoạt động giãn cách xã hội. Những người mắc bệnh thường không đủ điều kiện để được nhận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do nhà nước tài trợ đồng thời không thể chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân.

Trong khi đó, nhiều người đã mất việc vì suy thoái kinh tế, do đó họ tìm cách trở về quê hương và chính phủ các quốc gia nơi họ làm việc cũng muốn điều đó.

Tuy nhiên, những người lao động lại gặp khó khăn trong việc trở về nhà do thiếu các chuyến bay thông thường trong khi chính phủ các quốc gia quê hương của họ chỉ đưa họ trở về một cách miễn cưỡng vì lo ngại những người trở về có thể mang theo dịch bệnh.

Trong khi đó, những công nhân này lại là một nguồn lây nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng rộng lớn hơn. Chính phủ các nước giàu có rất ít sự lựa chọn ngoài việc cung cấp hỗ trợ y tế và phúc lợi cơ bản khác cho họ hoặc, nếu có thể, yêu cầu chủ lao động gánh vác trách nhiệm này.

Israel dường như đã kiểm soát được virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 vào tháng Năm với số ca mắc mới giảm xuống chỉ còn vài chục ca mỗi ngày. Điều đó dẫn đến việc nới lỏng các hạn chế, với các trường học, nhà hàng và quán bar mở cửa trở lại và nhân viên trở lại nơi làm việc.

Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các ca mắc mới đã buộc chính phủ phải tái áp đặt một số hạn chế, mặc dù những hạn chế không quá chặt chẽ như những gì được thiết lập trong khoảng tháng Ba.

Chính phủ đã mô tả đây là một sự phong tỏa vừa phải với chiến lược chỉ phỏng tỏa các "điểm nóng" dịch bệnh. Mặc dù vậy, các số liệu của Israel (giống như số liệu tại các quốc gia Arab ở vùng Vịnh, có thể được mô tả khá chính xác) cho thấy khoảng 1.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày vào khoảng thời gian cuối tháng Sáu và đầu tháng Bảy.

Điều đó đã khiến người đứng đầu Hội đồng chuyên gia về COVID-19 cấp quốc gia đã phải tuyên bố rằng Israel đã mất kiểm soát đối với đại dịch.

Tình hình tương tự ở khu vực Bờ Tây, giữa người Palestine và người định cư. Phạm vi của dịch bệnh ở dải Gaza là không rõ ràng với số lượng xét nghiệm được thực hiện một cách hạn chế.

Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh cũng đã được báo cáo ở khu vực này và tác động của nó sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi các điều kiện dân cư quá đông đúc tại một vùng lãnh thổ nhỏ bé.

Các quốc gia nghèo hơn

Số liệu chính thức tại Ai Cập cho thấy nước này đang có số người tử vong cao nhất trong thế giới Arab - 4.120 người chết vào ngày 17/7 - mặc dù con số đó chắc chắn đã nói lên đáng kể mức độ nghiêm trọng của COVID-19 ở quốc gia với số dân khoảng 100 triệu người này.

Tổng thống Ai Cập El Sisi đã sử dụng các biện pháp hà khắc để dập tắt những chỉ trích trong công tác xử lý dịch bệnh của ông.

Các cơ quan an ninh Ai Cập đã bắt các nhân viên y tế có những hành động và ý kiến về các vấn đề bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế và dụng cụ y tế. Các nhà báo cũng nhận được những cảnh báo tương tự và một phóng viên của tờ Guardian đã bị trục xuất.

Đại dịch đang tàn phá ngành du lịch, một trong những nguồn thu nhập chính của đất nước Ai Cập. Chính phủ Ai Cập đã đưa ra quyết định trong tháng này rằng đất nước này không có lựa chọn nào khác ngoài việc sống chung với dịch bệnh.

Cụ thể, Ai Cập đã tuyên bố mở lại nơi làm việc, nhà hàng và sân bay lớn, với khách du lịch nước ngoài được khuyến khích đi du lịch đến các khu nghỉ mát tại khu vực Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Hiệu quả của các biện pháp này đối với sự lây lan của dịch bệnh và số lượng khách du lịch quyết định đến thăm Ai Cập, vẫn còn trong quá trình kiểm định.

Iran là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong chính thức cao nhất khu vực Trung Đông - 267.061 trường hợp mắc bệnh và 13.608 ca tử vong tính đến ngày 17/7 - nhưng con số này được cho là vẫn thấp hơn khá nhiều so với thực tế.

Dịch bệnh đã tăng nhanh một cách nghiêm trọng tại quốc gia này từ tháng Hai khi mà chính phủ Iran vì phải tập trung vào công tác bầu cử Quốc hội đã chậm thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, sự mất lòng tin của người dân đối với chính phủ được thể hiện khi nhiều người không chấp hành lệnh giãn cách xã hội khiến cho dịch bệnh lây lan mạnh mẽ hơn.

Các quốc gia có xung đột

Tại các quốc gia đang có xung đột như Yemen, Syria và Libya, dịch bệnh được xác định là tồn tại trong cộng đồng nhưng không rõ mức độ thực tế do số lượng xét nghiệm được thực hiện rất hạn chế.

Các cuộc chiến, an ninh chung không được đảm bảo và yếu kém trong quản trị suốt 9 năm qua đã gây ra sự suy giảm đáng kể các dịch vụ cơ bản trong xã hội. Hơn nữa, nhiều bệnh viện đã bị tàn phá hoặc phải đóng cửa do trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công.

Tác động của dịch bệnh đối với các quốc gia này sẽ được thông tin chi tiết hơn trong báo cáo Australian Outlook dự kiến công bố vào ngày 23/7.

Ảnh hưởng tới Australia

Hiện tại, dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát của phần lớn các quốc gia tại Trung Đông. Nhiều chính phủ đang tìm cách nới lỏng các hạn chế vì lý do kinh tế, sự lây lan của COVID-19 nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các quốc gia.

Tình hình khó có thể được cải thiện cho đến khi có vắcxin ngừa COVID-19. Đó là mối quan tâm rõ ràng đối với nhiều người dân Australia có gia đình và bạn bè tại khu vực.

Mối quan tâm tương tự là tại một số quốc gia Trung Đông, đặc biệt là UAE và Qatar, là trung tâm trung chuyển cho nhiều doanh nhân hoặc nhà sản xuất Australia khi đi về phía Tây để nghỉ ngơi hoặc làm việc.

Điều tương tự cũng đúng đối với những người đặc biệt từ châu Âu và Trung Đông muốn đến Australia. Trong khi biên giới của Australia vẫn đóng cửa đối với tất cả du khách nước ngoài, thì điều đó không phải là vấn đề.

Nhưng Australia nằm trong danh sách vừa được công bố gồm 15 quốc gia có công dân sẽ đủ điều kiện để nhập cảnh vào những nước thuộc khu vực Schengen của Liên minh châu Âu một khi biên giới các quốc gia này được mở lại cho cả các dịch vụ không thiết yếu.

Quan trọng hơn, quốc gia Trung Đông duy nhất trong số 15 quốc gia được phép nhập cảnh châu Âu là Tunisia lại không phải là nơi trung chuyển giữa các quốc gia trong danh sách này.

Việc Australia nằm trong danh sách các quốc gia được nhập cảnh khu vực châu Âu là tin tốt cho người dân khi Australia mở cửa biên giới. Tuy nhiên, cho đến khi khu vực Trung Đông được tuyên bố là an toàn về mặt dịch tễ, việc đến và đi từ châu Âu sẽ buộc các hãng hàng không phải có tuyến đường mới không di chuyển qua UAE hay Qatar.

Điều đó sẽ đòi hỏi nhiều đối với sự giám sát và phối hợp của các cơ quan bảo vệ hàng không, y tế và biên giới Australia. Do vị trí địa lý là trung tâm giữa châu Âu, châu Phi và châu Á, khu vực Trung Đông có tiềm năng trở thành nơi siêu lây lan của dịch bệnh trong một thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục