Australia và Indonesia đề cao UNCLOS 1982 trong vấn đề Biển Đông

Thủ tướng Morrison và Tổng thống Joko Widodo bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông do các hoạt động quân sự hóa và thay đổi hiện trạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Australia và Indonesia đề cao UNCLOS 1982 trong vấn đề Biển Đông ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Thủ tướng Úc Scott Morrison (phải) tại một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019. (Nguồn: (antaranews.com)

Thăm chính thức Australia từ ngày 8-10/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có hội đàm với Thủ tướng Australia Scott Morrison và phát biểu trước Quốc hội Australia.

Đây là lần thứ tư ông Joko Widodo có chuyến thăm Australia trên cương vị Tổng thống Indonesia. Ông cũng là Tổng thống Indonesia thứ hai có vinh dự phát biểu trước cơ quan lập pháp Australia.

Theo phóng viên TTXVN tại Australia, chuyến thăm của Tổng thống Joko Widodo diễn ra ít ngày sau khi Quốc hội Indonesia chính thức phê chuẩn Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Indonesia-Australia (IA-CEPA).

[Indonesia và Australia đánh giá tác động của dịch nCoV đến kinh tế]

Lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung khẳng định sẽ tăng cường hợp tác song phương trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, khẳng định tăng cường hợp tác song phương dựa trên 5 trụ cột gồm Tăng cường quan hệ đối tác phát triển kinh tế, Kết nối người dân, Đảm bảo lợi ích chung trong khu vực, Hợp tác hàng hải và Góp phần vào sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Australia và Indonesia đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại song phương, song song với việc hợp tác góp phần ổn định tình hình khu vực cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai do tình trạng biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Morrison và Tổng thống Joko Widodo bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông do các hoạt động quân sự hóa và thay đổi hiện trạng, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính thượng tôn pháp luật theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Hai bên nhấn mạnh việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc cần đảm bảo phù hợp luật pháp quốc tế, không làm phương hại đến lợi ích và quyền lợi của bên thứ ba hoặc các quốc gia khác.

Hai nước đã công bố Kế hoạch Hành động 100 ngày để triển khai IA-CEPA và Kế hoạch Hợp tác giai đoạn 2020-2024 trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Theo Bộ Ngoại giao và thương mại Australia, từ tháng 4/2020, khoảng 99% hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ được miễn và giảm thuế theo lộ trình của hiệp định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục