Bà cụ bán trà đá hơn 20 năm mua thóc “đãi” chim trời trên phố

Giữa phố thị ồn ã, hàng ngày, bà cụ Nguyễn Thị Tim, 73 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn cần mẫn ra hè phố bán nước rồi dồn tiền mua thóc “đãi” chim trời.
Bà cụ bán trà đá hơn 20 năm mua thóc “đãi” chim trời trên phố ảnh 1Mỗi lần bà Tim vãi thóc, hàng trăm con chim từ trên những cành cây cao lại sà xuống vỉa hè. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Giữa phố thị ồn ã, dòng người hối hả ngược xuôi, từ trên cành cây cao, thi thoảng hàng trăm con chim lại ríu rít "gọi" nhau, sà cánh xuống vỉa hè mổ lấy những hạt thóc tinh thơm do bà cụ già bán trà đá trên một góc phố Bà Triệu ban tặng.

Hơn 20 năm trôi qua, ngày ngày bà cụ già ấy vẫn thầm lặng mua thóc “đãi” chim trời bằng những đồng bạc lẻ kiếm được sau những ngày bán nước nơi hè phố. Bà là Nguyễn Thị Tim, 73 tuổi, quê gốc ở huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Nuôi chim trời giữa phố thị

Một chiều đầu năm, trời hưng hửng nắng, gió lùa miên man như ru ngủ. Bên góc phố Bà Triệu thân quen, bà Tim lại đánh thức người dùng trà bằng những hạt thóc gọi đàn chim. Từ trong túi áo, bà lấy ra một bọc thóc rồi vung đều xuống vỉa hè. Chốc lát, hàng trăm con chim từ trên cao sà xuống, ríu rít mổ lấy những hạt thóc óng vàng.

Quán nước của bà Tim nằm sát trên vỉa hè đoạn ngã tư phố Bà Triệu-Tô Hiến Thành ngày nào cũng đông khách. Nhiều người đến đây không phải chỉ nhâm nhi chén trà, mà còn để chiêm ngưỡng điệu nhảy, thưởng thức tiếng kêu thánh thót của những đàn chim trời xinh xắn, dễ thương.

Trong số hàng trăm con chim được bà Tim “đãi” thóc có đủ các loại từ chim sẻ, chích bông đến chào mào. Điều đặc biệt là, mặc cho dòng người qua lại rất đông đúc nhưng từng đàn chim vẫn thản nhiên sà xuống vỉa hè nhảy múa như “lãnh thổ” của mình.

Chia sẻ với người dùng trà, bà Tim bảo lâu nay nhiều người thường đi săn bắn chim về làm thịt, bán cho các quán nhậu, nên nhiều loại chim ngày càng thưa thớt, không còn gần gũi với con người. Chứng kiến cảnh lũ chim bị săn bắn, mổ thịt, bà thấy đau xót lắm.

Thương những con chim giữa phố phường ít cây xanh, vừa đói ăn lại luôn phải chạy trốn khỏi các âm mưu săn bắt bằng lưới, để bảo tồn sự sống, từ đó, bà Tim mang thóc ra rải dưới cốc cây xà cừ và canh chừng cho chúng "ấm bụng" trước khi trở về tổ ấm.

Thời gian thấm thoát trôi đi, giờ đây, mỗi khi thấy bà Tim xuất hiện ở quán nước trà đá, lũ chim từ trên những cành cây cao lại sà xuống nhảy nhót, quấn quýt dưới chân bà như thể tìm thấy “ân nhân” của mình.

“Loài chim cũng như con người, nếu được chăm sóc yêu thương, chúng cũng sẽ bày tỏ sự thân thiết, gắn bó với người đã từng yêu thương nó,” bà Tim nhắn nhủ.

Ngồi ngắm nhìn đàn chim tung tăng xuống phố, chốc chốc lại líu lo gọi bạn, chuyền từ cành này sang cành khác, người dùng trà như đang sống trong một thế giới của những loài chim, lắng nghe tiếng tiếng hót líu lo để thấy tâm hồn được thảnh thơi, tạm quên đi những ồn ã của phố thị.

Bà cụ bán trà đá hơn 20 năm mua thóc “đãi” chim trời trên phố ảnh 2Quán nước trà đá của bà Tim. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Yêu chim như con cháu của mình

Hàng chục năm mang thóc “đãi” chim trời, giờ đây bà Tim đã bước sang tuổi thất thập, tóc ngả màu mây, những bước chân cũng chậm chạp, không còn nhanh nhẹn như trước. Thế nhưng, mỗi sáng bà già yêu chim trời này vẫn cần mẫn dậy sớm dọn hòng rồi chuẩn bị thức ăn cho lũ chim bé nhỏ.

“Có yêu chim, nghe chim kêu, thấy chim đói mọi người mới thấy chúng thật đáng thương. Với tôi, ngày nào không nhìn thấy đàn chim, trong người sẽ không thoải mãi. Chỉ khi thấy chúng được ăn no, cất cánh bay cao cùng tiếng hót, lúc ấy tôi mới yên lòng,” bà Tim chia sẻ.

Nói thêm về lý do mang thóc “đãi” chim trời, bà Tim nở nụ cười giòn dã rồi kể, một lần ngôi bán nước thấy những con chim từ đâu bay tới, kêu inh ỏi. Lũ chim không kiếm được gì ăn nên kêu từ sáng đến chiều. Thương những con chim trời vừa đói ăn, lại lo chúng bị thanh niên mang súng ra bắn, nên bà mang thóc gạo đặt dưới cốc cây, lũ chim thấy vậy sà xuống ăn ngon lành.

Khu vực cho chim ăn là gốc cây xà cừ gần quán nước được quét dọn sạch sẽ, bà Tim tung thóc xung quanh. Cứ thế một vài lần, lũ chim dần quen những hạt thóc tinh thơm từ túi bóng của bà, bất ngờ xuất hiện từng tốp sà xuống đón nhận bữa ăn của bà già bán nước.

Và rồi, cứ đều đặn mỗi ngày, bà Tim lại mang thóc đến vãi xung quanh cây xà cừ cho chim ăn. Từ đó, lũ chim không sợ sệt mà còn làm tổ, đẻ trứng. Nhiều tốp chim mới thấy tấm lòng thơm thảo của bà già bán nước cũng kéo bạn bay về ngày một nhiều hơn.

Để duy trì từng bữa ăn cho lũ chim, hàng tuần bà Tim lại tìm đến khu vực chợ Mơ mua từng bao thóc đưa về nhà nghiền nhỏ thành dạng tấm, gạo cho chim ăn mà không hề tính toán được mất.

Mới đầu, thấy bà già bán nước ngày ngày mang thóc đãi chim trời như vậy, nhiều người cho rằng bà Tim gàn dở, nhưng bỏ mặc những lời chê trách, bà vẫn đều đặn mang thóc cho chim ăn.

Về sau, khi lũ chim trở nên thân thiết, tung tăng nhảy, hót tạo ra không gian “phố núi,” mọi người đến uống trà mới thay đổi cách nghĩ và cảm phục tấm lòng thơm thảo của bà già bán nước có tấm lòng thơm thảo, nhiều năm mang thóc “đãi” chim trời.

Ngắm nhìn những con chip tung tăng nhảy múa, chốc chốc lại cất tiếng hót líu lo, người uống trà lại thấy ánh mắt bà Tim rực sáng trên khuôn mặt tươi vui, hiền hậu. Tiếng chim kêu trong trẻo, thi thoảng lại thánh thót như tiếng gọi “mẹ” Tim./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục