Ba khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Cần Thơ

Theo ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xác định đã 3 khâu đột phá để xứng tầm trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ba khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Cần Thơ ảnh 1Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau khi Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII vừa kết thúc vào chiều 25/9, phóng viên TTXVN tại thành phố Cần Thơ đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Trước tiên xin chúc mừng ông vừa đắc cử chức Bí Thư Thành ủy Cần Thơ, nhiệm kỳ 2015-2020. Xin ông cho biết nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Cần Thơ sẽ đề ra những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho thành phố. Đâu là những giải pháp đột phá?

- Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung: Xin cảm ơn những lời chúc tốt đẹp của đồng chí! Như đồng chí đã biết, Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 vừa được tổ chức thành công tốt đẹp.

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội, với mục tiêu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7,5-8%/năm, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIII sẽ đề ra các giải pháp lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng những nội dung như: tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn, trọng tâm là thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp (công nghệ cao); tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khu vực thương mại; mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình dịch vụ; tập trung xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Trong phát triển công nghiệp, chú trọng xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, chế biến thủy, hải sản. Phát triển nông nghiệp bền vững, toàn diện theo hướng đa dạng, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo hội nhập quốc tế theo chiều sâu, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của thành phố chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, Cần Thơ cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư bằng những giải pháp cụ thể như: nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính; nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố để thu hút đầu tư; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành trong cả nước và các bộ ngành Trung ương; huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của thành phố; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, chuyên gia đầu ngành làm chủ công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Cùng với việc phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đẩy mạnh các giải pháp lãnh đạo, nhằm chăm lo phát triển toàn diện con người, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cụ thể: chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, trong đó tập trung xây dựng một số Trường Đại học trên địa bàn, thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học ngang tầm với các trường đại học chất lượng cao trong nước và khu vực ASEAN. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng đồng bộ các thiết chế y tế hiện đại, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quan tâm hơn nữa trong thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã hội; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững của thành phố. Xây dựng con người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch.”

Để thực hiện các giải pháp trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố xác định 3 khâu đột phá gồm: xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt ngang tầm nhiệm vụ; tập trung huy động mọi nguồn lực, kết hợp vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và các lĩnh vực đời sống của nhân dân thành phố.

- Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ dự kiến sẽ có những đóng góp gì cho khu vực và cả nước trong thời gian tới?

- Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung: Với điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, Trung ương giao nhiệm vụ cho thành phố giữ vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực tế cho thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố Cần Thơ cũng đã thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực như thương mại-dịch vụ, giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ.

Đặc biệt, thành phố Cần Thơ là địa phương duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một trong 13 tỉnh, thành phố trong cả nước điều tiết ngân sách về Trung ương. Trong nhiệm kỳ này, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIII tiếp tục phát huy và nâng cao chất lượng hơn nữa những thành tựu đạt được của nhiệm kỳ trước đối với những lĩnh vực trên để xây dựng và phát triển thành phố xứng tầm với vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Với tinh thần phấn khởi, bản lĩnh chính trị và sự quyết tâm của các đồng chí cấp ủy khóa mới, tôi tin tưởng rằng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đủ sức lãnh đạo thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.


- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục