Phóng viên TTXVN tại Đông Âu dẫn thông báo của Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus cho biết Warsaw và Kiev đã đạt được thỏa thuận về việc khởi động lại quá trình vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua lãnh thổ Ba Lan kể từ ngày 21/4 tới, đồng thời bổ sung việc quy định niêm phong và giám sát quá cảnh.
Trong cuộc họp báo sau 2 ngày đàm phán ở Warsaw, Bộ trưởng Telus tuyên bố: “Chúng tôi đã cố gắng tạo ra các cơ chế như vậy để đảm bảo rằng không một tấn ngũ cốc nào còn sót lại ở Ba Lan.”
Bộ trưởng Phát triển Ba Lan Waldemar Buda cho biết thêm lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm của Ukraine vào Ba Lan sẽ được giữ nguyên.
[Ukraine và Ba Lan đàm phán về việc quá cảnh lương thực và ngũ cốc]
Áp lực đã gia tăng đối với Brussels trong việc tìm ra giải pháp cho toàn Liên minh châu Âu (EU) sau khi Ba Lan và Hungary tuyên bố cấm nhập khẩu một số nông sản từ Ukraine từ cuối tuần qua, trong khi các quốc gia khác ở Đông Âu khác cho biết đang xem xét có hành động tương tự.
Nông dân các nước này cho rằng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Ukraine, vốn gặp khó khăn khi xuất khẩu bằng đường biển trong bối cảnh xung đột với Nga, đã làm giảm giá nông sản và doanh thu của họ.
Ở Ba Lan, đây được cho là một vấn đề khó khăn với đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền trong năm bầu cử, khi chính đảng này vốn dựa nhiều vào sự ủng hộ của cử tri ở khu vực nông thôn.
Trong diễn biến liên quan, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Miriam Garcia Ferrer đã lên tiếng phản đối động thái của Ba Lan và Hungary trong việc cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông sản khác từ Ukraine.
Bà Garcia Ferrer cho biết EC đang yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thêm thông tin để có thể đánh giá các biện pháp này.
Nữ phát ngôn viên cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là việc đưa ra các quyết sách thương mại cần có sự phối hợp với EU, "mọi hành động đơn phương đều không thể chấp nhận được."
Ukraine thường xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, qua các cảng Biển Đen đã được dỡ bỏ phong tỏa vào tháng Bảy năm ngoái sau khi Kiev và Moskva đạt được thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhờ vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc.
Sau nhiều lần gia hạn, thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực sau ngày 18/5 tới. Phía Nga tuyên bố sẽ không thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận này trừ khi phương Tây dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moskva.
Trong chuyến công tác tới New York (Mỹ) sắp tới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến thảo luận về thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres./.