Ba lưu vực sông là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường nước

Tại Việt Nam, 3 lưu vực sông nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường nước là sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy và sông Đồng Nai.
Ba lưu vực sông là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường nước ảnh 1Một góc sông Đồng Nai. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân-Cộng hòa Liên bang Đức phối hợp tổ chức Diễn đàn chung Việt Nam-Cộng hòa Liên bang Đức về quản lý nước lưu vực sông tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết trong những năm vừa qua, quá trình phát triển kinh tế-xã hội diễn ra rất sôi động, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm nằm ở khu vực hạ lưu các lưu vực sông lớn hoặc cửa sông ven biển.

Kèm theo tốc độ phát triển nhanh về kinh tế là các vấn đề về môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Chất lượng môi trường nước tại các lưu vực sông đang diễn biến phức tạp, bị suy thoái ở nhiều nơi, đặc biệt ở các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề.

Nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm môi trường là tại 3 lưu vực sông, gồm sông Cầu, sông Nhuệ-sông Đáy và hệ thống sông Đồng Nai.

Kết quả quan trắc cho thấy nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, chất rắn lơ lửng, mùi hôi, màu đục tối, vi khuẩn, dầu mỡ, kim loại nặng, thuốc trừ sâu... gây nguy hại đến sức khỏe của người dân sống trên lưu vực, sử dụng nguồn nước cho sinh hoạt.

Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trên các lưu vực sông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm của các lưu vực sông, song vẫn là vấn đề môi trường rất "nóng," được phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong tương lai không xa, nếu không có các giải pháp quyết liệt và phù hợp, các lưu vực sông khác như sông Mã, sông Cả-La, sông Vu Gia-Thu Bồn... đều có khả năng trở thành điểm nóng ô nhiễm. Các con sông thường là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân phía hạ lưu.

Đặc biệt, người dân ở vùng nông thôn và những người có thu nhập thấp thường sử dụng trực tiếp nước sông, hồ bị ô nhiễm, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, tác động trực tiếp đến điều kiện sống, sức khỏe nhân dân và ảnh hưởng đến điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, bảo vệ môi trường là vấn đề trọng yếu mang tính toàn cầu và đang trở thành một trong những nội dung quan trọng trong các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của các quốc gia.

Ở Việt Nam, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi công dân. Công tác bảo vệ môi trường các lưu vực sông được luôn là vấn đề nóng được Đảng và Chính phủ và dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 dành Mục 1, Chương VI (từ Điều 52 đến Điều 55) để quy định về bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, trong đó có những vấn đề mới về quản lý đã được quy định như việc điều tra, đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông. Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ, về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng dành quan tâm đáng kể đến công tác này.

Trên thực tế, mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững với lợi ích tăng trưởng kinh tế trước mắt của các địa phương; mâu thuẫn giữa năng lực quản lý môi trường còn nhiều bất cập với đòi hỏi ngày càng cao của thực tế xã hội; mâu thuẫn giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn lạc hậu với lượng chất thải ngày càng gia tăng..., hiện đang đặt ra vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nước ở mọi cấp, mọi ngành và địa phương.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận về thực tiễn quản lý nước ở cấp Trung ương và địa phương như quản lý các nguồn nước thải; khái niệm về khả năng chịu tải ô nhiễm, khái niệm về hiện trạng chất lượng nước sạch; quy chuẩn môi trường nước; quản lý chất lượng nước và đàm phán kế hoạch hợp tác song phương trong thời gian tới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục