Ba nguyên nhân khiến ông Trump muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc

Nếu Mỹ-Trung không thể đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, thì khả năng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ điều chỉnh, qua đó có thể làm tan biến “thành tích chính trị lớn” của ông Trump.
Ba nguyên nhân khiến ông Trump muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bản thân mong muốn sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020 mới ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, song ông không đưa ra bất cứ thời hạn chót nào cho việc này.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng xem ra đây chỉ là màn khói ngụy trang che đậy mong muốn nhanh chóng ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc của ông Trump.

Thứ nhất, nếu Mỹ-Trung không thể đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, thì e rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ điều chỉnh, qua đó có thể làm tan biến “thành tích chính trị lớn” của ông Trump.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump rất coi trọng diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ngày 2/12 vừa qua, ông Trump đã viết trên tài khoản Twitter của mình rằng chiều hướng gia tăng trên thị trường chứng khoán cho thấy việc áp đặt biện pháp thuế quan là hợp lý.

[Năm nhân tố khiến thỏa thuận Mỹ-Trung "Giai đoạn 1" bị gập ghềnh]

Ông Trump cũng cho biết từ đầu tháng ba năm ngoái, nghĩa là từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt biện pháp thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, chứng khoán Mỹ đã tăng nhiều nhất, tới 21% và Mỹ đã thu được lợi ích lớn từ biện pháp thuế quan.

Trên thực tế, gần đây, chứng khoán Mỹ lại lập kỷ lục cao mới, ở một chừng mực tương đối lớn là kết quả từ việc nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ-Trung sớm đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Nếu kỳ vọng này tan vỡ, tình hình lạc quan chưa chắc đã xuất hiện dù chứng khoán Mỹ có truyền thống tăng điểm vào cuối năm. Thậm chí, có nhận định cho rằng chứng khoán Mỹ còn có thể đối mặt với rủi ro lao dốc giống như từng xảy ra vào Giáng Sinh năm ngoái.

Khi đó, ông Trump đã giận dữ với những con số "xấu xí" trên thị trường chứng khoán, theo đó cáo buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là kẻ "tội đồ."

Giờ đây, “tội đồ” ấy chính là bóng ma chiến tranh thương mại leo thang, vì Mỹ-Trung chưa thể đạt được thỏa thuận liên quan.

Thứ hai, trong tương lai gần, nếu Mỹ-Trung không đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, vòng áp thuế thứ tư đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ bắt đầu, có thể khiến kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ tổn thất lớn, làm giảm mạnh cơ hội liên nhiệm của ông Trump.

Theo kế hoạch, từ ngày 15/12 tới, Mỹ bắt đầu áp thuế đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Các mặt hàng chịu mức thuế bổ sung 15% lần này gồm đồ chơi, hàng thời trang, sản phẩm số, máy tính bảng, điện thoại, máy tính xách tay… sẽ ảnh hưởng rõ ràng tới đời sống người dân Mỹ. Tiêu dùng đóng góp khoảng 2/3 GDP của Mỹ, nhưng vòng áp thuế mới từ ngày 15/12 tới lại nhằm thẳng vào tiêu dùng.

Hồi tháng 8/2019, ông Trump đã lùi một phần kế hoạch áp thuế trừng phạt hàng hóa Trung Quốc sang tháng 12/2019 để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Mỹ trong mùa mua sắm cuối năm.

Quyết định này phần nào cho thấy lo ngại của ông Trump trước ảnh hưởng tiêu cực của vòng áp thuế này đối với kinh tế Mỹ, thậm chí có thể khiến ông Trump đối mặt với rủi ro “cái được không đủ bù cho cái mất.”

Cho nên, có thể dự đoán dù Mỹ-Trung không thể ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong năm nay và vòng áp thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực như kế hoạch, hai bên cũng sẽ nỗ lực ký kết vào đầu năm 2020 để có thể có lý do dỡ bỏ vòng áp thuế mới, hạn chế thiệt hại đối với kinh tế ở mức thấp nhất.

Thứ ba, việc ông Trump tỏ thái độ không cần vội vàng đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc ở một chừng mực rất lớn là nhằm thỏa mãn nhu cầu cứng rắn với Trung Quốc của Quốc hội Mỹ.

Ba nguyên nhân khiến ông Trump muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc ảnh 2Hàng hóa Trung Quốc xếp cảng Long Beach ở bang California, Mỹ ngày 14/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xuất phát từ tính toán về diễn biến trên thị trường chứng khoán, biểu hiện của kinh tế Mỹ và tình hình tranh cử, ông Trump có đủ lý do để mong muốn sớm đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Vấn đề ở chỗ Quốc hội Mỹ gần đây liên tục có những động thái gây phiền toái, khiến đàm phán thương mại Mỹ-Trung trở nên phức tạp và cũng khiến ông Trump gặp khó khăn khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Cứng rắn với Trung Quốc có thể nói đã trở thành nhận thức chung của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ Mỹ. Mới đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong.

Việc này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của phía Trung Quốc, nhưng ông Trump không thể không ký vì với số phiếu ủng hộ áp đảo, Quốc hội Mỹ hoàn toàn có thể đảo ngược quyền phủ quyết của ông Trump.

Do vậy, theo tờ Economic Journal, việc ông Trump tuyên bố “Trung Quốc rất muốn ký thỏa thuận, nhưng tôi muốn lùi lại,” “muốn xem xem thỏa thuận đó có phù hợp với Mỹ hay không,” xem ra chỉ là để thỏa mãn nhu cẩu chính trị của các nghị sỹ Mỹ, tạo ra “màn khói hỏa mù” che lấp mong muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Bởi đối mặt với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, đàm phán thương mại Mỹ-Trung càng đẩy lùi thì ông Trump càng bất lợi. Đó là chưa nói tới việc ông Trump đang bị điều tra luận tội, cho nên, càng cần tới một thành tích để tăng năng lượng chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục