Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp ứng phó với số ca nhiễm mới tăng liên tục

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp tăng liên tục, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế, quá tải cho cơ sở điều trị F0 tập trung.
Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp ứng phó với số ca nhiễm mới tăng liên tục ảnh 1Ngày 5 và 6/11, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xuất hiện ổ dịch tại 2 cơ sở của Công ty có hơn 8.000 lao động. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Tháp tăng liên tục, gây áp lực lớn đối với hệ thống y tế, quá tải cho cơ sở điều trị F0 tập trung. 

Số ca nhiễm liên tục tăng, Bà Rịa-Vũng Tàu nâng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19

Theo báo cáo từ Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính từ 18 giờ ngày 17/11 đến 18 giờ ngày 18/11, toàn tỉnh ghi nhận 423 ca mắc mới, trong đó có, 321 ca trong cộng đồng.

Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương có số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất toàn tỉnh, với 193 ca, trong đó 146 ca cộng đồng. Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 99 ca, trong đó có 86 ca cộng đồng.

Trong các ngày gần đây, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận số ca mắc tăng cao, vượt đỉnh dịch so với trước đây. Cụ thể, ngày 16/11, toàn tỉnh ghi nhận 300 ca mắc; ngày 17/11, toàn tỉnh ghi nhận 428 ca mắc; ngày 18/11 là 423 ca mắc mới. Từ ngày 28/6 đến nay, tỉnh ghi nhận tống số 7.816 ca mắc.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng, nguy cơ bùng phát dịch]

Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đang có 33 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 1, vùng xanh (giảm 14 vùng so với ngày 17/11); 35 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 2, vùng vàng (tăng 9 vùng) và 15 xã, phường, thị trấn đang ở cấp độ 3 vùng cam (tăng 5 vùng). Trước diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, số ca mắc tăng cao, ngày 18/11, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nâng cấp độ dịch của tỉnh từ cấp 1 vùng xanh lên cấp 2 vùng vàng. 

Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 18 cơ sở điều trị COVID-19 hoạt động gồm 3.006 giường bệnh, đang điều trị 2.134 ca F0, 92 ca F1 đi cùng thân nhân, chiếm 74% giường bệnh. Tỉnh cũng có 73 khu cách ly tập trung với sức chứa 10.199 giường, cách ly 4.503 trường hợp F1.

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh nhận định, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới trong cộng đồng không ngừng tăng. Các ca nhiễm lây lan nhanh trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong khu công nghiệp, ngoài cộng đồng.

Nguyên nhân phần lớn là do các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Một bộ phận người dân, người lao động còn chủ quan, chưa chấp hành tốt các nguyên tắc, biện pháp phòng dịch.

Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh đề nghị các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác, nêu cao vai trò trong phòng, chống dịch; chấp nhận đương đầu với dịch bệnh.

Các địa phương cần có hành động kịp thời, tránh chủ quan trông chờ vào việc tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân; sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu hơn, không để bị động, bất ngờ; luôn duy trì việc ứng trực 24/24 giờ để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; tiếp tục công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và các biện pháp để sống chung an toàn, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch…

Người lao động đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm phòng, chống dịch vừa mở cửa phát triển kinh tế nhưng cũng cần linh hoạt, không cứng nhắc, bám sát thực tế dịch bệnh, an toàn tới đâu, mở cửa tới đó, tránh tình trạng vừa mở cửa đã phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Bên cạnh đó, lực lượng công an, cấp ủy các địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp cần bám sát tình hình dịch trong các nhà máy, doanh nghiệp; tuyên truyền kịp thời thống nhất các phương án phòng, chống dịch để người lao động đồng thuận, chấp hành tốt.

Đồng Tháp thay đổi phương thức điều trị F0, tiêm vaccine vào cả ban đêm

Ngày 18/11, số ca nhiễm COVID-19 của tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xác lập kỷ lục mới với 515 ca, cao nhất kể từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn tỉnh cho tới nay.

Trong 11 ngày qua, tỉnh Đồng Tháp có 4.359 ca mắc COVID-19 (trung bình 396 ca/ngày), trong đó, có tới 1.211 ca trong cộng đồng. Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, Đồng Tháp ghi nhận 15.204 ca nhiễm COVID-19, đã điều trị khỏi bệnh 10.807 ca; tử vong 237 ca.

Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp ứng phó với số ca nhiễm mới tăng liên tục ảnh 2Học sinh Trường THPT Đỗ Công Tường (thành phố Cao Lãnh) được khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Hiện tỉnh đang điều trị 4.152 ca F0, trong đó có 3.988 ca không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chiếm hơn 96%; 80 ca bệnh nặng và rất nặng.

Đồng Tháp có 19 cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với công suất tối đa 3.036 giường. Tuy nhiên, tỉnh đang phải tiếp nhận điều trị đến hơn 4.150 ca mắc COVID-19, thiếu gần 1.120 giường điều trị F0 so với số ca bệnh tiếp nhận.

Trước tình hình quá tải ở cơ sở điều trị F0 tập trung cùng với việc đa số người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tỉnh đang tính toán, thay đổi phương thức điều trị cho F0.

Thay vì cách ly, điều trị tất cả các trường hợp F0 tại cơ sở điều trị tập trung như trước đây, Đồng Tháp chuyển sang phương án cho cách ly, điều trị tại nhà đối với những đối tượng F0 không có triệu chứng, đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19, người trẻ tuổi…

Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho rằng: “Do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nên các địa phương chuyển quan điểm điều trị COVID-19, cho những F0 đủ điều kiện theo quy định được điều trị tại nhà và đó là xu hướng tất yếu.”

Trong việc điều trị F0, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu, ngành Y tế và các ngành liên quan sắp xếp, phân tầng điều trị hợp lý để hạn chế thấp nhất số ca chuyển biến nặng và ca tử vong.

Trước mắt, cần phân loại F0 thành 3 nhóm, gồm F0 điều trị tại nhà; F0 điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị cấp huyện, F0 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị cấp tỉnh.

Đồng thời, ngành y tế cần có quy định tiêu chuẩn, hướng dẫn quản lý cụ thể từng nhóm đối tượng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung này tại các địa phương để có hỗ trợ kịp thời.

“Trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện người nhiễm COVID-19, đối tượng F0 phải được ngành chức năng phân loại để kịp thời chọn nơi điều trị phù hợp,” ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thái Thuận, tỉnh đã thành lập các trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn để phối hợp với những Tổ nhân dân tự quản và các đoàn thể tại địa phương quản lý, chăm sóc sức khỏe của F0, xét nghiệm, truyền thông sức khỏe và khám điều trị bệnh.

Đến nay, mỗi trạm y tế đều có 2 bình ô xy nén, 2 máy tạo ô xy khí trời và được trang bị 100 gói thuốc, gồm các nhóm hạ sốt, vitamin, thuốc kháng viêm…

Cùng với chuẩn bị thực hiện phương án điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, một số địa phương trong tỉnh đã thực hiện cách ly đối tượng F1 tại nhà. Việc này nhằm giảm chi phí, áp lực tại những cơ sở cách ly tập trung, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, nhiều xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tiêm vaccine, thực hiện cả vào ban đêm và ngày nghỉ.

Tính đến ngày 18/11, Đồng Tháp đã tiêm được 1.823.991 liều vaccine ngừa COVID-19. Trong đó, tiêm mũi 1 là 1.105.357 liều, đạt 81,41% dân số và tiêm mũi 2 là 718.634 liều, đạt gần 53% dân số từ 18 tuổi trở lên. Tỉnh cũng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 15-17 tuổi được 53.370 liều, đạt 91,23%.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục