Ba thách thức liên minh AUKUS đặt ra đối với ASEAN

Quan điểm khác biệt của các nước ASEAN với AUKUS nằm ở sự khác biệt trong chiến lược an ninh, nhu cầu bảo vệ, hợp tác an ninh của Mỹ, nhận thức khác nhau về vai trò của Trung Quốc trong khu vực.
Ba thách thức liên minh AUKUS đặt ra đối với ASEAN ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Asia Times)

Theo trang mạng chinadaily.com.cn, ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia đã ký kết thỏa thuận hợp tác an ninh và thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên mang tên AUKUS.

Với tư cách một liên minh an ninh ba bên trên thực tế trên chính trường quốc tế truyền thống, AUKUS là liên minh an ninh quân sự đa phương duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương trong 30 năm qua.

Ngạc nhiên hơn, Mỹ và Anh, hai ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng cam kết cung cấp cho Australia ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, đưa Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới tiếp cận sức mạnh quân sự này.

Ngoài ra, liên minh ba bên mới này tương thích cao độ với ý tưởng "liên minh và đối tác" mà chính quyền Biden từng nhấn mạnh, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu chiến lược của Mỹ nhằm tập trung toàn bộ sức lực để đối phó với Trung Quốc - quốc gia mà Washington coi là "phép thử địa chính trị lớn nhất" đối với Mỹ.

Là một liên minh quân sự đa phương được trang bị vũ khí hạt nhân nhắm vào cùng một đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc, AUKUS đang cho thấy dấu hiệu của Chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ AUKUS do các nước ASEAN nằm xung quanh tuyến đường biển chiến lược trên Biển Đông, đối mặt với Australia phía bên kia đại dương, đồng thời một số quốc gia thành viên là mắt xích quan trọng trong chuỗi đảo đầu tiên của Mỹ và là pháo đài để ngăn chặn Trung Quốc.

[Những ẩn ý đằng sau liên minh mới Mỹ-Anh-Australia]

Cụ thể, AUKUS đã đẩy ASEAN vào phép thử trên ba khía cạnh. Thứ nhất, ASEAN có thể rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh, trong đó tất cả các nước đều nhận thấy họ đang gặp nguy hiểm.

Một mặt, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều không chỉ có nghĩa là sức mạnh quân sự của Australia sẽ được cải thiện nhanh chóng mà còn mang lại cho Mỹ một đối tác mạnh mẽ. Động thái này chắc chắn sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Kể từ khi bước vào thế kỷ 21, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và các nước ASEAN khác đã tích cực triển khai các tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường cùng nhiều tàu chiến nổi của Đức và Nga.

Đặc biệt từ năm 2010, trước tình hình căng thẳng liên tục ở Biển Đông, các quốc gia đã đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng hải quân thông qua mua sắm vũ khí.

Tuy nhiên, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có những ưu điểm rõ ràng hơn so với tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường. Ngoài sức bền mạnh mẽ và tốc độ cao, chúng có thể được trang bị tên lửa hạt nhân. Năng lực tấn công, sát thương và răn đe của chúng vượt trội hơn các tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường.

Điều đáng lo ngại hơn là Australia, vốn đang muốn thể hiện ảnh hưởng của mình, nhất định sẽ triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến Biển Đông để hỗ trợ các nhu cầu chiến lược của Mỹ ở khu vực này. Do đó, các nước ASEAN sẽ chứng kiến một nước láng giềng gần gũi sở hữu sức mạnh quân sự ngày một gia tăng và đang dần tiếp cận họ.

Mặt khác, các nước ASEAN luôn dựa vào cán cân quyền lực của nước lớn để đảm bảo an ninh. Với sự hình thành của AUKUS, một “thế lực lớn” sẽ có ảnh hưởng sâu rộng, từ Đông Nam Á đến Nam Thái Bình Dương, và cán cân phân bổ quyền lực ban đầu trong khu vực sẽ bị phá vỡ.

Do đó, ASEAN sẽ phải quyết định chiến lược tìm kiếm sự cân bằng của họ cần đi đến đâu.

Hội nhập chính trị và an ninh của ASEAN vẫn ở mức tương đối thấp so với Liên minh châu Âu (EU), và các quốc gia thành viên còn rất lâu mới đạt được sự tương đồng về chính sách ngoại giao và quốc phòng. Các thành viên ASEAN khó có thể dựa vào sự phòng thủ tập thể của ASEAN để tìm kiếm “an ninh tập thể.”

Họ chỉ có thể dựa vào việc xây dựng năng lực quân sự độc lập và các chiến lược ngoại giao phù hợp và tự chủ. Do vậy, trước sự thành lập của liên minh AUKUS và năng lực tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia, các nước ASEAN sẽ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan vì cảm thấy bị đe dọa, từ đó dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang thần tốc.

Thứ hai, ASEAN sẽ phải suy nghĩ về cách giải quyết vấn đề “buộc phải chọn bên.” Mặc dù Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ không có ý định buộc các nước ASEAN phải chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng việc thành lập AUKUS cho thấy một phe chống Trung Quốc do Mỹ đứng đầu đã dần hình thành.

Đông Nam Á có vị trí địa lý vô cùng đặc biệt và quan trọng, theo đó sẽ quyết định sự thành bại trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ ở một mức độ đáng kể.

Một mặt, Mỹ sẽ không dễ dàng chấp nhận việc chiến lược ngăn chặn Trung Quốc bị suy giảm mạnh, thậm chí khó thể hình thành, do thiếu sự hợp tác của ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc là láng giềng tự nhiên và là đối tác kinh tế thương mại không thể thay thế của ASEAN.

Do đó, hầu hết các nước ASEAN sẽ không lo lắng về chi phí và hậu quả của việc chọn bên, đồng thời nỗ lực duy trì sự độc lập trong các chiến lược ngoại giao và an ninh, đặc biệt là “vai trò trung tâm” của ASEAN. Tuy nhiên, trước thái độ hung hăng của Mỹ, ASEAN vẫn sẽ khó thoát khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan “buộc phải đứng về phía nào.”

Thứ ba, AUKUS sẽ “xé nát” ASEAN và ngăn chặn tiến trình hội nhập chính trị và an ninh của ASEAN. Phản ứng của các nước ASEAN đối với AUKUS là không nhất quán.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Lochen đã công khai tuyên bố rằng AUKUS sẽ cải thiện năng lực phản ứng quân sự của các nước láng giềng và đồng minh thân thiết trước các mối đe dọa hoặc thách thức đối với tình hình hiện tại trong khu vực, giúp khôi phục và duy trì sự cân bằng và sẽ không làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

Tuy nhiên, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược. Ông Sabri cảnh báo rằng thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực.

Quan điểm khác biệt của các nước ASEAN đối với AUKUS nằm ở sự khác biệt của họ trong chiến lược an ninh, nhu cầu bảo vệ và hợp tác an ninh của Mỹ, và nhận thức khác nhau về vai trò của Trung Quốc trong khu vực.

Đặc biệt, Philippines và Việt Nam, vốn có xung đột về quyền và lợi ích trên biển với Trung Quốc, về cơ bản ủng hộ việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Do đó, các nước ASEAN khó có thể đạt được lập trường chung về AUKUS. Lập trường chia rẽ này sẽ mang lại những thách thức đối với quá trình hội nhập an ninh chính trị khu vực và việc hiện thực hóa Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN năm 2025.

AUKUS là liên minh chính thức đầu tiên do Mỹ thành lập ở châu Á-Thái Bình Dương trong 30 năm qua, nhưng nó sẽ không phải là liên minh cuối cùng.

Trước cú sốc dữ dội đối với trật tự khu vực do Mỹ gây ra, ASEAN không nên quên “tâm nguyên ban đầu” và “sứ mệnh” của họ của khi mới thành lập. Tất cả các quốc gia thành viên cần tích cực bảo vệ sự đoàn kết của ASEAN và để ASEAN tiếp tục đóng vai trò " điều tiết" trong sự phát triển của trật tự khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục