Ba thách thức với hội nghị khí hậu Copenhaghen

Sự thiếu đồng thuận về giảm lượng khí thải là một trong ba thách thức mà Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu Copenhaghen phải đối mặt.
Tương lai của nhân loại và cuộc sống hành tinh là những vấn đề sẽ được đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu, sẽ diễn ra tại Copenhaghen, Đan Mạch, từ ngày 7 đến 18/12 tới.

Báo "Giải Phóng" của Pháp số ra mới đây đã dẫn nhận định của ông Riccardo Petrella, Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách nguồn nước châu Âu, cho rằng hội nghị này sẽ phải đối mặt với ba trở ngại lớn và phải có sự đồng thuận cao mới có thể vượt qua.

Trở ngại thứ nhất, các nước phát triển trên thế giới chưa hẳn sẽ sẵn sàng tuân thủ những khuyến nghị của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), được thành lập năm 1992 và cho đến nay là cơ quan nghiên cứu khoa học lớn nhất hành tinh chuyên về thăm dò và đánh giá sự biến đổi của khí hậu Trái Đất.

Theo các nghiên cứu của IPCC, để tránh thảm họa cho hành tinh, từ nay đến năm 2100 phải duy trì nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm quá 2°C.

Để đạt mục tiêu này, IPCC ước tính từ nay đến năm 2050, thế giới cần phải giảm 60% lượng khí thải CO2 so với lượng khí thải năm 1990, trong đó đến 80% là do các nước giàu thải ra. Cho đến nay, chỉ có một vài nước châu Âu tuyên bố sẵn sàng giảm 20% lượng khí thải của họ vào năm 2020.

Tại cuộc họp trù bị cho Hội nghị Copenhaghen, diễn ra ở Đức, mới đây, Nhật Bản khẳng định nước này không định giảm 8% lượng khí thải của mình. Còn Chính quyền Mỹ tuyên bố không có kế hoạch giảm quá 4% và cũng không muốn đề nghị Trung Quốc phải đưa ra những con số cam kết cụ thể.

Trong khi đó, những nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi đã nhắc lại rằng nếu các nước phát triển không đăng ký thực hiện giảm lượng khí thải của họ ở mức cao nhất mà IPCC đưa ra (40% vào năm 2020), nhóm nước đang nổi cũng sẽ không ký hiệp ước sắp tới và từ chối thực hiện các mục tiêu giảm lượng khí thải của mình.

Điều này cho thấy rõ ràng việc tạo ra bước ngoặt lịch sử đối với cuộc sống hành tinh phụ thuộc chủ yếu vào các nước giàu nhất, những nước mà từ 100 năm nay luôn là nơi tiêu thụ nhiều nhất và cũng lãng phí nhất các nguồn tài nguyên của Trái Đất.

Thách thức thứ hai liên quan đến thái độ ngập ngừng ngày càng gia tăng của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc chấp nhận sự điều chỉnh mới đối với những chính sách chung liên quan đến lợi ích của toàn nhân loại. Sự hợp tác quốc tế trong vấn đề khí hậu đang có dấu hiệu suy yếu, trong khi hai xu hướng đáng lo ngại lại đang nổi lên.

Ở xu hướng đầu tiên, viện cớ nhiều khó khăn cản trở việc thực hiện có hiệu quả các hiệp ước quốc tế, mỗi nước, trước tiên là những nước giàu, chỉ nghĩ đến an ninh kinh tế, môi trường, năng lượng của riêng mình và tìm những điều kiện tốt nhất để tự mình thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Xu hướng tiếp theo, mặc dù lãnh đạo các nước giờ đây đã thừa nhận rằng, giải pháp để đối phó với cuộc "khủng hoảng thế giới" là phục hồi sự tăng trưởng của nền kinh tế thị trường trong màu xanh của môi trường (xe hơi thân thiện với môi trường, năng lượng sạch), song họ lại chưa nghĩ đến tầm quan trọng của việc cần phải đặt môi trường vào trọng tâm của sự phát triển kinh tế.

Thách thức thứ ba, không kém phần quan trọng, đó là vấn đề nguồn nước. Theo các nghiên cứu của IPCC, hậu quả của những biến đổi trầm trọng nhất về khí hậu sẽ liên quan đến nước. Sự tan băng ở hai bán cầu sẽ dẫn đến tình trạng nước biển dâng cao, nhưng nước ngọt sẽ ngày càng khan hiếm.

Đến năm 2050, khoảng 60% dân số thế giới sẽ sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Những cuộc xung đột giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như giữa các khu vực với nhau, sẽ ngày càng gia tăng do tranh chấp quyền sở hữu và sử dụng nước. Vậy mà vấn đề nguồn nước không hề được nhắc đến trong chương trình nghị sự của Hội nghị Copenhaghen sắp tới.

Các cuộc đàm phán trong khuôn khổ hội nghị này chỉ xoay quanh chủ đề năng lượng cho giai đoạn hậu dầu lửa, được một số ít nước giàu đánh giá là quan trọng hàng đầu, nhưng lại không phải là vấn đề sống còn đối với đa số các nước khác trên thế giới, hiện đang phải vật lộn với sự cạn kiệt của nguồn nước, sự khan hiếm của lương thực hay sự ô nhiễm của môi trường.

Theo Giáo sư Riccardo Petrella, cần đưa vấn đề nước vào nội dung của hiệp ước toàn cầu, bởi cùng với nước sẽ là cuộc sống và hòa bình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục