Bác bỏ thông tin Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ tháng Ba

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan vừa ra cảnh báo thông tin không chính xác về việc Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam đang được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Bác bỏ thông tin Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ tháng Ba ảnh 1Các trang web đưa tin không chính xác về việc Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa ra cảnh báo có một số thông tin không chính xác về việc Đài Loan (Trung Quốc) dừng tiếp nhận lao động Việt Nam đang được chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

Theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan, thời gian gần đây, hai trang web http://newsvitality.info và http://tinnguoiviet.net bản tiếng Việt và tiếng Hoa đưa thông tin Tổng thống Đài Loan (Trung Quốc) ngày 20/2 đã ký quyết định tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) kể từ ngày 1/3 do tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn cao hoặc thông tin dừng tiếp nhận lao động của 11 huyện của tỉnh Nghệ An kể từ đầu tháng Ba… Những thông tin này gây hoang mang trong cộng đồng người lao động và doanh nghiệp.

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan khẳng định thông tin Đài Loan (Trung Quốc) tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam là không chính xác.

Bác bỏ thông tin Đài Loan dừng tiếp nhận lao động Việt Nam từ tháng Ba ảnh 2

Bên cạnh đó, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cũng cảnh báo với người lao động rằng hai trang web http://newsvitality.info và http://tinnguoiviet.net thường xuyên đưa các thông tin thất thiệt về người lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan, tại Nhật Bản hoặc tại Hàn Quốc.

Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan đề nghị người lao động, doanh nghiệp khi đọc được các thông tin từ 2 trang web trên cần phải kiểm chứng từ các cơ quan chức năng của Việt Nam hoặc Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, người lao động không nên tự ý chia sẻ thông tin lên các trang mạng xã hội hoặc nhân rộng thông tin khi chưa kiểm chứng, xác thực gây ảnh hưởng xấu và gây hoang mang với người lao động và doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục