Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh-Quảng Trị chủ động ứng phó thời tiết

Để chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển, các tỉnh, thành Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số tỉnh ven biển theo dõi chặt các bản tin dự báo và cảnh báo.
Bắc Bộ và ven biển Quảng Ninh-Quảng Trị chủ động ứng phó thời tiết ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 14/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai ban hành văn bản số 202/VPTT gửi các tỉnh, thành phố Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam và ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Từ đêm 15-18/4, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông; riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ngày 16/4, vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, giật cấp 6-7, từ đêm 17/4, gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

[Các tỉnh Bắc Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều giảm mây trời nắng]

Để chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và gió mạnh trên biển, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống, đặc biệt là bố trí lực lượng xung kích, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân và tổ chức khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời.

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Trị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển, lồng bè, nuôi trồng thủy sản biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, cũng như phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương nêu trên sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục