Bắc Cực - 'Đấu trường' của sức mạnh và cạnh tranh toàn cầu mới

Mỹ khẳng định sẽ cạnh tranh ảnh hưởng ở Bắc Cực và chống lại những nỗ lực biến nơi đây thành một khu vực chiến lược của bất kỳ một hoặc hai quốc gia nào.
Bắc Cực - 'Đấu trường' của sức mạnh và cạnh tranh toàn cầu mới ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (giữa) tại cuộc họp của Hội đồng Bắc cực ở Rovaniemi, Phần Lan ngày 7/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

AP/AFP đưa tin Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 6/5 đã cảnh báo Trung Quốc và Nga rằng Mỹ sẽ không ủng hộ các động thái gây hấn ở khu vực Bắc Cực, nơi đang nhanh chóng mở ra những cơ hội phát triển và thương mại khi nhiệt độ ấm lên và băng tan chảy.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một bài phát biểu tại Phần Lan rằng Mỹ sẽ cạnh tranh ảnh hưởng ở Bắc Cực và chống lại những nỗ lực biến nơi đây thành một khu vực chiến lược của bất kỳ một hoặc hai quốc gia nào.

Ông nói rằng luật pháp phải thắng thế để Bắc Cực giữ được sự hòa bình, đồng thời ông chỉ trích Trung Quốc và Nga vì những gì ông cho là các hoạt động cưỡng chế, vốn sẽ gây tổn hại cho Bắc Cực nếu chúng được phép thực hiện.

Ông Pompeo nói trước khi tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao thuộc Hội đồng Bắc Cực: “Khu vực này đã trở thành một đấu trường của sức mạnh và cạnh tranh toàn cầu, và 8 quốc gia Bắc Cực phải thích nghi với tương lai mới này."

[Mỹ từ chối ký thỏa thuận tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực]

Ông nói rằng Hội đồng đã từng chỉ tập trung vào các vấn đề khoa học, môi trường và văn hóa, nhưng những thay đổi sâu sắc trong môi trường và các cuộc cạnh tranh chiến lược ở Bắc Cực mới là tác nhân khiến nơi đây hiện trở nên vô cùng khó khăn.

Ông Pompeo nói: “Chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới của sự gắn kết chiến lược với Bắc Cực, cạnh tranh với các mối đe dọa mới đối với lợi ích và bất động sản của Bắc Cực."

Đối với Mỹ, ông nói rằng điều đó có nghĩa là tăng cường sự hiện diện ngoại giao và an ninh của Mỹ bằng các cuộc tập trận quân sự mới, các tàu phá băng và các hoạt động mở rộng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển.

Ông đặc biệt nhắm vào Trung Quốc. Trong khi Mỹ và Nga là các thành viên của Hội đồng Bắc Cực, Trung Quốc lại không có bất kỳ lãnh thổ hay tuyên bố chủ quyền nào ở Bắc Cực mà chỉ đảm nhiệm vai trò quan sát viên trong Hội đồng.

Ông Pompeo cho rằng nên xem xét kỹ càng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đưa bản thân họ vào các vấn đề khu vực bằng cách đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư thương mại.

Ông bác bỏ khẳng định của Trung Quốc khi cho rằng họ là một “quốc gia gần Bắc Cực.”

Ông nói: “Chỉ có các quốc gia Bắc Cực và các quốc gia không thuộc Bắc Cực. Không tồn tại loại thứ ba - đồng thời khẳng định Trung Quốc chính xác là không có quyền hạn gì."

Ông Pompeo cho biết đầu tư của Trung Quốc cho Bắc Cực đáng được hoan nghênh, nhưng việc Trung Quốc có lịch sử mà ông gọi là các “hoạt động săn mồi” ở những nơi khác là điều đáng phải quan tâm.

Ông khẳng định: “Mô hình hành vi hung hăng của Trung Quốc ở những nơi khác sẽ cho thấy cách họ đối xử với Bắc Cực.”

Ông hối thúc chống lại kịch bản mà theo đó, các quốc gia bị mắc bẫy nợ và tham nhũng, đầu tư chất lượng thấp, quân sự hóa và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên mất kiểm soát.

Tất cả những điều đó, theo ông Pompeo, là những tác động tiềm năng cho phép Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa đến nhiều quốc gia láng giềng nhỏ hơn. Ông nói: “Liệu chúng ta có muốn biến Bắc Băng Dương trở thành Biển Đông mới, với đủ các vấn đề quân sự hóa và cạnh tranh lãnh thổ hay không?”

Theo hãng tin AFP,  Bắc Kinh đã đầu tư ồ ạt vào khu vực này - gần 90 tỷ USD từ năm 2012 đến 2017, theo ông Pompeo - và dự định sẽ được hưởng lợi hoàn toàn những lợi thế trên tuyến đường biển phía Bắc.

Kênh vận chuyển này, vốn sẽ cắt giảm đáng kể thời gian di chuyển giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bằng cách đi qua Nga, ngày càng trở nên khả quan khi băng tan ở Bắc Cực.

Trung Quốc muốn biến tuyến đường biển này trở thành một phần của dự án Con đường tơ lụa mới - một chương trình đầu tư lớn của Trung Quốc mà một số quốc gia, đặc biệt là Mỹ, coi là một âm mưu nhằm giành quyền kiểm soát.

Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Bắc Cực, Gao Feng, người có mặt tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực, đã bác bỏ những lời cảnh báo của Pompeo và nói rằng các nước nên được tự do thỏa hiệp với Trung Quốc như những gì họ muốn.

Ông Gao Feng nói: “Một mặt, ông ấy (Pompeo) có thể cảnh báo. Nhưng cách mọi người phản ứng với điều đó lại là một vấn đề khác."

Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, ông Pompeo cũng tố cáo “những hành động khiêu khích” của Nga, cáo buộc Moskva muốn tái vũ trang khu vực.

Dưới thời Tổng thống Putin, Moskva, đã tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, mở lại một số căn cứ đã bị bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ.

Ông giải thích: “Chúng ta đều biết tham vọng lãnh thổ của Nga có thể biến thành bạo lực,” ám chỉ cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, “chỉ vì Bắc Cực là một nơi hoang dã không có nghĩa nó sẽ trở thành một nơi vô kỷ luật."

Bất chấp những cảnh báo của ông Pompeo và việc bảo vệ các quan điểm của Mỹ, nhiều thành viên Hội đồng và các nhà quan sát đều cảm thấy lo ngại bởi các chính sách môi trường của chính quyền Trump và sự hoài nghi về biến đổi khí hậu.

Nhiều người trong số các nhà phê bình lo sợ chính quyền Mỹ có ý định sử dụng các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực mà không tính đến hậu quả.

Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini chia sẻ: “Bắc Cực đang biến đổi nhanh chóng. Sự nóng lên toàn cầu sẽ thay đổi cảnh quan môi trường và kinh tế của khu vực. Những tuyến đường biển mới và sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ trở thành hiện thực.”

Phần Lan là quốc gia có 1/3 lãnh thổ nằm ở phía vành đai Bắc Cực.

Ngoại trưởng Soini nói thêm: “Tuy nhiên, sự biến đổi khí hậu thậm chí sẽ còn tiến xa hơn nữa. Điều đó có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và an ninh liên quốc gia trong khu vực. Các nước Bắc Cực có một trách nhiệm đặc biệt – và một khả năng – bảo tồn Bắc Cực như một khu vực hòa bình và ổn định.”

Phần Lan đã giành 2 năm nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng Bắc Cực để tập trung vào việc giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Ngoại trưởng Soini, bài phát biểu của ông Pompeo dài tới 2.400 từ, nhưng không hề đề cập đến “biến đổi khí hậu.”

Ông ấy nói về việc “lượng băng trên biển đang giảm dần dần,” nhưng không đề cập đến nguyên nhân, thay vào đó tập trung vào cơ hội đến từ sự suy giảm đó bằng việc nói rằng: “Các tuyến đường biển ở Bắc Cực sẽ trở thành các kênh đào Suez và Panama của thế kỷ 21."

Ông Pompeo gọi Bắc Cực “là một biên giới của cơ hội và sự dồi dào” trữ lượng dầu khí chưa được xử lý, uranium chưa được khai thác, khoáng sản thổ, kim loại quý và đá quý.

Ông đã tìm cách làm dịu các mối lo ngại về môi trường bằng cách cam kết phát triển an toàn và có trách nhiệm.

Theo AFP, khi được hỏi về mâu thuẫn rõ ràng giữa cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ Bắc Cực và cam kết của Tổng thống Trump trong việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông Pompeo nói rằng hiệp định được ký năm 2015 được chứng minh là “không hiệu quả.”

Dù vậy, theo ông, bất chấp quyết định đó, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của Mỹ “đang trên đà giảm gần một nửa vào năm 2025, mức tốt nhất mà bất kỳ quốc gia Bắc Cực nào có thể đạt được.”

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng sự suy giảm đó là kết quả của các chính sách được ban hành trước khi ông Trump nhậm chức và có thể đảo ngược./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục