Bắc Cực liệu có thể trở thành điểm nóng địa chính trị tiếp theo?

Sự biến đổi ở Bắc Cực đã khiến khu vực bị bỏ quên một thời này thành tiêu điểm của thương mại và chiến lược trong thời gian gần đây.
Bắc Cực liệu có thể trở thành điểm nóng địa chính trị tiếp theo? ảnh 1Ảnh tư liệu: Tuyết bao phủ tại đảo Lofoten, Bắc Cực. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Trang mạng scmp.com, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đúng, và sự nóng lên toàn cầu chỉ là “trò lừa bịp,” thì chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi đầu tháng 5/2019 tới Rovaniemi (Phần Lan) để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Bắc Cực hẳn đã diễn ra trong bầu không khí “bất thường.”

Bắc Cực - nơi sinh sống của các chú tuần lộc, người Sami bản địa và “ông già Noel”- đang quen dần với việc đón lễ Giáng sinh “đen” khi các cơn mưa bắt đầu thay thế tuyết trong các tháng mùa Đông.

[Bắc Cực - "Đấu trường" của sức mạnh và cạnh tranh toàn cầu mới]

Các cuộc thảo luận tại Hội đồng Bắc Cực đã nóng lên khi ông Pompeo cản trở việc ký kết thỏa thuận chung có nhắc tới biến đổi khí hậu hay các cam kết trong Hiệp định Paris về việc cắt giảm khí thải CO2.

Ông Pompeo và chính quyền Mỹ hiện không tập trung vào các cảnh báo về biến đổi khí hậu ở Bắc Cực- nơi các nhà khoa học nói rằng nhiệt độ đang tăng nhanh gấp 2 lần các nơi khác trên thế giới, mà tập trung vào các thách thức chiến lược và quân sự bởi biển Bắc Cực là tuyến hàng hải mở và Trung Quốc đã bắt đầu bàn về “Con đường Tơ lụa Địa cực,” một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng của họ.

Ám chỉ Nga và Trung Quốc, ông Pompeo nói: “Bắc Cực là nơi thiên nhiên hoang dã không có nghĩa rằng đây là nơi bị luật rừng chi phối. Liệu chúng ta có muốn biển Bắc Cực trở thành một Biển Đông mới, chìm trong các hành động quân sự hóa và các tranh chấp lãnh thổ?”

Ông nói rằng để đáp trả “các hành động gây bất ổn” của Nga, Mỹ nên tổ chức các cuộc tập trận quân sự, tăng cường sự hiện diện quân sự, xây dựng lại các hạm đội tàu phá băng, gia tăng tài trợ cho lực lượng bảo vệ bờ biển và thiết lập tiền đồn quân sự cấp cao mới ở Bắc Cực.

Ở một đất nước mắc chứng “hoang tưởng” như Mỹ, có vẻ như các mối đe dọa tới an ninh quốc gia ẩn nấp ở tất cả mọi nơi, cho dù đó là các sinh viên Trung Quốc và các Viện Khổng Tử, tập đoàn Huawei hay các tàu chở hàng chạy dọc Tuyến đường biển phía Bắc.

Trong một thế giới “hai mặt,” không hề có một dự án tìm kiếm lợi nhuận nào mà không bị coi mà mối đe dọa an ninh quốc gia.

Cho dù Tổng thống Trump phủ nhận vấn đề biến đổi khí hậu một cách miệt thị ra sao, thì những ồn ào ở Rovaniemi cho thấy rõ rằng sự thay đổi ở Bắc Cực do biến đổi khí hậu gây ra có liên quan tới một cuộc “chiến tranh lạnh mới” đang “nóng lên.”

Kể từ thời Peter Đại Đế, vùng Bắc Cực được coi là lãnh địa từ lâu của Nga. Vùng băng tuyết rộng 20 triệu m2 này không được ai “ngó ngàng” tới, ngoại trừ Nga, với 1/5 diện tích đất thuộc Bắc Cực. Bốn quốc gia khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở Bắc Cực - gồm Canada, Mỹ, Na Uy và Đan Mạch, nhưng rất ít chú ý tới khu vực này.

Nga đã xây dựng tàu phá băng đầu tiên trên thế giới (Yermak) vào năm 1899 và đến năm 1957 bắt đầu vận hành tàu phá băng nguyên tử đầu tiên mang tên Lenin. Trong khi hải quân Mỹ ngày nay chỉ có 2 tàu phá băng và có kế hoạch xây dựng thêm 4 tàu nữa, thì Nga có hạm đội gồm ít nhất 40 tàu phá băng, và 9 trong số đó là tàu phá băng nguyên tử.

Tuy nhiên, sự biến đổi ở Bắc Cực đã khiến khu vực bị bỏ quên một thời này thành tiêu điểm của thương mại và chiến lược. Từ 4 tàu hải giám có khả năng di chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc hồi năm 2010, đến năm 2013 đã có 71 tàu hoạt động tại Bắc Cực và giờ đây- với sự trợ giúp của tàu phá băng Nga- con số này đang tăng lên nhanh chóng. Lượng hàng hóa trung chuyển qua Tuyến đường biển phía Bắc ở mức 1,46 triệu tấn hồi năm 1998 giờ đã tăng lên hàng chục triệu tấn.

Hải trình kéo dài 48 ngày từ châu Á sang châu Âu qua Kênh đào Suez được giảm xuống còn 35 ngày, tiết kiệm 40% chi phí nhiên liệu. Như vậy, việc Chủ tịch Tập Cận Bình mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường bao gồm “Con đường Tơ lụa Địa Cực” là điều hoàn toàn “tự nhiên."

Các nguồn tài nguyên nằm dưới các tảng băng ở Bắc Cực trong nhiều thiên niên kỷ qua giờ có thể tiếp cận được. Năm 2008, Cục Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính Bắc Cực có khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% khí tự nhiên của thế giới. Nơi đây cũng giàu các tài nguyên như vàng, urani, kim cương, đất hiếm và cá.

Như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch kiểm soát khu vực tiềm năng này càng sớm càng tốt. Tổng thống Putin cho biết 10% đầu tư kinh tế của Nga là tại Bắc Cực. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn tại vùng hoang mạc của Nga ở Bắc Cực, đặc biệt thấy rõ qua dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal, vốn cung cấp khí đốt cho tỉnh Giang Tô. Đây là lý do tại sao họ lại “trân trọng” vị trí quan sát viên tại Hội đồng Bắc Cực.

Với Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, tiềm năng kinh tế này không hẳn quan trọng. Theo lăng kính “an ninh quốc gia” của Mỹ, 9 đoàn thám hiểm khoa học ở Bắc Cực được hộ tống bởi tàu phá băng Xue Long của Trung Quốc từ năm 1999 cũng mang tính đe dọa với Mỹ.

Việc Nga khẳng định rằng họ hộ tống tất cả các tàu hải giám đi dọc Tuyến đường biển phía Bắc cũng làm dấy lên những nghi ngờ tương tự.

Tuy vậy, nhiều người khẳng định rằng các tiềm năng thương mại, hay nguy cơ quân sự, từ biển Bắc Cực còn rất lâu mới trở thành hiện thực. Việc đi lại qua tuyến đường biển này có thể được thực hiện trong vài tháng Hè, nhưng phần lớn thời gian còn lại trong năm, khu vực này vẫn chỉ là “cấm cung.”

Những nguy cơ và chi phí đắt đỏ liên quan tới vùng hoang mạc này sẽ cản trở khả năng khai thác thương mại trong nhiều thập niên tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục