Bắc Cực – ''Sàn đấu nóng'' trong cuộc cạnh tranh cường quốc

Nga, Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây đều đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện quân sự tại Bắc Cực trong một cuộc cạnh tranh phô diễn về "sự giàu có, quyền lực và an ninh" của mình.
Dự án khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn khí đốt Novatek ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. (Ảnh: Novatek/TTXVN)
Dự án khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn khí đốt Novatek ở vùng Bắc Cực thuộc Nga. (Ảnh: Novatek/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, trong một bài viết, trang mạng tạp chí The National Interest cho rằng cuộc cạnh tranh cường quốc đã và đang xảy ra tại khu vực Bắc Cực, trong đó tập trung phân tích hai lý do chính dẫn đến cuộc cạnh tranh này cũng như đề cập những hệ quả của cuộc cạnh tranh này. Nội dung như sau:

Những dấu hiệu của tình trạng đối đầu và cạnh tranh dữ dội đã trở nên rõ ràng.

Theo một báo cáo được cập nhật mới đây của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ, Nga đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện quân sự của mình trong những năm gần đây, thành lập “các bộ chỉ huy mới ở Bắc Cực, các lữ đoàn mới ở Bắc Cực, các sân bay được tân trang và các cơ sở hạ tầng khác, các cảng nước sâu, các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Bắc Cực của quốc gia này, một nỗ lực nhằm thiết lập các hệ thống tên lửa ven biển và hệ thống phòng không, các hệ thống radar cảnh báo sớm và rất nhiều thiết bị khác dọc theo bờ biển Bắc Cực.”

Trung Quốc cũng đã gia nhập đấu trường này. Bắc Kinh đã triển khai các tàu phá băng tới Bắc Cực, thành lập các trạm nghiên cứu ở Iceland và Na Uy.

Tin tức cho hay quốc gia này đang cân nhắc triển khai các tàu ngầm tới Bắc Cực đóng vai trò là công cụ răn đe và ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân.

Và Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở Bắc Cực, bao gồm tái thiết lập Hạm đội 2 cho các chiến dịch ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực, tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển Bắc Cực, triển khai các máy bay ném bom B1-B tới Na Uy và huy động các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường triển khai quân sự tới khu vực.

Có hai yếu tố giải thích cho cường độ ngày càng tăng của cuộc cạnh tranh về sự giàu có, quyền lực, an ninh tại Bắc Cực.

Lý do thứ nhất xuất phát từ hệ quả của quá trình tiếp cận ngày càng gia tăng đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn của khu vực.

Tốc độ tan băng nhanh chóng tại Bắc Cực đã làm lộ ra những hải trình mới xuyên qua Bắc Cực và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên khổng lồ đang ẩn chứa ở khu vực này.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Cực chiếm khoảng 22% nguồn nhiên liệu hóa thạch chưa được khám phá của cả thế giới, với khoảng 90 tỷ thùng dầu và 1.670 tỷ feet khối khí đốt tự nhiên nằm bên dưới vùng biển quốc tế đang bị tranh giành ảnh hưởng của khu vực.

Ngay cả khi các ước tính này không hoàn toàn chính xác, thì chúng ta vẫn không thể phủ nhận rằng Bắc Cực chứa một vài kho dự trữ khí đốt và dầu chưa được khai thác lớn nhất trên thế giới.

Vì vậy, cũng không có gì đáng ngờ khi các quốc gia trong và ngoài khu vực muốn tiếp cận và khai thác các nguồn dự trữ này.

Tuy nhiên, yếu tố có lẽ quan trọng nhất giải thích cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng gia tăng ở Bắc Cực đơn giản chỉ là hệ quả của cuộc đối đầu giữa các cường quốc trong một không gian mà mỗi quốc gia đều cho là đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với lợi ích quốc gia của họ.

Nói cách khác, căng thẳng gia tăng ở Bắc Cực là hệ quả của sự xung đột về tầm nhìn Bắc Cực của cường quốc Bắc Cực và các cường quốc “gần Bắc Cực”: Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Bắc Cực – ''Sàn đấu nóng'' trong cuộc cạnh tranh cường quốc ảnh 1Ngày 22/7/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Đan Mạch, trong đó khẳng định sẽ tăng cường vị thế của Washington tại Bắc Cực. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây công bố báo cáo chiến lược khu vực Bắc Cực trong đó tóm tắt ngắn gọn tầm nhìn Bắc Cực của quốc gia này.

Báo cáo nhấn mạnh cả lợi ích của Mỹ ở Bắc Cực và những điều được cho là mối đe dọa đối với những lợi ích này.

Trong số những lợi ích chủ chốt là bảo vệ chủ quyền của Mỹ cũng như của các quốc gia đồng minh với Mỹ, duy trì khả năng linh hoạt cho năng lực viễn chinh toàn cầu, đảm bảo quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, duy trì trật tự khu vực dựa trên quy tắc vốn đảm bảo khả năng tiếp cận liên tục khu vực Bắc Cực vì mục đích dân sự, thương mại và quân sự hợp pháp.

[Nga triển khai hệ thống radar "không thể xuyên thủng" Nebo-M ở Bắc Cực]

Những mối đe dọa chính đối với những lợi ích đó được xác định là Nga và Trung Quốc, cả hai quốc gia đều được cho là đang "theo đuổi các hoạt động và các năng lực ở Bắc Cực vốn có thể tiềm ẩn nguy cơ đối với Mỹ” và “đang thách thức trật tự khu vực dựa trên quy tắc ở Bắc Cực.”

Trong khi Nga bị cho là đang triển khai những nỗ lực nhằm kiểm soát hoạt động đi lại trên Tuyến đường biển phía Bắc - một tuyến đường biển cốt yếu nằm ở vùng biển Bắc Cực bên ngoài bờ biển phía Bắc của Nga – thì Trung Quốc được miêu tả là “đang nỗ lực giành được một vai trò ở Bắc Cực theo những cách mà có thể sẽ hủy hoại các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.”

Báo cáo cũng đặc biệt quan tâm rằng các hoạt động của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực có nguy cơ hủy hoại “các mục tiêu chiến lược của Mỹ liên quan đến cuộc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu.”

Moskva cũng đã làm rõ cả những lợi ích của họ cũng như những nhận thức về mối đe dọa đối với Bắc Cực. Ngày 6/3/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt “Những nguyên tắc cơ bản của Chính sách Quốc gia Liên bang Nga tại Bắc Cực tới năm 2035.”

Tài liệu chính sách mới này xác định các mục tiêu và lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Cực cũng như chiến lược của quốc gia này ở khu vực trong vòng 15 năm tới.

Trong số những phần trọng tâm của tài liệu là việc xác định Bắc Cực là một nguồn tăng trưởng kinh tế chính của Nga, Moskva coi Tuyến đường biển phía Bắc là “một hành lang vận chuyển quốc gia cạnh tranh toàn cầu” và công khai nâng cấp tầm quan trọng của “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga” trở thành lợi ích quốc gia hàng đầu của Moskva ở khu vực Bắc Cực.

Tài liệu này cũng làm rõ những mối đe dọa chính đối với những lợi ích nói trên: “một số quốc gia” cố gắng đơn phương sửa lại những điều khoản của các hiệp ước quốc tế quy định các hoạt động kinh tế và hoạt động khác ở Bắc Cực, “một vài quốc gia” cản trở các hoạt động kinh tế và hoạt động khác của Nga ở Bắc Cực và sự hiện diện cũng như các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của NATO ở khu vực.

Và sau đó Trung Quốc xuất hiện. Hồi tháng 1/2018, Trung Quốc công bố tài liệu mang tên Chính sách Bắc Cực của mình trong đó tuyên bố Trung Quốc là một quốc gia “gần Bắc Cực.”

Tài liệu này hô hào Trung Quốc tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình phát triển các tuyến hải vận ở Bắc Cực như một phần của cái được gọi là “Con đường Tơ lụa Bắc Cực,” mở rộng công cuộc “khám phá và khai thác tài nguyên” trong khu vực và kêu gọi Trung Quốc đóng một vai trò to lớn hơn tại các diễn đàn khu vực.

Trung Quốc cũng định hình một vai trò lớn hơn cho quân đội nước này trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở Bắc Cực. Lý do đơn giản là Trung Quốc tự coi mình là một thành viên tích cực và cổ đông chủ chốt trong các vấn đề ở Bắc Cực.

Bắc Kinh cũng nhận ra rằng họ cần phát triển năng lực viễn chinh xét ở góc độ các lực lượng, cơ sở hạ tầng căn cứ quân sự... vốn sẽ cho phép họ thực hiện được định hướng Bắc Cực của mình.

Ba tầm nhìn nói trên rõ ràng là không tương thích với nhau. Và mặc dù có thể có cách thức để xử lý một số khác biệt giữa các tầm nhìn này tại các diễn đàn quản trị khu vực như Hội đồng Bắc Cực, song về cơ bản những khác biệt của các tầm nhìn sẽ khó có thể được giải quyết hoặc thương lượng.

Thay vào đó, khi những lợi ích kinh tế và địa chính trị ngày càng lớn mạnh hơn, thì sự tương tác giữa các tầm nhìn mâu thuẫn và cạnh tranh này sẽ thậm chí gây ra nhiều bất đồng hơn, tranh cãi lớn hơn và có lẽ thậm chí cả tình trạng thù địch trên nhiều phương diện.

Chính nguy cơ xảy ra tình trạng thù địch vốn có thể sẽ khiến cho cuộc Chiến tranh Lạnh lạnh nhất có thể trở thành cuộc chiến tranh "nóng,” thì Tổng thống Joe Biden, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần cân nhắc kỹ lưỡng những quyết định hành động dựa trên những tầm nhìn về Bắc Cực tương ứng của họ trong những năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục