Phó Trưởng Ban quản lý Tây Yên Tử Phạm Văn Biểu cho biết tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (nằm trên địa bàn huyện Sơn Động), tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, dự án ưu tiên nhằm bảo tồn và phát triển hệ sinh thái phong phú, đa dạng đặc trưng cho vùng Đông Bắc Việt Nam.
Trong số này, dự án khoán bảo vệ rừng với kinh phí dự kiến trên 19 tỷ đồng triển khai từ năm 2013-2020 nhằm khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình nằm trong Khu bảo tồn để người dân có thêm thu nhập.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí dự trù trên 55,6 tỷ đồng triển khai từ nay đến năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng trong Khu bảo tồn. Dự án chuyển dân di cư ra khỏi khu bảo tồn với kinh phí trên 3,6 tỷ đồng thực hiện trong năm 2015.
Các dự án cắm mốc ranh giới và bảng tin Khu bảo tồn; hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm; nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn với kinh phí gần 16 tỷ đồng, triển khai từ nay đến năm 2020, nhằm phân định rõ ràng ranh giới Khu bảo tồn, giúp cho công tác quản lý được thuận tiện, tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng dân cư; hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đệm, giảm tác động tiêu cực vào Khu bảo tồn...
Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra rừng, ngăn chặn tận gốc tình trạng chặt, phá rừng, săn bắn, buôn bán động thực vật hoang dã trái phép; thường xuyên kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức Ban quản lý theo chức trách, nhiệm vụ được giao; tiếp tục kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, đầu tư vào Khu bảo tồn.
Ban quản lý kiến nghị cấp có thẩm quyền hạn chế đến mức thấp nhất việc cấp phép, thăm dò, khai thác than trong rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hoạt động của cán bộ, công chức; cấp đầy đủ kinh phí cho hoạt động điều tra, đánh giá, giám sát đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn.
Từ năm 2010-2013, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử đã thực hiện khoán bảo vệ được trên 37.170ha rừng; trồng trên 200ha rừng sản xuất vùng đệm; đã triển khai nhiều dự án trong nước và nước ngoài nhằm bảo tồn và phát triển rừng, đa dạng sinh học với tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, 120.000 USD và trên 762.000 euro.
Quyết định số 676/2013 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu rừng đặc dụng Tây Yên Tử giai đoạn 2013-2020 đã xác định quy mô Khu bảo tồn là trên 12.172ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là trên 5.448ha, phân khu phục hồi sinh thái là gần 6.524ha, phân khu dịch vụ hành chính là 200 ha và diện tích vùng đệm hơn 6.618 ha.
Do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc hiểm trở nên Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử vẫn còn giữ được hệ sinh thái tương đối nguyên vẹn.
Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, thuộc Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử, tỉnh Bắc Giang, là một trong ba khu di tích nằm trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử nằm trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ để trình UNESCO xem xét, công nhận là di sản thế giới./.