Bác Hồ -Tượng đài bất tử trong lòng người dân Quảng Bình

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình gồm 7 nhân vật, cao trên 5m, Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại đại diện các tầng lớp nhân dân Quảng Bình.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Các đại biểu cắt băng khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Cách đây 63 năm, khi hai miền Nam-Bắc đang còn chia cắt bởi đạn bom chiến tranh, vùng đất Quảng Bình, Vĩnh Linh rưng rưng xúc động và tự hào được đón Bác Hồ vào thăm.

Đây là một dấu mốc quan trọng, là niềm vinh dự lớn lao đối với Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình.

Quảng Bình hôm nay nhiều thứ đã đổi thay nhưng những khoảng khắc quý giá ngày đón Bác Hồ vào thăm, quần thể các di tích lịch sử ghi dấu bóng hình Bác đến nay vẫn còn vẹn nguyên, trường tồn với thời gian.

Hình bóng của Người trở thành bất tử trong lòng mỗi người con Quảng Bình, trong hồn thiêng sông núi quê hương.

Lời hẹn ước lúc chia tay

Năm 1957, giữa bối cảnh đất nước còn bị chia cắt, Quảng Bình, Vĩnh Linh là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sỹ, quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh, ngày 16/6/1957, Bác Hồ đã vào thăm vùng đất lửa anh hùng này.

Trong chuyến thăm lịch sử có một không hai năm ấy, Bác Hồ đã dành tình cảm rất đặc biệt cho quân và dân Quảng Bình, Vĩnh Linh.

Ông Trần Phố, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình năm 1957 nhớ lại, hơn 8 giờ ngày 16/6/1957, máy bay chở Bác Hồ hạ cánh xuống sân bay Lộc Đại (nay là Cảng hàng không Đồng Hới). Ngay sau khi đặt chân đến Quảng Bình, Bác Hồ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, Bác có buổi trò chuyện với 500 đại biểu cốt cán của Quảng Bình, Vĩnh Linh ở hội trường Tỉnh ủy.

Ông Trần Phố kể lại, Bác ân cần hỏi thăm từng người, rồi dặn dò Đảng bộ, chính quyền phải chăm lo tốt cho đời sống người dân, quan tâm, giúp đỡ nhau, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và có hợp tác, có tập thể, có trao đổi mậu dịch buôn bán, phát triển ngành nghề đa dạng.

Bác đặc biệt căn dặn Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình phải đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, gian khổ để đi đến thắng lợi. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật gương mẫu, nói đi đôi với làm và phải làm thực sự tốt như vậy dân mới tin, yêu và làm theo.

Trong dịp vào thăm Quảng Bình năm 1957, Bác Hồ đã dành thời gian, tâm huyết gặp gỡ, nói chuyện với đại biểu đồng bào các dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang và hơn 3 vạn nhân dân trong tỉnh.

Người động viên cán bộ, nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh ra sức cố gắng hơn nữa làm tròn trọng trách hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Theo kế hoạch, Bác Hồ ở lại với Quảng Bình đến chiều 17/6 mới trở ra Hà Nội. Nhưng vì bận việc nước, lịch trình của Bác phải rút ngắn lại dù rằng trong Bác vẫn còn những nỗi niềm lưu luyến khôn nguôi.

Rạng sáng 17/6, trước khi lên máy bay, Người tạm biệt đồng bào, cán bộ, chiến sỹ Quảng Bình với lời hẹn ước: Bác về, Bác lại vô...

Quảng Bình khắc ghi lời Bác dạy

Sự quan tâm sâu sắc, những lời căn dặn và dạy bảo ân cần của Bác Hồ đã trở thành quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược lâu dài, trở thành phương châm hành động, ý chí quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương trên đường đổi mới.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Tri Phương không giấu được sự xúc động khi hồi ức lại khoảnh khắc ông được gặp Bác Hồ: "Bác nắm chặt tay chúng tôi rồi dặn dò cuộc kháng chiến đánh đuổi đế quốc xâm lược sẽ còn diễn ra ác liệt, cam go và gian khổ, do đó còn có hy sinh nhiều.  Quảng Bình với Vĩnh Linh là tuyến đầu của tiền tuyến lớn miền Nam. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải nhớ chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi, chăm lo tốt cho nhân dân, hạn chế thiệt hại, mất mát và đau thương; thực hiện chi viện tốt cho tiền tuyến và đặc biệt là phải đoàn kết."

Những lời Người căn dặn đã tiếp thêm ý chí, nghị lực để sau này Quảng Bình làm nên những chiến công, kỳ tích, góp phần đánh thắng giặc xâm lược, thống nhất đất nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, Quảng Bình ra sức phấn đấu “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi.” Nhân dân Quảng Bình hăng hái thi đua, lao động sản xuất.

Hợp tác xã Đại Phong (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) vang danh trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và hợp tác xã miền Bắc được Bác ngợi khen.

Năm 1961, Bác Hồ đã gửi tặng Hợp tác xã Đại Phong chiếc máy cày DT54. Người viết báo nêu gương, cổ vũ Đại Phong và kêu gọi cả miền Bắc thi đua học tập theo Đại Phong.

Là địa phương trực tiếp đương đầu với những âm mưu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai miền Nam nhưng Quảng Bình luôn chắc tay cày, tay súng, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người,” tất cả vì miền Nam thân yêu.

Hàng ngàn máy bay, tàu chiến của Mỹ lần lượt bị quân, dân Quảng Bình bắn hạ và nhiều lần được Bác Hồ gửi thư khen. Chiến công nối tiếp chiến công, Quảng Bình càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn và càng trưởng thành.

Sự quan tâm của Bác, những lá thư khen và tình cảm của Bác chính là sức mạnh vô địch, che chở, cổ vũ quân và dân Quảng Bình vượt qua muôn ngàn gian khổ, góp sức vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quảng Bình hôm nay đang trên đường đổi mới và phát triển, diện mạo quê hương điểm tô những gam màu tươi sáng.

Hình bóng Bác Hồ kính yêu cùng những lời căn dặn khi Người vào thăm Quảng Bình năm 1957 đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Những năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình cố gắng, nỗ lực, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội với nhiều thành tựu quan trọng.

Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh Quảng Bình, từ năm 1989 đến nay, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 1989-2019 của tỉnh đạt 8,2%.

Hộ nghèo năm 1989 chiếm gần 50% số hộ, đến nay còn gần 5%. Cuộc sống người dân ngày một ấm no và hạnh phúc, diện mạo quê hương ngày càng đổi thay. Chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc…

Thế và lực mới, luồng sinh khí mới của vùng đất Quảng Bình trên con đường đổi mới cũng chính là sự kết tinh trong ý Đảng, lòng dân với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh soi đường, chỉ lối. Quảng Bình vững tin, mạnh mẽ bước những bước tiến vững chắc trên con đường đổi mới và phát triển..

Tượng đài Bác Hồ tạc vào lòng dân

Giờ đây, khi đất nước hòa bình, quê hương trên đường đổi mới, Bác Hồ đã đi xa. Ước nguyện được một lần nữa đón Bác, ở gần bên Bác, được thể hiện lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với Bác Hồ kính yêu đã khơi nguồn ý tưởng xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Bác Hồ -Tượng đài bất tử trong lòng người dân Quảng Bình ảnh 1 Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại đại diện cho thế hệ trẻ, nông dân, công nhân, lực lượng vũ trang, trí thức và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Người dân Quảng Bình vui sướng, phấn khởi khi Dự án Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình bắt đầu được khởi động sau khi có Quyết định 185/2004/QĐ-TTg ngày 28/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc đến năm 2010.

Tháng 8/2017, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương thực hiện Dự án xây dựng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình.

Sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước chấp cánh cho niềm vui và khát vọng của nhân dân Quảng Bình bay cao. Bởi lẽ, công trình này là ước nguyện thiêng liêng từ bao năm nay của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh nhằm ghi dấu sự kiện trọng đại ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình.

Trong không khí kỷ niệm 63 năm Ngày Bác Hồ vào thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2020), niềm xúc động và tự hào trào dâng trong lòng mỗi người con Quảng Bình khi Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình đã chính thức được khánh thành ngày 13/6/2020.

[Người chọn vị trí đặt tượng đài Bác Hồ trên bến Ninh Kiều]

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình được đặt tại Quảng Trường trung tâm thành phố Đồng Hới - vị trí trước đây là sân vận động nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh năm 1957.

Quảng trường trung tâm thành phố Đồng Hới nay được gọi với cái tên mới thân thương và ý nghĩa là Quảng trường Hồ Chí Minh. Đây cũng là vị trí trung tâm, nơi được người dân Quảng Bình xem như trái tim, mạnh nguồn sức sống của vùng đất dù gian khó mà rất đỗi anh hùng.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình quay mặt về hướng Đông. Tượng đài gồm 7 nhân vật, cao trên 5m, Bác Hồ là nhân vật trung tâm, các nhân vật còn lại đại diện cho thế hệ trẻ, nông dân, công nhân, lực lượng vũ trang, trí thức và đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình.

Nhóm nhân vật đại diện các tầng lớp nhân dân Quảng Bình được thể hiện tập trung hướng nhìn về Bác Hồ với tấm lòng thành kính.

Sau lưng cụm tượng là biểu tượng cách buồm với ý nghĩa thể hiện Quảng Bình đang căng buồm vượt sóng ra khơi, vươn ra biển lớn, thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy.

Hai bên tượng đài là hai mảng phù điêu, trên đó thể hiện truyền thống văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp tự nhiên, danh lam thắng cảnh và những nét tiêu biểu của Quảng Bình quật khởi, Quảng Bình “Hai giỏi” cùng những thành tựu của Quảng Bình thời kỳ đổi mới.

Trong quần thể kiến trúc tại Quảng trường Hồ Chí Minh còn có Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang cho biết, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Quảng Bình là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc, có giá trị lớn lao về nhiều mặt đối với quê hương Quảng Bình.

Tượng đài là ước nguyện thiêng liêng, biểu tượng của niềm tôn kính, lòng biết ơn vô hạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Bình đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Tượng đài là công trình nghệ thuật đặc biệt, tạo một điểm nhấn quan trọng, độc đáo cho không gian kiến trúc và cảnh quan đô thị của thành phố Đồng Hới. Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng, đoàn kết dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và cả mai sau.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nhấn mạnh, nhớ ơn công lao trời biển của Bác Hồ, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; quyết tâm phấn đấu xây dựng Quảng Bình là một tỉnh gương mẫu, giàu đẹp, văn minh như mong muốn của Bác.

“Bác về, Bác lại vô…” lời hẹn ước lúc chia tay của Bác với vùng đất lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh 63 năm về trước đã để lại trong lòng mỗi người con Quảng Bình nỗi niềm nhớ thương, mong mỏi da diết.

Hôm nay, dưới chân Tượng đài của Người, lãnh đạo Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình rưng rưng xúc động, tự hào và hạnh phúc khi có Bác ở bên, hàng ngày dõi theo, động viên, khích lệ, tiếp động lực để Quảng Bình tự tin cất cách vươn cao trên con đường hội nhập, phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục