Bắc Kạn: Cấp bách cứu nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt

Thời gian vừa qua, do sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng, tình trạng khai thác quá mức đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên hồ Ba Bể ở Bắc Kạn đứng trước nguy cơ “tận diệt.”
Bắc Kạn: Cấp bách cứu nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt ảnh 1Du lịch trên hồ Ba Bể. (Ảnh : Hữu Oai/TTXVN)

Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vẻ đẹp nên thơ, trữ tình thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước, hồ Ba Bể thuộc tỉnh Bắc Kạn còn có một hệ sinh thái đa dạng và phong phú với nhiều cây gỗ, loài thú, cá quý hiếm.

Với diện tích mặt nước rộng hơn 650ha, độ sâu trung bình 25m, nơi sâu nhất lên đến 35m, hồ Ba Bể là môi trường lý tưởng cho hàng trăm loài cá nước ngọt sinh sống; trong đó có 11 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do sự quản lý lỏng lẻo của các ngành chức năng và tình trạng khai thác quá mức đã làm cho nguồn lợi thủy sản trên hồ Ba Bể đứng trước nguy cơ “tận diệt.”

Nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú...

Hồ Ba Bể là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới, là kho “Tài nguyên khoa học lưu giữ nguồn gen gốc.” Hồ Ba Bể được công nhận là Di sản văn hóa lịch sử quốc gia (năm 1986), Khu di sản của ASEAN (năm 2003) và đến tháng 2/2011, Vườn Quốc gia Ba Bể được Ban Thư ký Ramsar công nhận là Khu Ramsar thứ 1938 của thế giới và là khu Ramsar thứ ba của Việt Nam.

Theo nhiều nghiên cứu thì hiện nay thành phần loại cá ở hồ Ba Bể và lưu vực sông Năng gồm 139 loài thuộc 27 họ, 11 bộ nằm trong 2 ngành: Động vật có xương sống và động vật không có xương sống thuộc các lớp: Lớp chân bụng, lớp 2 mảnh vỏ, lớp giáp xác, lớp cá xương; trong đó lớp cá xương gồm 105 loài thuộc 65 giống, 18 họ và 5 bộ; trong đó có 38 loài cá có giá trị kinh tế và có khoảng 20 loài cá quý, chiếm 1/3 số loài khu hệ cá nước ngọt miền Bắc Việt Nam. Ngoài ra còn có nhiều loài tảo và loài cá đặc hữu khác.

Ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể, cho biết: Hiện nay các loại cá bắt gặp nhiều trên hồ Ba Bể là cá chép, cá rô phi, cá chạch, cá mè, cá mương…ngoài ra còn có nhiều loại tôm, tép, cua, ốc. Nguồn lợi thủy sản ở đây với thành phần loài phong phú và không có loài hoặc nhóm loài chiếm ưu thế tuyệt đối trong thành phần sản lượng khai thác.

Trước năm 2000, do chưa được quan tâm và quản lý tốt nên đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nghiêm trọng. Sau năm 2000 đặc biệt từ năm 2003 trở lại đây, được quan tâm của nhà nước và nhiều tổ chức quốc tế, cùng sự nỗ lực quản lý của Vườn quốc gia Ba Bể đối với cộng đồng cư dân sống quanh hồ nên đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản dần dần được phục phồi, tuy vẫn còn chậm.

Vườn quốc gia Ba Bể đã áp dụng các tiêu chí, biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như không đưa các sinh vật lạ vào hồ, cấm đánh bắt bằng các phương tiện hủy diệt hoặc bằng các phương tiện đánh bắt cao cấp kỹ thuật tiên tiến, chỉ được đánh bắt bằng công cụ thủ công, hạn chế số lượng người khai thác trên hồ…; đồng thời tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia quản lý như liên kết và bố trí các cán bộ ở xã, thôn bản cùng quản lý, mở các lớp tập huấn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi của người dân bản sống xung quanh hồ.

Với người dân ở các thôn bản như Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám, Bản Đầu Đẳng việc đánh bắt cá, tôm trên hồ Ba Bể đã giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Thàn, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, người có gần chục năm lênh đênh sông nước đánh bắt cá trên hồ Ba Bể cho biết, người dân ở các thôn bản ven hồ chủ yếu sống dựa vào việc đánh bắt cá do diện tích đất canh tác ít, lại không có việc làm ổn định.

Ông Thàn cho biết thêm, thả lưới ở hồ Ba Bể được nhiều cá hay ít cá phụ thuộc vào mùa. Mùa mưa cá ở hồ hoạt động nhiều thì mỗi ngày thả lưới có thể thu được hàng trăm nghìn đồng tiền bán cá, nhất là bắt đầu từ tháng Tư đến khoảng cuối tháng Chín, mùa Đông được ít hơn. Lượng cá đánh bắt ở hồ mùa này chủ yếu là cá mương nhỏ, chỉ đủ phục khách du lịch và một vài nhà hàng khu vực hồ.

Không chỉ có cá, hồ Ba Bể còn có rất nhiều tép, người dân sống quanh hồ thường đơm đó bắt tép làm tép chua. Đây là một trong những món ăn đặc sản ở Ba Bể được chế biến công phu. Tép bắt ở hồ lên còn tươi nguyên, đem rửa sạch, bỏ muối, cơm chín, men, rượu, đảo lửa, để ba ngày sau đem ăn rất thơm ngon.

Với nguồn lợi thủy sản đa dạng và phong phú đã và đang là nguồn thu nhập chính của người dân sống ven hồ Ba Bể, tuy nhiên tình trạng khai thác quá mức với những nông cụ hủy diệt như dùng mìn, kích điện, lưới vét… đã làm cho nguồn lợi thủy sản ở đây cạn kiệt dần, cá không kịp phục hồi đàn và nhiều loài cá quý hiếm dần biến mất.

Cấp bách cứu nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt

Lên chiếc thuyền độc mộc chòng chành cùng anh Nguyễn Văn Thàn đi đánh cá mới thấy được sản lượng cá ở hồ Ba Bể giảm sút như thế nào. Cả buổi sáng thả mấy tay lưới dài hàng chục mét nhưng anh cũng chỉ bắt được 4 con cá rô phi bằng ba đầu ngón tay. Anh Thàn buồn rầu cho biết, dạo trước, nếu muốn cải thiện bữa cá, trước bữa ăn chỉ cần mang lưới đi thả khoảng 10-15 phút là cá đã đầy giỏ, thế nhưng thời gian gần đây, do tình trạng người dân nổ mìn, nhất là việc dùng kích điện đánh bắt cá trái phép đã làm cho nguồn lợi thủy sản trong hồ dần bị tận diệt, việc thả lưới bắt tôm, cá vì thế cũng trở nên hết sức khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Mẫu cho biết: Trước đây tình trạng nổ mìn và dùng kích điện đánh bắt cá diễn ra rầm rộ và hết sức phức tạp. Xã đã phải kết hợp với Công an đồn, Vườn quốc gia Ba Bể thường xuyên đi tuần, tịch thu những bộ kích điện của những người đánh bắt trái phép, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để bà con hiểu và cùng bảo vệ “miếng cơm manh áo” của mình. Vừa qua xã cũng đã tịch thu mấy bộ kích điện của những người đánh bắt cá trái phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bộ kích điện mà người dân sử dụng dùng để đánh bắt cá trái phép tại khu vực hồ Ba Bể có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc, giá cả của một bộ kích giao động từ 5 đến 12 triệu đồng, tùy thuộc vào công suất sung điện. Như với bộ kích 120 sò, có giá bán dao động từ 10-12 triệu đồng/bộ, điện áp phóng ra có thể đạt tới hàng chục nghìn volt và với mức điện phóng ra cao như vậy sẽ làm chết toàn bộ các loài cá và các loài thủy sinh khác trong vòng bán kính từ 10-15m.

Chị Triệu Thị Xuyến, thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu cho biết: Trước đây có khi người dân đánh bắt được những con cá to lên đến hàng chục kg, nhưng lượng cá to bây giờ rất ít mà chỉ còn cá nhỏ. Do chỉ đánh bắt, thậm chí đánh bắt cả vào mùa cá sinh sản mà không có chương trình nuôi thả đã làm cho sản lượng cá trên hồ Ba Bể giảm sút rất nhiều. Ngoài ra, việc người dân săn lùng các loại cá quý như cá lăng, cá chiên, cá bống, cá chày đất… đã làm cho các loài cá này đứng trước nguy cơ tuyệt duyệt; trong đó có những loại cá trước đây khá nhiều nhưng hiện nay gần như không còn xuất hiện nữa như cá lợ, cá hỏa.

Theo ông Bùi Văn Quang, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Bể, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng đã ra văn bản cấm các hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt như đánh mìn, đánh điện, hóa chất. Quy định các loại mắt lưới đánh bắt, đồng thời chỉ cho phép chỉ cho phép khai thác bằng các ngư cụ phổ thông mang tính truyền thống như lưới bén, câu, bằng thuyền độc mộc... song vẫn còn một số tồn tại như chưa bán vé hoặc đánh thuế lực lượng khai thác thủy sản trên hồ, chưa quy định mùa vụ khai thác, loại cá quý hiếm không được khai thác... nên dẫn tới tình trạng khai thác tự do, cường độ khai thác cao, tập trung khai thác nhiều loài cá quý dẫn tới chúng có nguy cơ bị xóa sổ.

Để bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản hồ Ba Bể, cần hạn chế những tác động xấu từ nhiều phía của con người đến môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân có cơ hội kiếm công ăn việc làm chuyển đổi từ khai thác thủy sản trên hồ sang nghề nghiệp khác như dịch vụ du lịch hoặc phát triển nuôi trồng thuỷ sản ngoài vùng bảo tồn đa dạng sinh học ở hồ.

Đồng thời, cần nghiêm cấm các các hoạt động đưa các loài cá ngoại lai vào hồ để nuôi, khôi phục, bảo vệ môi trường hệ sinh thái cảnh quan ở hồ Ba Bể; mở các lớp tập huấn, giáo dục, kết hợp với nhà trường tuyên truyền về kiến thức bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi làm cho người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ, có ý thức tự giác bảo vệ môi trường phát triển nguồn lợi bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục