Bị tàn phá nghiêm trọng

Bắc Kạn: Rừng ở Vũ Loan bị tàn phá nghiêm trọng

Người dân không chỉ khai thác gỗ ở khu vực xã Vũ Loan, mà gần đây, “lâm tặc” còn khai thác sang cả rừng Sam Coóc ở xã Thượng Quan.

Từ thông tin gần đây có nhiều loại gỗ rừng được vận chuyển gần như công khai từ khu vực rừng giáp ranh giữa huyện Na Rì và huyện Ngân Sơn đi tiêu thụ, trong vai người buôn gỗ, chúng tôi đã trực tiếp nghe được chuyện của những “gỗ tặc,” với con số hàng nghìn mét khối gỗ rừng phòng hộ đã vận chuyển chót lọt trong một thời gian dài ở nơi đây. La liệt gỗ bên đường Theo con đường đất nhỏ độc đạo cách trung tâm xã Vũ Loan, huyện Na Rì khoảng 9km đến được khu vực Nặm Shặc, Pù Poòng, thuộc xã Vũ Loan và khu vực Sam Coóc, thuộc xã Thượng Quan (Ngân Sơn), dọc đường chúng tôi thấy những đống gỗ còn mới có, cũ có, cả gỗ đang được ngâm, nhưng đa phần là gỗ còn tươi. Trong đó có chỗ hàng chục tấm dày từ trên 10cm, dài chừng 3-4m được để ngay bên đường, tập kết ở những bãi đất trống hoặc được xếp dưới các gầm nhà sàn.
Bắc Kạn: Rừng ở Vũ Loan bị tàn phá nghiêm trọng ảnh 1
Ngồi trong một quán nước bên đường, chúng tôi nghe được những câu chuyện của mấy thanh niên bàn về việc “làm gỗ.” Một thanh niên nói: “Hôm qua “hạ” được một cây, “nó” trả 15 triệu đồng, nhưng nó lại rủ đánh bạc, thua hết.” Từ dưới đường, nhìn lên những cánh rừng loang lổ, hàng chục hécta rừng sản xuất, rừng phòng hộ bị người dân chặt phá để lấy gỗ và để… trồng rừng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mấy năm trước đây việc giao đất giao rừng đẩu nguồn cho người dân quản lý, bảo vệ đã được chính quyền địa phương tiến hành. Người dân nhận rừng chăm sóc và quản lý được hỗ trợ 100.000 đồng/ha. Theo những người dân ở đây, trước đây diện tích những cánh rừng này là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, theo ông Hà Ngọc Bảo, Hạt trưởng kiểm lâm Na Rỳ, nếu những cánh rừng phòng hộ được coi là “nghèo kiệt,” có thể thiết kế để trồng rừng. Và trên thực tế, những cánh rừng “nghèo kiệt” đó đã được hạ trắng, với những gốc còn lại có những cây đường kính lên đến trên 2m, những cây gỗ có đường kính trên 1m, chưa kịp xẻ ván vẫn còn nằm ở đấy. Trong 2 năm trở lại đây một số hộ dân lợi dụng chính sách cho khai thác tỉa để lấy gỗ dựng nhà đã phá rừng lấy gỗ bán, trong đó có nhiều gỗ có giá trị (gỗ dổi, sến, dẻ, soan đào…) với khối lượng đã được vận chuyển chót lọt rất lớn. Đi sâu hơn vào khu Năm Shặc, chúng tôi chứng kiến nhiều gốc cây để lại có đường kính trên dưới 2m, mà theo người dân đây thuộc phạm vi rừng phòng hộ đầu nguồn. Hàng trăm hộp gỗ có đường kính dài hơn 2m, dày khoảng 30-40cm, rộng 40-50cm đang trên đường được vận chuyển ra khu vực Đin Đeng (Vũ Loan) tập kết. Anh T.V.S - một người dân Sham Coóc cho biết một cây gỗ (tùy từng loại gỗ) khoảng 3m3 gỗ tròn được bán tại gốc với giá dao động khoảng 10 đến 14 triệu đồng, khi người mua đồng ý, gỗ sẽ được chặt hạ, cắt, xẻ theo “hợp đồng” và bên mua sẽ mất thêm khoảng 3 triệu đồng/m3 tiền thuê vận chuyển ra khu vực Đin Đeng (khu vực tập kết gỗ, xe ôtô có thể đến điểm này để vận chuyển gỗ đi tiêu thụ), lúc cao điểm có đến 3 đội chuyên vận chuyển. Do vậy trong khoảng 2 năm trở lại đây ước tính số lượng gỗ đã vận chuyển ra khỏi rừng ước tính đến cả ngàn khối gỗ. Một cây gỗ có đường kính 2m, chiều cao khoảng 20m, có khối lượng trên 20m3. Chính quyền địa phương “không biết” Khi trao đổi với ông Đàm Xuân Chính, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Loan (người đã có 18 năm làm Chủ tịch xã Vũ Loan), rừng phòng hộ ở Nặm Shặc, Pù Poòng bị tàn phá, việc người dân vận chuyển, cất giữ gỗ gần như công khai không? Ông thản nhiên trả lời không biết. Khi chúng tôi đưa ông xem những hình ảnh ghi được, ông chỉ ngồi im. Đặc biệt là gỗ gần như không phải giấu, gỗ được để lộ thiên ở ngay gầm nhà sàn, để dọc đường đi, để ở những bãi đất trống, không phải xa nhà ông Bí thư, thế mà ông nói không biết. Việc khai thác, vận chuyển gỗ không phải chỉ ngày một, ngày hai. Việc này đã diễn ra cả vài năm nay rồi mà chính quyền địa phương không biết?
Bắc Kạn: Rừng ở Vũ Loan bị tàn phá nghiêm trọng ảnh 2
Theo Hạt trưởng Kiểm lâm Na Rỳ Hà Ngọc Bảo, cánh rừng trên 10ha ở Vũ Loan là rừng nghèo kiệt được thiết kế để trồng rừng, cũng đã có đoàn kiểm tra và xác minh rồi. Nhưng khi phát dọn thực bì, người dân có thể đã phát rộng hơn diện tích cho phép. Người dân Vũ Loan không chỉ khai thác gỗ ở những khu vực rừng phòng hộ Nặm Shặc, Pù Poòng thuộc xã Vũ Loan, mà gần đây, “lâm tặc” còn khai thác rộng sang cả rừng Sam Coóc thuộc xã Thượng Quan (Ngân Sơn). Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp ngăn chặn. Mặc dù Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn đã có Chỉ thị 08 về việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép gây hủy hoại môi trường, trong đó có gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng trên. Song hình như ở Vũ Loan, lãnh đạo không biết về chỉ thị này?./.
Phương Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục