Sông Bắc Giang ô nhiễm

Bắc Kạn: Sông Bắc Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng

Những năm gần đây, nạn khai thác vàng, khai thác cát trái phép đã khiến cho dòng sông Bắc Giang (Bắc Kạn) bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Những năm gần đây, nạn khai thác vàng, khai thác cát trái phép đã khiến dòng sông Bắc Giang ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng sông này giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nơi nó đi qua, bởi vậy việc khôi phục sự trong sạch của sông trở nên cấp thiết.

Sông Bắc Giang chảy vào Việt Nam tại vùng núi thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đến Bắc Kạn, sông chảy qua địa phận các xã Thượng Quan, Hương Nê, Thuần Mang (huyện Ngân Sơn), các xã Lương Thượng, Lạng San, Lương Thành… của huyện Na Rì, có độ dài hàng trăm km.

Nạn khai thác vàng khắp các vùng núi đồi, khe suối trên thượng nguồn con sông chảy qua và ngay hai bên bờ sông Bắc Giang cũng bị đào bới làm thay đổi dòng chảy và làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến cho người dân sống hai bên bờ sông rất bức xúc.

Ông Hoàng Văn Tuấn, xã Lạng San cho biết trước đây ông hay ra sông tắm giặt nhưng giờ nhìn dòng sông ô nhiễm quá, nước đục ngầu đến trâu bò xuống tắm còn sợ bị lở loét. Trước đây người dân còn hay đánh cá, mấy năm nay không ai thả lưới trên dòng sông này nữa vì cá đã chết hết.

Những nỗ lực của các ngành chức năng trong việc chấn chỉnh các hoạt động khai thác vàng trái phép đã không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Na Rì, cho biết, dọc theo dòng sông Bắc Giang hiện nay có hàng chục điểm khai thác vàng và khá nhiều điểm khai thác cát (cả có phép và không phép).

Việc khai thác khoáng sản xả thải trực tiếp ra sông (không loại trừ có cả các chất khử độc hại khi làm vàng) cộng với dầu mỡ từ các máy phục vụ khai thác đã làm cho dòng sông Bắc Giang đục ngầu và ô nhiễm.

Nạn khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ngang nhiên, những điểm mỏ được cấp phép khai thác cũng chưa làm đúng theo phương án đã được duyệt. Hơn nữa số lượng người khai thác kể cả các tổ chức được cấp phép ngày càng tăng, năm sau nhiều hơn năm trước, hình thức khai thác ngày một hiện đại hơn.

Từ chỗ chỉ dùng phương tiện thủ công để tìm vàng, nay thay vào đó là những máy xúc, máy ủi và ôtô tải cỡ lớn, múc và vận chuyển với số lượng lớn đất đá mỗi ngày; có nơi còn dùng dùng hóa chất độc hại để cô đọng vàng khiến độ ô nhiễm càng nguy hiểm…

Ông Trần Văn Quán, xã Lạng San, tâm sự: Mỗi lần trâu uống nước sông là mình thấy lo, một phần vì nước đục, nhưng cái chính là không biết trong nước sông có các chất độc hại như cianua, thủy ngân… hay không?

Huyện Na Rì đã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát và đã từng lập biên bản xử phạt hàng chục tổ chức cá nhân vi phạm, nhưng vì lợi nhuận cao nên cánh “vàng tặc,” “cát tặc” đã bất chấp và có những biện pháp né tránh khi có đoàn kiểm tra tới…

Thêm vào đó là sự phối hợp chưa thực sự hiệu quả giữa các xã và các huyện trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân về tác hại của việc khai thác vàng, khai thác cát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thời gian qua, các huyện Ngân Sơn, Pác Nặm và Ba Bể đã triển khai vây bắt và tịch thu nhiều máy xúc chuyên dụng và xử phạt hành chính với mức tối đa có tình tiết tăng nặng lên đến 80 triệu đồng cho một lần vi phạm.

Hiện ở các địa phương này tình trạng khai thác vàng trái phép đã giảm hẳn, chỉ ở Na Rì vẫn còn diễn ra, mà như ông Chủ tịch huyện này đã biết… nhưng chẳng lẽ chính quyền bất lực trước vấn nạn này sao?

Thiết nghĩ thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần thể hiện trách nhiệm quản lý của mình, ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu về tính pháp lý khi xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường, xử phạt nghiêm minh những đối tượng vi phạm. Đối với những điểm đã được cấp phép, cần giám sát thực hiện đúng phương án khai thác và việc đảm bảo môi trường./.

NT-VL (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục