Bạc Liêu chuẩn bị tổ chức Festival quốc gia Đờn ca tài tử

Lần đầu tiên các tài tử là các nghệ sỹ, nghệ nhân của các đội đờn ca tài tử đến từ 21 tỉnh, thành phố phía Nam tụ họp về sân chơi cấp quốc gia.

Festival quốc gia về Đờn ca tài tử lần thứ nhất với chủ đề "Đờn ca tài tử, Tình người-Tình đất phương Nam" sẽ diễn ra tại Bạc Liêu từ ngày 20-25/4 tới.

Đây là lần đầu tiên các tài tử - là các nghệ sỹ, nghệ nhân của 21 đội đờn ca tài tử - đến từ 21 tỉnh, thành phố phương Nam tụ họp về sân chơi đờn ca cấp quốc gia.

Nỗ lực bảo tồn Đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được quốc tế vinh danh lên con số 8.

Đờn ca tài tử được quốc tế ngưỡng mộ không chỉ là niềm tự hào của riêng đồng bào Nam Bộ mà còn niềm vui chung của toàn dân tộc Việt Nam khi văn hóa Việt Nam ngày càng được lan tỏa rộng rãi trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tuy vừa được quốc tế công nhận, song các tỉnh đồng bằng Nam Bộ đã bắt tay vào thực hiện những cam kết với UNESCO về bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Đờn ca tài tử.

Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu cho biết Festival quốc gia về Đờn ca tài tử là hoạt động có ý nghĩa tôn vinh, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử của Nam Bộ.

Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi Đờn ca tài tử Nam Bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thông qua đó bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử, phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ trong đời sống hiện tại.

Đây cũng chính là hoạt động thể hiện cam kết mạnh mẽ của người dân Nam Bộ trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới.

Cũng thông qua Festival này, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng quảng bá hình ảnh miền sông nước hữu tình, con người phương Nam hiền hòa, phóng khoáng đến với đông đảo nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo của loại hình di sản này cần có sự chung tay góp sức của toàn thể người dân Nam Bộ thì Đờn ca tài tử mới luôn giữ được vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam.

Để chuẩn bị cho Festival này, tất cả các đội và câu lạc bộ Ðờn ca tài tử của Bạc Liêu đang ráo riết tập luyện, chờ đón những tài tử tỉnh bạn.

Nghệ nhân đờn Đặng Thanh Sử, câu lạc bộ Ðờn ca tài tử Hồ Nam cho biết 10 thành viên trong câu lạc bộ đang tích cực luyện tập 20 bài trong bản tổ để đóng góp cho Festival.

Không riêng gì câu lạc bộ Hồ Nam, nhiều điểm du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu cũng đã sẵn sàng đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước.

Nhiều gia đình tại thành phố Bạc Liêu có tiềm năng phát triển loại hình nghệ thuật này được đưa vào chương trình tập luyện chung của tỉnh.

Tại các huyện Đông Hải, Phước Long các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử được quan tâm và củng cố để thu hút khách du lịch đến tham quan.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã sẵn sàng đón khách, đồng thời chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu Festival đến đông đảo các công ty lữ hành, du lịch; giới thiệu một số điểm du lịch mới trong đó có nhà trưng bày hiện vật về cuộc đời của Công tử Bạc Liêu... để thu hút du khách.

Đờn ca tài tử trong dòng chảy văn hóa Việt

Đờn ca tài tử Nam Bộ loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến, bình dân, tự phục vụ cá nhân và cộng đồng, phù hợp với điều kiện sống và phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân ở vùng miệt vườn, sông nước miền Nam Việt Nam.

Theo các bậc thầy trong nghề, Đờn ca tài tử hình thành vào cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20, xuất phát từ những nhạc sỹ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống Ca Huế.

Trên đường đi họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, từ đó Ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng.

Sau thời gian hình thành và phát triển, đến đầu thế kỷ 20, xuất hiện nhiều nhóm đờn ca hoạt động dưới hình thức tài tử và phong trào này nhanh chóng lan tỏa rộng khắp lục tỉnh Nam kỳ.

Ở Long An có nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi), Vĩnh Long có nghệ nhân Trần Quang Quờn (Ký Quờn), Cần Thơ có Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Bạc Liêu có nghệ nhân Lê Tài Khí (Nhạc Khị) và Sư Nguyệt Chiếu.

Vượt thời gian và không gian, Đờn ca tài tử đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của một bộ phận dân cư.

Chữ “tài tử” có nghĩa là người có tài (Dập dìu tài tử giai nhân; Tài tử giai nhân tế ngộ nan). Chữ “tài tử” còn để chỉ việc không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai.

Người đờn ca tài tử khi nào thích thì cùng với bạn đồng điệu họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng hòa đàn để vui chơi và để cho người mộ điệu thưởng thức.

Trước đây, cũng như bây giờ, người đàn tài tử “chính thống” hễ vui thì đàn chơi còn không “hứng” thì thôi, khó ai có thể bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.

Nhạc khí dùng trong đờn ca tài tử là đàn kìm (đàn nguyệt) và đàn tranh. Theo truyền thống, ít khi nhạc công độc tấu mà thường song tấu đàn kìm và đàn tranh với tiếng thổ pha tiếng kim, hoặc tam tấu (kìm, tranh, cò). Đôi khi có ống sáo ngang hay ống tiêu thổi dọc, và đặc biệt là song lang (nghĩa là hai thanh tre già – có người gọi là song loan) để đánh nhịp.

Ngoài ra còn có các nhạc khí khác như đờn sến, đờn gáo, đờn độc huyền, đờn tỳ bà nhưng ít thông dụng.

Từ khoảng năm 1930 có thêm những nhạc khí phương Tây như violon, mandoline khoét phím, guitare...

Bạc Liêu là một mắt xích quan trọng, góp phần vào sự phát triển sâu rộng của Đờn ca tài tử ở miền đất phương Nam.

Từ khi ra đời, Đờn ca tài tử ở Bạc Liêu đã có bước phát triển mạnh mẽ, vang danh khắp lục tỉnh Nam kỳ. Nhiều nghệ nhân đờn của Bạc Liêu vang bóng một thời như bác Sáu Lầu đờn tranh, Mười Khói đờn kìm, Ba Chột đờn sến, Hai Thơm đờn vĩ cầm…

Nhiều nghệ nhân ca nức tiếng đến nay vẫn để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ như Ba Lất, Bảy Kiên, Bảy Cao, thầy giáo So, cô Ba Vàm Lẽo…

Vùng đất Bạc Liêu còn sản sinh ra nhiều nhạc sỹ tài danh, sáng tác nhiều tác phẩm tài tử bất hủ trong 20 bản tổ nhạc và sáng tác vọng cổ nhịp 4, 6, 8, 16, 32 như Năm Nghĩa, Mộng Vân, Trịnh Thiên Tư và đặc biệt là nhạc sỹ Cao Văn Lầu.

Vào những năm 60 của thế kỷ 20, nhạc sỹ Sáu Lầu cùng với đoàn Bạc Liêu đã đoạt giải nhất tại Hội thi Ðờn ca tài tử Nam bộ Nam bộ đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn.

Tên tuổi của nhạc sỹ Cao Văn Lầu Bản gắn với bản ''Dạ cổ hoài lang'' để lại dấu ấn không phai trong lòng những người đam mê hình thức nghệ thuật dân tộc này.

Trải qua tháng năm, hiện nay Bạc Liêu có 158 câu lạc bộ Ðờn ca tài tử với 1.676 thành viên. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Ðờn ca tài tử giữa các câu lạc bộ trong tỉnh, duy trì giao lưu giữa ba tỉnh Bạc Liêu-Sóc Trăng-Cà Mau với một số tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ.

Đây là việc làm cần thiết để giữ gìn, tôn vinh, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của Nam Bộ, góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từng bước nâng cao giá trị của nghệ thuật Ðờn ca tài tử gắn với sinh hoạt ở cộng đồng dân cư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục