“Bạc mặt“ nghề cói

“Bạc mặt“ với nghề cói Ninh Bình

Giá cói xuất khẩu xuống thấp, nguồn tiêu thụ lại khó khăn, bà con lao đao, nhưng vì ở thế “cưỡi cọp” nên vẫn phải tiếp tục làm.

Từ lâu nay, cây cói là nguồn thu nhập chính cho người dân vùng trũng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình). Thế nhưng, hiện nay giá cói xuất khẩu xuống thấp, nguồn tiêu thụ lại khó khăn, bà con lao đao, nhưng vì ở thế “cưỡi cọp” nên vẫn phải tiếp tục làm và hứng chịu những vụ mùa thất bát.

Lỗ cũng phải làm

Nghề chiếu cói ở Kim Sơn nổi tiếng ở miền Bắc vì đây có vùng nước ngập mặn rộng lớn và đội ngũ lao động dồi dào. Ngoài sự biến động của thị trường thì cây cói ở đây còn bộc lộ nhiều yếu điểm như: cây cói to dẫn tới mất nhiều chi phí lao động để chẻ nhỏ cây cói trước khi sản xuất.

Người ta tính phải mất 60% tổng số ngày công lao động để thu hoạch và chẻ cói. Mà công lao động thì ngày càng tăng chóng mặt: Năm 2006, giá 25.000/công thì nay lên 60.000 đồng/công lao động. Hơn nữa khi nghề cói thua lỗ thì người dân không còn mặn mà và chuyển hướng sang đi lao động cho các khu công nghiệp, nên khi đến chính vụ tìm người lại càng khó và đắt đỏ.

Trong khi các thị trường nhập khẩu cói đang cầm chừng, thậm chí ngừng nhập khẩu thì cây cói ở Kim Sơn vẫn sinh trưởng và người dân thu hoạch xong tấp đống không có người mua. Chưa nói đến việc cây cói “khó tính” thu hoạch đúng dịp mưa thì bị thối rữa, mất trắng.

Giá cói cách đây chừng vai ba năm đạt gần 3.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 2.000/kg. Cây cói loại dài đạt 5.000 đồng/kg nhưng tỷ lệ này chỉ đạt được 15%. Trong khi đó giá vật tư phân bón, đạm, thuốc trừ sâu tăng vọt, người dân không đủ vốn đầu tư nên năng suất, chất lượng cói càng thấp, mà chi phí đội lên cao. Những năm gần đây, phần lớn nhà nào cũng thua lỗ vì trồng cói.

Nghề chiếu cói Kim Sơn hiện chủ yếu là sơ chế hoặc dệt thảm, làm chiếu, với 50% xuất khẩu, còn lại là phục vụ thị trường nội địa. Các nhà sản xuất, kinh doanh không hợp đồng bao tiêu sản phẩm, mà chỉ mua khi thấy thị trường có nhu cầu, điều đó cho thấy việc liên kết “3 nhà” là rất mờ nhạt. Tỷ lệ nông dân thắng bạc ngày càng mong manh.

Trong lúc, quy trình sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch của cây cói kéo dài trong 4 - 5 năm. Mặc dù, giá cói thấp, nông dân chán nản nhưng vẫn phải “theo lao” để giữ vùng nguyên liệu hàng trăm héc ta. Nhiều cuộc họp của tỉnh, cũng như ý kiến của cử tri đề nghị tìm giải pháp nhưng đến nay vẫn chưa có lối thoát.

Có giải pháp, nhưng bao giờ thành hiện thực?

Ông Nguyễn Văn Ngạn, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Bình Minh (Kim Sơn), cho biết thị trường xuất khẩu cói truyền thống chủ yếu sang Trung Quốc. Nhưng lâu nay nước láng giềng này đã có cách đi riêng nên ít nhập cói Kim Sơn. Trung Quốc đã xây dựng nguồn nguyên liệu rộng lớn, đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất và đặc biệt áp dụng thành công trồng giống cói Nhật. Ưu thế của giống cói này không mốc, cây nhỏ, nên không phải mất nhiều công đoạn như: phân loại cói, chẻ cói làm đôi, rũ cói như ở ta, nên sản phẩm đẹp mà giá thành lại thấp.

Công ty Bình Minh cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm trồng giống cói Nhật. Nhưng khi áp dụng chưa tính đến vấn đề thổ nhưỡng, khí hậu, đặc biệt là ít ánh nắng mặt trời nên cây cói chỉ đẻ nhiều nhánh chứ không phát triển chiều cao.

Ông Ngạn cho biết thêm công ty đang nghiên cứu áp dụng trồng giống cói Nhật, nếu thành công thì cây cói này sẽ giảm 50% chi phí so với cói Kim Sơn.

Tỉnh Ninh Bình cũng đã nỗ lực và vừa đầu tư trên 13 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu nhưng xem ra vẫn chưa tháo gỡ khó khăn. Đây là nghề giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, nên giải pháp cứu vãn là đang rất cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục