"Bắc Ninh có thể trở thành gương xấu cho các tỉnh khác"

Bắc Ninh quyết định nhân sự giáo dục nhưng bỏ qua đặc thù của ngành, không tuân thủ đúng quy định của Chính phủ về phân cấp trong tuyển dụng
"Bắc Ninh có thể trở thành gương xấu cho các tỉnh khác" ảnh 1Không còn được đứng trên bục giảng, cô P. phải đứng bán chè. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bắc Ninh quyết định nhân sự của ngành giáo dục nhưng lại bỏ qua những yếu tố đặc thù của ngành, không tuân thủ đúng quy định của Chính phủ về phân cấp trong tuyển dụng. Chính quyền địa phương có lỗi khi để cả chục năm không tuyển viên chức, khiến người lao động phải làm theo chế độ hợp đồng, không có cơ hội bổ nhiệm, nhưng không những không bù đắp mà còn bắt họ thôi việc...

Những vấn đề trên đã được các chuyên gia chỉ ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ xung quanh vụ việc 261 giáo viên ở Bắc Ninh bị buộc thôi việc đang gây xôn xao dư luận.

Ý kiến của phó giáo sư Văn Như Cương: "Bắc Ninh cần xem xét lại"

Hàng trăm giáo viên làm lâu năm không được thi tuyển viên chức, cả chục năm sau mới tổ chức thi tuyển rồi đẩy họ ra đường, đưa người mới vào, họ bức xúc là đúng.

Thứ nhất, làm như thế là vô lý. Mặc dầu là ký hợp đồng nhưng cứ ký bao năm liên tục, không nói gì đến viên chức, bỗng dưng cho nghỉ.

Thứ hai, không thể cho nghỉ việc cùng lúc mấy trăm giáo viên, thay bằng người mới, có trường giáo viên bị thay thế đến 50% là không ổn, vì làm giáo dục có tính kế thừa, các cụ vẫn nói “thầy già, con hát trẻ”.

Mỗi trường có ba nhóm giáo viên: Các giáo viên sắp về hưu, lực lượng giáo viên đã dạy tầm 10 năm, và các giáo viên trẻ.

Giáo viên sắp về hưu tuy có kinh nghiệm nhưng họ nhiều tuổi, hay ốm đau, lại có tư tưởng sắp về hưu nên không phải tất cả đều nhiệt huyết cống hiến.

Giáo viên mới ra trường có thể học được những điều cập nhật hơn người cũ nhưng bao giờ cũng cần người có kinh nghiệm kèm cặp lên giảng bài ra sao, soạn giáo án thế nào, cách ứng xử với học sinh... Họ có đi thực tập nhưng thời gian thực tập chỉ một vài tháng, và chúng ta cũng biết nó không mang lại nhiều lợi ích. Vì thế, các giáo viên trẻ đều phải có khoảng thời gian tập sự ở trường từ một đến hai năm. Những người vượt qua thời gian tập sự sẽ vững vàng hơn, còn nếu không vượt qua thì phải thôi hợp đồng.

"Bắc Ninh có thể trở thành gương xấu cho các tỉnh khác" ảnh 2Giáo sư Văn Như Cương trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Như vậy, cả giáo viên sắp về hưu và giáo viên trẻ đều khó cho trường. Nhà trường chỉ trông cậy vào những người đã có nhiều năm kinh nghiệm và còn lâu mới về hưu. Đây lực lượng giáo viên nòng cốt. Trong các trường, tỷ lệ giáo viên nòng cốt phải chiếm trên 50%, số giáo viên sắp về hưu và giáo viên trẻ chiếm dưới 50%. Một lệ cân đối giữa các bộ phận đó là rất quan trọng để đảm bảo thuận lợi cho việc bố trí các công tác giảng dạy cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo. Để đảm bảo tỷ lệ này phải là sự điều hành, tổ chức của cơ quan quản lý.

Thông thường, mỗi trường, mỗi năm thay mới khoảng 10% giáo viên do lực lượng về hưu. Lực lượng thay mới có thể là giáo viên trẻ vừa ra trường, có thể là người đã có kinh nghiệm rồi. Tỷ lệ này là hài hòa. Không thể một trường có đến 50% mới về. Điều hành như thế là không công bằng với các trường.

Thứ ba, huyện Yên Phong lại thay hàng trăm giáo viên ngay khi khi sắp kết thúc học kỳ, gây hoang mang cực độ, phá vỡ sự ổn định trong năm học. Tôi không hiểu tại sao có những quyết định đưa vào thời điểm như thế.

Tôi nghĩ Bắc Ninh cần phải xem xét lại vấn đề này một cách cẩn trọng hơn.

Vấn đề này phải có đấu tranh của công đoàn giáo dục. Công đoàn giáo dục là đơn vị bảo vệ quyền lợi cho các giáo viên đang làm công ăn lương thì không thể không có tiếng nói để tìm hiểu bản chất vấn đề là thế nào.

Ý kiến ông Trần Công Phong, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: "Ngành giáo dục phải được quyền quyết định nhân sự mình

Xảy ra sự việc này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng rất quan tâm và có trách nhiệm. Chúng tôi đã về làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Phong.

Chính phủ đã có Nghị định 115/2010/NĐ-CP từ năm 2010 về Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Văn bản này quy định rõ chức năng của phòng giáo dục và đào tạo là “phối hợp với phòng nội vụ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xác định vị trí việc làm, số người làm việc; tổng hợp vị trí việc làm, số người làm việc của các cơ sở giáo dục; quyết định vị trí việc làm, số người làm việc cho các cơ sở giáo dục sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện và kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng, hợp đồng, điều động, luân chuyển, biệt phái và thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức của các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý của ủy ban nhân dân cấp huyện và công chức của phòng giáo dục và đào tạo.”

Các văn bản này đều có hiệu lực từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn không được thực hiện ở một số tỉnh và một số huyện. Vì thế, trong việc tuyển dụng, ngành giáo dục không được tham gia thì nói gì đến bảo vệ quyền lợi.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ đề nghị các ban ngành phải thực hiện Nghị định 115, theo đó, ngành giáo dục phải có quyền chủ động hoặc được tham mưu trực tiếp, hoặc được quyền quyết định trong vấn đề nhân sự của ngành. Việc này giao cho các phòng nội vụ của huyện làm là không nên. Như ở Bắc Ninh, không thực hiện phân cấp cho ngành giáo dục, việc tuyển dụng thực hiện đúng quy định của Bộ Nội vụ nhưng yếu tố đặc thù ngành nghề không được tính đến.

Chính việc những nghị định và thông tư quan trọng đã được ban hành nhưng lại không được thực thi mới để xảy ra tình trạng như ở Yên Phong, Bắc Ninh.

Ý kiến của phó giáo sư Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn: Không thể chấp nhận được!

Tôi cho rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động của hàng trăm giáo viên ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là điều không thể chấp nhận được.

"Bắc Ninh có thể trở thành gương xấu cho các tỉnh khác" ảnh 3Phó giáo sư Vũ Quang Thọ trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Những giáo viên này đã được đào tạo bài bản, thời gian làm việc khá lâu, có thời gian gắn bó với học sinh, với môi trường giảng dạy mà bây giờ chấm dứt hợp đồng lao động.

Trong các lỗi thì lỗi lớn nhất là lỗi của chính quyền địa phương, lỗi của cơ quan tuyển dụng, quản lý viên chức. Trách nhiệm trong việc sử dụng giáo viên hợp đồng trong một thời gian dài mà không tổ chức thi tuyển, đến lúc thi tuyển lại không ưu tiên cho những người có kinh nghiệm lâu năm chính là của chính quyền địa phương.

Việc tổ chức thi công bằng với các thí sinh trẻ mới ra trường thì những giáo viên lâu năm sẽ thiệt thòi vì thời gian làm việc họ chủ yếu làm công tác chuyên môn, thi lại có rất nhiều kiến thức nằm ngoài việc, đẩy giáo viên vào tình thế ngặt nghèo, như thế là không nhân văn. Bắc Ninh áp dụng chính sách đặc cách cho những người mới là các cá nhân có bằng thạc sỹ, đại học chính quy loại giỏi nhưng lại không áp dụng xét đặc cách cho những người cũ đã làm việc trên 36 tháng, đã có thời gian dài cống hiến, dù điều này đã được pháp luật quy định, là thiếu công bằng với các giáo viên.

Giáo dục được coi là lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển nguồn nhân lực, không thể đối xử với giáo viên như vậy. Tình trạng của Bắc Ninh nếu không được xử lý sẽ trở thành gương xấu cho các tỉnh khác.

Ý kiến của Luật sư- Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Chí, Phó chủ nhiện khoa Pháp luật Kinh tế (Đại học Luật Hà Nội: Vi phạm Luật Lao động

"Bắc Ninh có thể trở thành gương xấu cho các tỉnh khác" ảnh 4Luật sư-PGS.TS Nguyễn Hữu Chí trả lời phỏng vấn phóng viên (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng vấn đề này cần tách bạch hai nội dung, liên quan đến Luật Viên chức và Luật Lao động. Về Luật viên chức, giáo viên chịu sự điều chỉnh của Luật Viên chức nên phải khẳng định, Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tổ chức thi tuyển viên chức, đối tượng dự tuyển, quy trình tuyển dụng là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong đã sử dụng đối tượng lao động viên chức nhưng làm hợp đồng lao động trong thời gian dài cả chục năm như vậy là có vấn đề về quy định tuyển dụng viên chức.

Dưới góc độ quy định của Luật Lao động, những giáo viên này đang có hợp đồng lao động. Theo Luật lao động, những người lao động có hợp đồng xác định thời hạn thì thời hạn hợp đồng cao nhất là 3 năm, nếu họ làm hợp đồng dưới ba năm thì khi gia hạn hợp đồng chỉ được gia hạn một lần, sau đó nếu tiếp tục ký hợp đồng thì phải là hợp đồng không xác định thời hạn.

Theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2012, việc chấm dứt hợp đồng lao động xảy ra trong một số trường hợp cụ thể được quy định tại điều 36. Đối với huyện Yên Phong, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ có thể rơi vào các trường hợp: Hết hạn hợp đồng hoặc người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với người lao động có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật lao động.

Nhưng ở đây không xảy ra hai trường hợp trên mà Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các trường chấm dứt hợp đồng lao động với lý do đã có kết quả tuyển dụng. Theo pháp luật hiện nay thì không có trường hợp nào quy định như vậy. Vì thế, có thể hiểu rằng nếu tách bạch sự việc này theo bộ Luật Lao động thì việc chấm dứt hợp đồng này chưa đúng pháp luật.

Theo tôi, cần xem xét từng trường hợp, đối tượng và loại hợp đồng họ tham gia, tình tiết cụ thể của sự việc chứ không thể tập trung một giải pháp cho hàng trăm giáo viên.

Đặc biệt, có 92 trường hợp giáo viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ thì sẽ không đươc phép chấm dứt hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ khi họ thực hiện thiên chức làm mẹ và nuôi con theo điều 38 của bộ Luật Lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục