Bắc Ninh: Đê Hữu Cầu xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê phía sông

Lực lượng quản lý đê chuyên trách Bắc Ninh đã phát hiện tại vị trí K56+900 đê Hữu Cầu, xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 30m, tụt sâu từ 0,7-1,0m ăn sâu dư
Bắc Ninh: Đê Hữu Cầu xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê phía sông ảnh 1Mưa lớn gây ngập lụt ở nhiều tỉnh miền Bắc. (Ảnh: Lan Anh/TTXVN)

Chiều 3/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cùng đoàn công tác và các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục sự cố sạt lở đê Hữu Cầu, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh, Đàm Phương Bắc cho biết: Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam đi qua khu vực Bắc bộ nối với vòng xoáy thấp tồn tại ở khu vực ven biển Quảng Ninh, trong những ngày qua ở khu vực Đông Bắc có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên địa bàn thành phố Bắc Ninh đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ ngày 1-2/8 là 95,2 mm.

Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, ngày 2/8, lực lượng quản lý đê chuyên trách thành phố Bắc Ninh đã phát hiện tại vị trí K56+900 đê Hữu Cầu, xã Hòa Long xuất hiện sự cố sạt trượt mái đê phía sông với chiều dài 30m, tụt sâu từ 0,7-1,0m ăn sâu dưới mặt đê bêtông 0,2m.

Tại thời điểm đoàn kiểm tra, mực nước sông Cầu ở trên mức báo động I là 70cm. Dự báo ngày 4/8, mực nước sông Cầu sẽ lên đến báo động 2. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, địa phương, ngành chức năng, các đội xung kích số 1, 2 và 3 của xã Hòa Long cùng lực lượng dân quân tự vệ xã đã thay phiên nhau tập trung khẩn trương khắc phục sự cố.

Địa phương đã huy động lực lượng, vật tư gồm 4.000 bao tải cát, hơn 600 cọc tre, tổ chức cắm cừ, che phên nứa, phủ bạt, giữ ổn định chân đê và mái đê. Đến thời điểm này, cơ bản sự cố đã được khắc phục, đảm bảo an toàn tuyến đê.

Trước tinh thần khẩn trương, vào cuộc tích cực của tỉnh Bắc Ninh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương tăng cường tổ chức trực nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; tích cực kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để chủ động xử lý việc mất an toàn cho đoạn đê; triển khai công tác tuần tra, canh gác theo cấp báo động, kiểm tra phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra để bảo đảm an toàn cho đê; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, vật tư, phương tiện để triển khai công tác hộ đê theo cấp báo động và đối phó kịp thời khi sự cố xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục