Bắc Ninh nâng cao năng lực cạnh tranh

ttxvndoanh-1591931391-82.jpg

‘Điểm sáng’ Trung tâm hành chính công

Với môi trường kinh doanh thông thoáng, an ninh, chính trị ổn định, vị trí giao thương thuận lợi, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Ninh đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bắc Ninh liên tục có nhiều khởi sắc.

Sau 3 năm triển khai và đi vào hoạt động, các mô hình Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và mô hình một cửa liên thông cấp xã đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những sáng kiến nổi bật, đưa Bắc Ninh lên nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Đơn giản hóa các thủ tục hành chính

Trước đây, khi đi làm các thủ tục hành chính, chị Hồ Khả Quyên, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Getac, Khu công nghiệp Quế Võ 1, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, thường phải đến nhiều cơ quan, tổ chức để nộp hồ sơ và giao dịch. Đặc biệt, có thủ tục chị phải đến nhiều lần mới được giải quyết.

Hiện nay, chị Quyên chỉ cần đến Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh là các thủ tục được giải quyết một cách nhanh chóng. Theo chị Quyên, trước khi đến làm việc, chị thường tìm hiểu các thông tin về những thủ tục đó trên cổng thông tin trực tuyến của Trung tâm rồi hoàn tất các hồ sơ, lấy số thứ tự và vào giao dịch.

Cũng giống như chị Quyên, giờ đây, anh Hoàng Đức Duy, nhân viên Phòng Hành chính, nhân sự, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải, Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, dễ dàng được giải quyết mọi thủ tục hành chính khi đến Trung tâm hành chính công tỉnh.

Anh Duy cho biết anh thường xuyên được phân công nhiệm vụ giao dịch về lĩnh vực tư pháp và giấy phép lao động cho người nước ngoài. Khi đến Trung tâm hành chính công tỉnh, anh được các cán bộ ở đây hướng dẫn tỉ mỉ nên các thủ tục được giải quyết nhanh chóng.

“Theo quy định, hoàn thiện quy trình cấp giấy phép lao động mới cho người lao động mất 5 ngày, tuy nhiên, tôi thường nhận được thông báo có kết quả sớm hơn 1 ngày hoặc đúng ngày ghi trên giấy hẹn, tôi rất hài lòng với cách làm việc này,” anh Duy chia sẻ.

Chị Phạm Thị Mỹ, nhân viên Phòng hành chính nhân sự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam, cho biết gần đây, mỗi tháng chị phải làm hàng chục bộ hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài đến làm việc tại Bắc Ninh, nhưng chưa bộ hồ sơ nào bị trễ hẹn. Mỗi lần đi làm các thủ tục, chị chỉ cần đến Trung tâm hành chính công tỉnh nộp giấy tờ và nhận lịch hẹn để trả kết quả. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các thủ tục, chị không phải mất thêm chi phí gì ngoài khoản phí theo quy định của Nhà nước. Khi xử lý xong hồ sơ, chị sẽ nhận được tin nhắn báo có kết quả giải quyết xong thủ tục hành chính.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Việc đưa vào vận hành Trung tâm hành chính công không chỉ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho người dân đến giải quyết các thủ tục hành chính một cách thuận lợi.

Anh Nguyễn Văn Chinh, phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, cho biết anh đến Trung tâm hành chính công thành phố Bắc Ninh làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tách khẩu cho gia đình. Nếu như trước đây, khi đi làm các thủ tục, anh phải đến nhiều địa điểm khác nhau, nhưng hiện nay, anh chỉ cần đến Trung tâm hành chính công thành phố là được giải quyết mọi thủ tục hành chính.

Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo

Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh được thành lập từ năm 2017, sau 3 năm thực hiện thí điểm, mô hình hoạt động của các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện và bộ phận một cửa cấp xã đã giải quyết gần 850.000 hồ sơ. Riêng năm 2019, các trung tâm tiếp nhận, giải quyết trên 530.000 hồ sơ, với tỷ lệ hồ sơ trả đúng và sớm trước hạn cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện, cấp xã đạt 99%.

Tính trung bình trong những năm qua, tỷ lệ hồ sơ trả sớm trước thời hạn đạt gần 90%, không có hồ sơ trễ hẹn. Thời gian giải quyết các thủ tục giảm trung bình từ 2 đến 3 ngày, đặc biệt có nhiều thủ tục hành chính được giải quyết ngay trong ngày.

Năm 2019, trong bảng đánh giá các chỉ số PCI của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh, điểm số chi phí thời gian của Bắc Ninh đạt 7,23 điểm, tăng 0,11 điểm so với năm 2018

Bà Đào Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh, cho biết trong số các chỉ tiêu thành phần đóng góp vào chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh có ba chỉ tiêu đều tăng điểm. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của mô hình Trung tâm hành chính công tỉnh, thể hiện ý chí quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị tỉnh trong cải cách hành chính, nhằm xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Năm 2019, trong bảng đánh giá các chỉ số PCI của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh, điểm số chi phí thời gian của Bắc Ninh đạt 7,23 điểm, tăng 0,11 điểm so với năm 2018 và tăng 2 bậc từ thứ hạng 21 (năm 2018) lên thứ 19 (năm 2019).

Bên cạnh đó, điểm số tính minh bạch của Bắc Ninh đạt 7,02 điểm, tăng 1,17 điểm so với năm 2018, tăng 47 bậc từ thứ hạng 53 (năm 2018) lên thứ 6 (năm 2019). Ngoài ra, điểm số chi phí không chính thức của tỉnh Bắc Ninh đạt 7,24 điểm, tăng 1,92 điểm so với năm 2018, tăng 45 bậc từ thứ hạng 51 (năm 2018) lên thứ 6 (năm 2019).

Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)
Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Bà Đào Thu Hà chia sẻ để nâng cao chỉ số PCI, Trung tâm đã rà soát, phối hợp với các sở, ngành đề nghị cắt giảm các thủ tục hành chính. Theo đó, thay vì doanh nghiệp phải đi đến các cơ quan nhà nước để gửi hồ sơ, lấy kết quả, nay họ chỉ cần đến Trung tâm là được giải quyết mọi thủ tục, chi phí thời gian được cải thiện đáng kể.

Cùng với đó, công dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp đánh giá tinh thần làm việc và sự nhiệt tình của cán bộ giao dịch. Nhờ vậy, chi phí không chính thức được kiểm soát triệt để. Hiện nay, Trung tâm thực hiện niêm yết hơn 1.000 thủ tục hành chính công khai trên bảng tin tại trung tâm và cổng dịch vụ công.

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cải cách hành chính,” thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính lên cấp độ 3 và cấp độ 4; đồng thời đào tạo cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân, đưa Trung tâm thực sự trở thành “cầu nối” giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Để làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, Phó Giám đốc Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh Đào Thu Hà cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện nghiêm việc tích hợp cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh với cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp tra cứu, giám sát hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về phân cấp ủy quyền nhằm giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành; điều chỉnh bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với những người trực tiếp làm việc tại trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa thống nhất trong cả nước./.

‘Chữa bệnh’ cho doanh nghiệp

Để tỉnh Bắc Ninh trở thành “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã có những “phương thuốc” hữu hiệu, trong đó nổi bật nhất là mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp”. Mô hình này đã đem lại hiệu quả, là cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, qua đó góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

“Miền đất hứa” của các doanh nghiệp

Công ty Trách nhiệm hữu hạn ITM Việt Nam, có địa chỉ tại Khu công nghiệp VSIP, tỉnh Bắc Ninh, được thành lập tháng 4/2014. Đến nay, công ty đã mở rộng sản xuất với 3 nhà máy, số vốn đầu tư 58 triệu USD, chuyên sản xuất bảng mạch bảo vệ pin và mạch tích hợp bán dẫn cho điện thoại di động, phục vụ các tập đoàn sản xuất điện thoại lớn ở nước ngoài.

Ông Jin Juhyung, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn ITM Việt Nam, chia sẻ trước khi chọn Bắc Ninh là điểm đến, công ty đã đi khảo sát ở một số địa phương. Khi đến Bắc Ninh, lãnh đạo công ty thực sự “ấn tượng” với mảnh đất này, bởi nơi đây có vị trí thuận lợi về địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty.

Đặc biệt, các thủ tục hành chính của tỉnh Bắc Ninh được đơn giản hóa, hỗ trợ nhiều cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đây chính là lý do Ban lãnh đạo công ty quyết định chọn Bắc Ninh là điểm đến để đầu tư.

Tương tự, sau 1 năm khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư, năm 2007, Công ty trách nhiệm hữu hạn Funing Presicion Component đã quyết định chọn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang để phát triển ngành điện tử.

Ông Zhuo Xian Hong, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Funing Presicion Component, cho biết công ty quyết định chọn tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang là nơi để sản xuất, kinh doanh bởi hai địa phương này có vị trí gần với Trung Quốc, thuận tiện cho việc liên kết giao thương, vận chuyển hàng hóa.

“Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư của tỉnh Bắc Ninh đã thay đổi và có sự cải thiện đáng kể. Tôi nghĩ, công lớn thuộc về lãnh đạo tỉnh bởi họ đã đưa ra những định hướng, chính sách đúng đắn về phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư. Đặc biệt, Bắc Ninh đã bứt phá trong thu hút đầu tư về ngành điện tử và công nghiệp phụ trợ. Thực tế được chứng minh khi Bắc Ninh đã tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn, có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn,” ông Zhuo Xian Hong chia sẻ.

Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Công ty TNHH Điện tử Foster Bắc Ninh được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Theo ông Zhuo Xian Hong, trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, công ty luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, nhất là của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Đơn cử, Ban Quản lý luôn lắng nghe, tạo điều kiện giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Chia sẻ về yếu tố năng động, tiên phong của các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, chia sẻ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh luôn lắng nghe ý kiến và hỗ trợ tối đa cho công ty. Khi công ty gặp khó trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân, xây dựng hạ tầng giao thông và gặp vướng mắc về các thủ tục hành chính, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại, lắng nghe và giải quyết thấu đáo mọi ý kiến, kiến nghị của công ty. Đây là yếu tố then chốt giúp công ty gắn bó lâu dài và mở rộng đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh.

“Chữa bệnh” cho doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh, trước đây ở Bắc Ninh, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp chưa được các sở, ban, ngành giải quyết một cách thấu đáo và cũng không có cơ quan giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh theo dõi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp. Trước thực tế đó, đầu năm 2016, tỉnh Bắc Ninh đã cho ra đời mô hình “Bác sỹ doanh nghiệp” để giải quyết bài toán này.

Ông Nguyễn Phương Bắc lý giải, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được ví như trạng thái “mắc bệnh” và việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được ví như “chữa bệnh” của người bác sỹ. Do đó, “bác sỹ doanh nghiệp” là mô hình tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Để mô hình này vận hành hiệu quả, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập một tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch tỉnh là Tổ trưởng. Lãnh đạo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội là những “bác sỹ thường trực,” bên cạnh đó còn có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Cục thuế…

Từ năm 2016 đến nay, các “bác sỹ doanh nghiệp” đã tiếp nhận và giải quyết trên 300 lượt ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

“Bác sỹ doanh nghiệp” là mô hình tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Sau khi được thành lập, mô hình “bác sỹ doanh nghiệp” đã gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, các doanh nghiệp không kỳ vọng và tin tưởng vào mô hình này, nhất là các doanh nghiệp trong nước. “Khi mô hình ‘Bác sỹ doanh nghiệp’ mới thành lập, các doanh nghiệp còn e dè và không nghĩ có một cơ quan Nhà nước đến tận doanh nghiệp để tìm hiểu những khó khăn và tháo gỡ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng sự thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm đã giúp các “bác sỹ” trở thành “người bạn tri kỷ” của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, họ tin tưởng, thẳng thắn sẻ chia, giúp các “bác sỹ” dễ dàng “bắt bệnh,” tìm ra phương thuốc hữu hiệu để “chữa bệnh” cho doanh nghiệp gặp khó,” ông Nguyễn Phương Bắc nói.

Ông Nguyễn Đình Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giấy Bình Minh tại Cụm công nghiệp Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cho biết năm 2016, công ty của ông gặp khó khăn trong việc thuê đất để xây dựng nhà xưởng. Sau quá trình tìm hiểu, ông Bình đã tìm đến mô hình “bác sỹ doanh nghiệp” để được tư vấn. Nhận được thông tin, các “bác sỹ” đã vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho công ty. Kết quả, sau 15 ngày, công ty đã nhận được Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc cho phép thuê đất phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nói về sự thành công của mô hình “bác sỹ doanh nghiệp,” ông Nguyễn Phương Bắc chia sẻ đây là mô hình tương tác hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp trong bối cảnh tỉnh Bắc Ninh thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Thành công đó đã đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp năng động của cả nước./.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất điện tử Pbc Cát Tường, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất điện tử Pbc Cát Tường, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Mở cơ hội vàng đón dòng vốn đầu tư

Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, mạnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Bên cạnh những yếu tố khách quan, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư. Nhờ vậy, đến nay Bắc Ninh giữ vững vị thế là “thỏi nam châm thu hút đầu tư” của cả nước.

PCI bứt phá

Theo số liệu thông báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, năm 2019 chỉ số PCI của tỉnh Bắc Ninh đạt 70,79 điểm (tăng 6,29 điểm so với năm 2018), tăng 11 bậc, lên vị trí số 4/63 tỉnh, có chỉ số PCI cao và được xếp hạng ở mức rất tốt. Trong số những chỉ tiêu góp phần nâng cao chỉ số PCI, Bắc Ninh có 8/10 chỉ số thành phần tăng điểm như chỉ số tiếp cận đất đai (tăng 1,16 điểm); tính minh bạch (tăng 1,17 điểm); chi phí thời gian (tăng 0,11 điểm); chi phí không chính thức (tăng 1,92 điểm); tính năng động (tăng 1,35); thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (tăng 1,85 điểm); cạnh tranh bình đẳng (tăng 2,21 điểm)…

Đáng lưu ý, trong những chỉ số trên, nhiều chỉ số có bước tăng đột phá, vươn lên vị trí xếp hạng đứng đầu cả nước. Tiêu biểu là chỉ số tính minh bạch xếp thứ 53/63 toàn quốc vào năm 2018, tăng lên xếp thứ 6 toàn quốc năm 2019. Ngoài ra, chỉ số chi phí không chính thức xếp hạng 51/63 toàn quốc năm 2018, năm 2019 đứng thứ 6 toàn quốc. Chỉ số tính năng động xếp thứ 18/63 toàn quốc năm 2018, đến năm 2019 xếp thứ 5 toàn quốc. Dẫn đầu là chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự vươn từ vị trí 40 năm 2018 lên vị trí số 1 toàn quốc năm 2019.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định kết quả trên phản ánh sự kiên trì và quyết tâm của tỉnh trong cải thiện môi trường kinh doanh. Những giải pháp nâng cao năng lực PCI của tỉnh trong nhiều năm qua đã phát huy và đạt được kết quả tích cực. Trong đó, điển hình tỉnh đã triển khai có hiệu quả sáng kiến đưa vào vận hành trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và đổi mới mô hình một cửa cấp xã; mô hình “bác sỹ doanh nghiệp”…

Đặc biệt, gần đây, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã tạo chuyển biến trong nhận thức bình đẳng giữa các khu vực kinh tế. Riêng năm 2019, tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành 8 cuộc đối thoại với doanh nghiệp, qua đó nhiều vướng mắc được giải quyết có hiệu quả.

Hội nghị bàn các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Hội nghị bàn các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Trong số các biện pháp nâng cao chỉ số PCI, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đặc biệt lưu ý đến tính năng động tiên phong của lãnh đạo. Năm 2019, chỉ số này đạt 7,34 điểm, tăng 1,35 điểm so với năm 2018 và tăng 13 bậc lên vị trí thứ 5 cả nước.

“Khi lãnh đạo năng động, tiên phong sẽ tạo ra tác động kép và những sáng kiến khác sẽ được cải cách theo. Điều này sẽ tác động và làm thay đổi các chỉ số khác. Đây là yếu tố then chốt giúp Bắc Ninh bứt phá, cải thiện, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh,” bà Nguyễn Hương Giang khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những chỉ số thành phần tăng điểm, năm 2019, Bắc Ninh có 2/10 chỉ số thành phần giảm điểm gồm chỉ số gia nhập thị trường giảm 9 bậc từ thứ hạng 40 (năm 2018) xuống thứ hạng 49 (năm 2019) và chỉ số đào tạo lao động giảm 12 bậc từ thứ hạng 5 (năm 2018) xuống thứ hạng 17 năm 2019.

Đánh giá về những chỉ số giảm điểm, ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết mặc dù các chỉ số trên giảm điểm nhưng những chỉ tiêu nhỏ trong các chỉ tiêu thành phần vẫn tiến bộ. Điển hình như với chỉ số đào tạo lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp tăng từ 48,27% (năm 2018) lên 57,35% (năm 2019); doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ giới thiệu việc làm tăng từ 70% (năm 2018) lên 83,33% (năm 2019)…

Ông Nguyễn Phương Bắc cho biết thêm nguyên nhân giảm điểm chính là các tỉnh khác có tiến bộ nhanh hơn Bắc Ninh về những chỉ tiêu này. Thời gian tới, Bắc Ninh cũng cần phải lưu ý đẩy nhanh hơn nữa các chỉ số trên.

Mở cơ hội vàng đón dòng vốn đầu tư

Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng vào cuộc. Đặc biệt, Bắc Ninh chú trọng giữ vững những chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh tăng điểm; đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa những chỉ số giảm điểm.

Cụ thể, Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT–TTg ngày 22 tháng 4 năm 2019 về việc xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc gắn với cải thiện chỉ số PCI. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, đơn vị nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Đồng thời, tỉnh xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp dưới thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp.

Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp Vsip, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh luôn được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Công ty TNHH ITM Semiconductor Vietnam tại khu công nghiệp Vsip, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh luôn được tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Bà Nguyễn Hương Giang khẳng định thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận một cửa cấp xã, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ hoàn thiện những nội dung chi tiết nâng cao chất lượng phục vụ tại trung tâm hành chính công như: Phiếu đăng ký làm thủ tục hành chính, giấy hẹn có thông tin liên lạc của cán bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính để người dân liên lạc trở lại khi cần; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, qua đó giảm các chi phí phát sinh không chính thức. Đồng thời, thực hiện hiệu quả hệ thống tiếp nhận hỏi-đáp, hình thành tổng đài chung, khi người dân, doanh nghiệp có thắc mắc.

“Ngoài ra, tỉnh cũng rà soát hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận các thủ tục hành chính, nguồn lực đất đai, miễn giảm thuế, ưu đãi đầu tư…, đẩy mạnh các kênh tham vấn, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các sở, ngành, địa phương tăng cường lắng nghe với tinh thần tận tâm trong tiếp xúc, đối thoại và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp và tuyên truyền hoạt động của tổ công tác thông qua mở chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử tỉnh,” bà Nguyễn Hương Giang cho biết thêm.

Một trong những giải pháp quyết liệt nâng cao chỉ số PCI là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng nhấn mạnh một trong những giải pháp quyết liệt nâng cao chỉ số PCI là tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy các sáng kiến mới, tạo chuyển động trong cả hệ thống để thực thi tốt tính năng động tiên phong của lãnh đạo tỉnh ở cấp dưới.

Riêng đối với những chỉ số thành phần giảm điểm, tỉnh yêu cầu các ngành tập trung giải quyết có hiệu quả những vướng mắc, hướng tới sự hài lòng của doanh nghiệp. Cụ thể, với chỉ số gia nhập thị trường, Bắc Ninh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các văn bản luật, rà soát các quy trình thủ tục gia nhập thị trường của từng ngành, đơn vị và quy định của Chính phủ. Đồng thời, rà soát các thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị đã công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, thường xuyên cập nhật các thay đổi trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính; triển khai thực hiện cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở một số thủ tục hành chính phát sinh nhiều giao dịch.

Với chỉ số đào tạo lao động, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực hàng năm và 5 năm theo quy định; thực hiện tốt đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; phát triển và liên kết mạng lưới dạy nghề, dịch vụ việc làm.

“Chúng tôi đẩy mạnh thực hiện các quy định pháp luật đồng bộ để giải quyết các tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp đã diễn ra trong thời gian dài, nhằm tạo thuận lợi, xây dựng hình ảnh môi trường kinh doanh của Bắc Ninh an toàn, thân thiện, để Bắc Ninh thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định./.

Sản xuất các loại loa tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sản xuất các loại loa tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)