Bắc Ninh xây hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn ở KCN

Hết 2013, Sở Tài nguyên-Môi trường Bắc Ninh đã cấp gần 370 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tỉnh.

Với lượng phát sinh chất thải rắn ước hơn 47.700 tấn/năm, trong đó có trên 32.000 tấn/năm tại các khu công nghiệp tập trung, Bắc Ninh đã bước đầu hình thành hệ thống các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tính đến hết năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh đã thẩm tra, cấp gần 370 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có phát sinh, chất thải nguy hại trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổng khối lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh đã đăng ký hơn 25.350 tấn/năm (chiếm 77,7% lượng phát sinh), trong đó lượng chất thải nguy hại đã đăng ký hơn 3.350 tấn/năm (chiếm 63,4 % lượng phát sinh). Tổng diện tích kho lưu giữ phế thải, phế liệu của các cơ sở là 25.000m2 và lớn nhất là 500m2.

Hiện nay, 100% các khu công nghiệp chưa có điểm tập trung thu gom chất thải rắn theo quy định. Chất thải rắn công nghiệp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh do doanh nghiệp chủ động thu gom, lưu giữ và thuê đơn vị có chức năng xử lý. Trong khi đó, chất thải công nghiệp không nguy hại, các doanh nghiệp thường bán các đơn vị thu mua phế liệu trong và ngoài tỉnh.

Đối với chất thải nguy hại, hầu hết các doanh nghiệp thuê các đơn vị có giấy phép hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại chuyển đi.

Một số doanh nghiệp có lượng chất thải nguy hại phát sinh nhỏ đã lựa chọn phương pháp lưu giữ tạm thời tại cơ sở, việc kiểm soát chất thải sau hợp đồng xử lý của các chủ nguồn thải gặp nhiều khó khăn (đặc biệt là các cơ sở ký hợp đồng với các đơn vị ngoài tỉnh để xử lý) dẫn tới nguy cơ làm phát tán chất thải nguy hại ra môi trường.

Theo số liệu điều tra thống kê, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 35 đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp.

Các đơn vị hoạt động dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn của tỉnh đã thu gom, vận chuyển khoảng 60-70% lượng chất thải rắn công nghiệp phát sinh trong các khu công nghiệp.

Lượng chất thải rắn công nghiệp còn lại do các doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang… vận chuyển và xử lý.

Các doanh nghiệp thu gom, vận chuyển chất thải rắn cơ bản mới được thành lập khoảng 5-7 năm nay, mục tiêu chủ yếu là thu mua chất thải rắn, phế liệu còn giá trị thương mại để bán lại, không có chức năng xử lý chất thải.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Hưng môi trường xanh, Công ty cổ phần Môi trường Thuận Thành đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Môi trường và đô thị Hà Ngọc đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt và các đơn vị đầu tư cơ sở tái chế phế liệu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ đủ năng lực xử lý khoảng 25% tổng lượng chất thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh và chiếm khoảng 37% trong các khu công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục