“Bác nông dân cũng có thể nghe giao hưởng”

Tôi tin một bác nông dân có thể nghe nhạc giao hưởng nếu có điều kiện. Tất nhiên, cách bác nông dân thưởng thức nhạc giao hưởng sẽ khác.
Sau nhiều lần điện thoại và hai lần gặp mặt, phóng viên Vietnam+ mới có được cuộc phỏng vấn hoàn chỉnh Giáo sư, nhạc sĩ Việt kiều Nguyễn Thiện Đạo. Lý do là người có “tầm vóc” như ông mỗi lần tranh thủ về Việt Nam đều quá bận rộn với những chương trình hòa nhạc lớn…

Thái độ thưởng thức nhạc hàn lâm chưa cao


Về Việt Nam, ông thấy nhu cầu và thái độ của công chúng với việc thưởng thức nhạc giao hưởng hiện nay có sự thay đổi thế nào?


GS Nguyễn Thiện Đạo:
Tôi có để ý và thấy rằng, hiện nay thái độ của công chúng đối với nhạc giao hưởng mới chỉ dừng ở mức độ giải trí, đây còn là đặc điểm của người nghe Á Đông. Đó chỉ là nhận định của cá nhân tôi thôi nhé, vì không chừng họ đúng đấy. Họ biện minh là tôi đi nghe để được giải trí, tại sao không?

Dùng chữ tổn thương thì không đúng lắm nhưng người nhạc công đòi hỏi được tôn trọng ở mức tối thiểu nào đó, buồn khi nhìn xuống và thấy khán thính giả người nói chuyện, người cắn hạt dưa, người lật xem tờ chương trình…

Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng trình độ và thái độ thưởng thức âm nhạc hàn lâm của công chúng ta chưa cao. Vấn đề không phải là họ “dốt.” Đến nghe nhạc hàn lâm không phải là ôm đầu và trí tuệ lúc nào cũng căng thẳng, vấn đề ở đây là thái độ lịch sự và thái độ tiếp nhận những tác phẩm ấy ra sao.

Nói thế lại đụng đến vấn đề giáo dục của xã hội, chúng ta phải làm thế nào nâng cao dân trí ở mọi tầng lớp.

Vậy nếu giáo dục được thì âm nhạc hàn lâm có thể đại chúng hóa?

GS Nguyễn Thiện Đạo: Tôi phải nói ngay, chúng ta không được mơ hồ và phải nhận định rằng nhạc giao hưởng bác học không thể nào đại chúng được. Chẳng phải vì nó cao siêu, vĩ đại hơn ca khúc.

Thế nhưng như ở nhiều quốc gia, công chúng không chỉ được tiếp cận âm nhạc đỉnh cao qua các buổi hoà nhạc trực tiếp, mà còn được tiếp xúc qua các bộ đĩa như Classical for Children, hay hãng Walt Disney có bộ đĩa Fantasia, kết hợp giữa nhạc giao hưởng-thính phòng với phim hoạt hình… Đó cũng là cách để dần dần đại chúng âm nhạc hàn lâm đấy chứ.


GS Nguyễn Thiện Đạo:
Xin trả lời ngay: Giáo dục, quen. Nghĩa là phải giáo dục để người ta quen nghe chứ không ở vấn đề thông minh mới nghe được âm nhạc hàn lâm. Ví dụ, nếu bạn có con, ở nhà bạn hãy cho con nghe nhạc giao hưởng đi. Lẽ đương nhiên, không thể nghe những tác phẩm cực kỳ khó ngay từ đầu được, mà phải từ từ.

Người ta hay nhầm, cứ nghĩ phải là nhà văn hóa vĩ đại hay phải có vốn trí tuệ to lớn thì mới nghe được âm nhạc đỉnh cao. Không phải vậy đâu nhé, tất cả đều quay lại vấn đề giáo dục mà thôi.

Nhưng chúng ta không được mơ hồ là thể loại nhạc này có thể đi vào tất cả mọi người. Vì thực ra, nó cũng đòi hỏi điều kiện là phong lưu. Thế này nhé, một bác nông dân mà tôi vô cùng kính trọng suốt ngày ở ngoài đồng, chân lấm tay bùn cả ngày thì thử hỏi lúc nào nghe nhạc giao hưởng bây giờ?

Nói vậy có nghĩa, muốn thưởng thức nhạc đỉnh cao không chỉ cần được giáo dục mà điều kiện vật chất cũng phải dư thừa?


GS Nguyễn Thiện Đạo:
Đúng vậy.

Liệu rằng một bác nông dân có thể…

GS Nguyễn Thiện Đạo:
Tôi tin một bác nông dân vẫn có thể thưởng thức nhạc giao hưởng được nếu người đó có điều kiện. Tất nhiên, cách một bác nông dân thưởng thức nhạc giao hưởng cũng sẽ khác… Âm nhạc là ngôn ngữ của linh hồn.

Hát ca khúc trên nền nhạc hàn lâm là... phá phách


Qua những buổi hoà nhạc trong nước do ông chỉ huy, ông đánh giá đa số người nghe có thực sự hiểu cái hay, cái đẹp của âm nhạc cổ điển, hàn lâm?

GS Nguyễn Thiện Đạo: Tôi xin kể lại một kỷ niệm như thế này. Đó là lần đầu tiên biểu diễn vở balê Trương Chi do tôi sáng tác âm nhạc. Sau 40 phút, vở balê kết thúc thì phía dưới khán giả ồ lên và vỗ tay rất lâu khiến tôi cũng ngỡ ngàng và sung sướng. Vì phải nói thật, ngay cả ở Tây Âu cũng ít khi nào có được phản ứng đẹp như thế.

Tôi tò mò không hiểu một người như ông có bao giờ nghe nhạc trẻ không?

GS Nguyễn Thiện Đạo: Nói rằng nghe để mà thích thú và tìm hiểu thì thú thật tôi không có thì giờ lắm. Đôi lúc bật đài lên cũng không tránh khỏi mình phải nghe. Thỉnh thoảng tôi cũng có nghe Mỹ Linh, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương… để nắm bắt tình hình.

Nhân tiện ông nhắc tới ca sĩ Mỹ Linh, tôi cũng muốn hỏi, trong album “Chat với Mozart” cô ấy đã thể hiện các ca khúc trên nền các bản nhạc cổ điển… Theo ông đó có phải là sự sáng tạo không?


GS Nguyễn Thiện Đạo:
Nếu đứng trên phương diện hàn lâm thực sự, tôi không thấy thích thú chút nào với cái cách người ta “xập xình” hóa những bản nhạc kinh điển. Nhưng với mục đích muốn quảng bá nhạc hàn lâm, kinh điển cho đại chúng thì cũng không phải là dở.

Khi nhìn nhận một vấn đề thẩm mỹ chúng ta cần đến sự quảng đại và bình tĩnh hơn để biết những điểm nào tốt và những điểm chưa được mỹ mãn mà sửa chữa.

Nói vậy tức là chúng ta cũng nên bình tĩnh nhìn nhận việc một số ca sĩ trẻ đã có ý thức đưa âm nhạc cổ điển vào sử dụng trong những ca khúc của mình. Đó là cách giúp công chúng có cơ hội tiếp cận âm nhạc hàn lâm và đó cũng là sự đóng góp của họ đấy chứ ạ.

GS Nguyễn Thiện Đạo:
Ồ, tại sao không! Nhưng mà thế này, thường người ta hay tìm những cái tên gọi giật gân như “Chat với Mozart” chẳng hạn, mà tôi nghĩ rằng nó thật thiếu khiêm tốn. Vì Mozart là một thiên tài vĩ đại cơ mà.

Nhưng tôi cũng rất thông cảm với Linh vì không chừng có cái tên đó mới “câu” khách được. Ở đây tôi muốn nói rằng, ngôn từ mình dùng cần khiêm tốn, chừng mực thôi.

Nhưng vấn đề ở đây là người ta hát nhạc trẻ mà lại có ý thức đưa âm nhạc hàn lâm vào. Ông có cho rằng làm như vậy là sáng tạo?


GS Nguyễn Thiện Đạo:
Không, tôi nghĩ họ đã lợi dụng những giai điệu đẹp của hàn lâm để phục vụ cho mình. Nhìn với con mắt chuyên nghiệp về hàn lâm thì đây như một sự phá phách và nó rất có hại.

Nhưng nói vậy không có nghĩa tôi giỏi hơn, hay hơn đâu nhé, mà là tôi nhìn như thế. Bởi rất có thể với người nào không có nhu cầu tìm hiểu gì nhiều về âm nhạc đỉnh cao họ lại thích thì sao.

Mình cũng cần nhìn dưới hai khía cạnh. Một là nhờ đó mà nhạc hàn lâm được quảng bá. Nhưng mặt khác nó cũng có hại cho nhạc hàn lâm vì người ít am hiểu về âm nhạc hàn lâm và ít được nghe nhạc hàn lâm đúng nghĩa sẽ chỉ quen nghe những giai điệu như thế.

Đã chỉ huy nhiều dàn nhạc quốc tế cũng như trong nước, vậy theo ông một nhạc trưởng giỏi phải là người thế nào?


GS Nguyễn Thiện Đạo: Là người điêu khắc bản nhạc trong không gian.

Xin cảm ơn ông./.

Giáo sư - nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã có tên trong hai cuốn từ điển danh nhân lớn nhất của Pháp: “Le Petit Larousse” và “Le Petit Robert” cùng một số cuốn khác như “Who’s who?” (Mỹ) và “Who’s who in music” (Anh). Trong cuốn từ điển “Le Petit Larousse” danh giá, chỉ có 3 người Việt Nam được ghi danh là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo.

Tài năng của GS, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo tỏa sáng rực rỡ, năm 1983, ông đã vinh dự được Viện Hàn lâm Mỹ thuật Pháp trao giải thưởng “André Caplet”. Ông cũng được Chính phủ Pháp tặng Huân chương “Chevalier des Arts et des Lettres”.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục