Bắc Triều Tiên muốn đối thoại để phát triển kinh tế

Bắc Triều Tiên tuyên bố đối thoại là con đường duy nhất tránh chiến tranh, loại bỏ đối kháng và cải thiện quan hệ 2 miền Triều Tiên.
Trang web "Bình luận Trung Quốc" của Hongkong ngày 9/2 đăng bài của nhà phân tích Tiêu Cầm Tranh cho biết ngày 28/1 vừa qua, Bắc Triều Tiên tuyên bố đối thoại và đàm phán là con đường duy nhất tránh chiến tranh, loại bỏ đối kháng và cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Vì thế Hàn Quốc nên chấp nhận đề nghị đối thoại của CHDCND Triều Tiên. Động thái này là nhằm phối hợp với việc Bắc Triều Tiên thúc đẩy một cách thận trọng những cải cách về mặt kinh tế được họ gọi là “điều chỉnh kinh tế.”

Theo Tiêu Cầm Tranh, sự điều chỉnh kinh tế sớm nhất của Bắc Triều Tiên diễn ra trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại. Năm 1984, CHDCND Triều Tiên đưa ra Luật Hợp doanh, được coi là thử nghiệm cải cách kinh tế đầu tiên.

Sau đó vào năm 1991, thử nghiệm cải cách kinh tế lần thứ hai đã diễn ra với việc thành lập Khu Kinh tế thương mại tự do ở Rajin.

Thử nghiệm cải cách kinh tế lần thứ ba của CHDCND Triều Tiên nằm ở lĩnh vực vật giá và tiền lương. Tháng 7/2002, CHDCND Triều Tiên đã hạ quyết tâm rất lớn trong việc loại bỏ chế độ cung ứng theo định lượng, các loại thực phẩm chính và thực phẩm phụ bắt đầu được cung ứng rộng rãi. Bắc Triều Tiên cũng loại bỏ chế độ giá cả hàng hóa cố định, chuyển sang xác định giá cả hàng hóa theo tình hình cung cầu.

Các biện pháp cụ thể mà CHDCND Triều Tiên áp dụng bao gồm tăng mạnh giá hàng hóa, nâng cao tiền lương, khôi phục việc phát hành trái phiếu, sáp nhập ngân hàng, chỉnh đốn xí nghiệp, loại bỏ hạn chế đối với thị trường của người nông dân, coi trọng việc thông tin hóa, tiếp tục thúc đẩy hợp tác liên Triều, cùng với Hàn Quốc khai thác và phát triển khu du lịch núi Kim Cương, xây dựng khu công nghiệp Kaesong cũng như các hạng mục hợp tác, nối tuyến đường sắt Đông-Tây giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, trẻ hóa, tri thức hóa và chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ…

Các biện pháp mà CHDCND Triều Tiên đề ra để cải cách kinh tế đã mang lại hiệu quả trên cả hai mặt: tích cực và tiêu cực. Ở khía cạnh tích cực, chúng đã giảm sự bao cấp của nhà nước, mở thêm kênh mua hàng hóa và lương thực cho nhân dân, tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên chức, nâng cao tính tích cực và hiệu quả sản xuất của người lao động.

Tháng 8/2004, phóng viên Nhật Bản đưa tin cải cách kinh tế của Bắc Triều Tiên đã tạo ra diện mạo mới. Phóng viên này cho rằng sau hai năm thực hiện chính sách cải thiện quản lý kinh tế, hàng hóa đã được bày bán la liệt ở các chợ nông sản ở Bình Nhưỡng.

Đương nhiên, điều chỉnh kinh tế cũng mang đến một số hậu quả tiêu cực như lạm phát tăng do thiếu đầu vào sản xuất. Tuy vậy, CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành cải cách kinh tế. Bắt đầu từ năm 2008, Bắc Triều Tiên đã coi việc xây dựng đất nước trở thành “nước lớn cường thịnh” là mục tiêu cụ thể.

Nửa cuối năm 2010, sau khi người kế vị ông Kim Jong Il về cơ bản đã được xác định, quá trình điều chỉnh kinh tế của nước này vẫn tiếp tục. Nhưng dư luận cho rằng do thiếu quan chức có tư tưởng cải cách trong số thành viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, nên vẫn phải có thời gian để quan sát xem CHDCND Triều Tiên có thực hiện bước cải cách kinh tế lớn nào hay không.

Dẫu vậy, xuất phát từ thực tiễn cải cách thành công ở Trung Quốc và Việt Nam, theo một số nhà kinh tế, việc từng bước thực hiện chính sách kinh tế mở cửa đối ngoại là con đường duy nhất để CHDCND Triều Tiên thoát khỏi khó khăn về kinh tế.

Bên cạnh đó, tuy các bước cải cách kinh tế của Bắc Triều Tiên không nhanh và không lớn, nhưng xét về tổng thể nước này rất coi trọng sự phát triển kinh tế, đặt sự phát triển kinh tế lên ngang hàng với chính trị-quân sự và cải cách kinh tế vẫn sẽ được thúc đẩy.

Đặc biệt, dư luận cho rằng Bắc Triều Tiên có thể sẽ sử dụng lại nhân vật thuộc phái cải cách, khi người ta thấy xuất hiện cựu Thủ tướng Pak Pong-ju trong đoàn tháp tùng ông Kim Jong Il tới thị sát nhà máy sản xuất bít tất ở Bình Nhưỡng vào cuối năm 2010.

Năm 2011 vừa bắt đầu, CHDCND Triều Tiên lại đề ra Kế hoạch Chiến lược Phát triển kinh tế quốc gia 10 năm, thành lập Tổng cục Phát triển Kinh tế Quốc gia, toàn quyền phụ trách việc thực thi các hạng mục thuộc chiến lược phát triển kinh tế quốc gia.

Kế hoạch Chiến lược Phát triển Kinh tế Quốc gia 10 năm của CHDCND Triều Tiên đã được chính phủ nước này phê chuẩn, với trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển theo khu vực và các ngành công nghiệp cơ sở như điện lực, khai thác than, dầu mỏ, kim loại…, mở ra khả năng trở thành nước lớn cường thịnh vào năm 2012 và viễn cảnh trở thành nước phát triển vào năm 2020.

Chính phủ CHDCND Triều Tiên đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Đầu tư Quốc tế Taepung Triều Tiên triển khai tất cả các dự án lớn trong khuôn khổ Kế hoạch trên.

Nếu như tình hình trong và ngoài nước phát triển theo hướng hòa hoãn, đặc biệt là các nước phương Tây và các nước đồng minh Đông Bắc Á do Mỹ đứng đầu có thể nới lỏng các biện pháp chế tài kinh tế và chính sách “ức hiếp,” nhà phân tích Tiêu Cầm Tranh cho rằng cùng với sự quá độ của chính quyền, CHDCND Triều Tiên có hy vọng tiếp tục bước những bước vững vàng trên con đường điều chỉnh kinh tế.

Giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên vẫn mong muốn hội nhập hòa bình vào cộng đồng quốc tế để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Việc thực hiện bình thường hóa quan hệ, tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ được nước này cho là khâu then chốt để thực hiện mong muốn đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục