Bài 1: ĐBS Cửu Long bị tổn thương nghiêm trọng do biến đổi khí hậu

Mỗi năm, biến đổi khí hậu khiến Đồng bằng sông Cửu Long mất đi hàng trăm nghìn hécta đất trồng lúa, bên cạnh đó là tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô và ngập lụt trong mùa mưa.
Bài 1: ĐBS Cửu Long bị tổn thương nghiêm trọng do biến đổi khí hậu ảnh 1Sạt lở nghiêm trọng tại huyện Năm Căn, Cà Mau do biến đổi khí hậu. (Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN)

Biến đổi khí hậu làm nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn hơn, đồng thời hoạt động thủy điện ở lưu vực thượng nguồn sông Mekong dẫn đến dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế gây ra khô hạn nhiều dòng sông thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, nước mặn xâm nhập sâu vào vùng đất liền ngày một trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trồng trọt tại châu thổ này.

Theo thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Văn phòng phía Nam Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất trồng trọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng lo ngại là diện tích lúa có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân vào cuối vụ và lúa Hè Thu xuống giống ở các tỉnh ven biển, với khoảng 200.000ha lúa trong hệ thống canh tác lúa tôm các tỉnh ven biển bị ảnh hưởng như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Hiện có hơn 900.000ha lúa Đông Xuân, chiếm hơn 60% diện tích toàn vùng, tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang có khả năng bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Đối với vụ lúa Hè Thu, biến đổi khí hậu cũng sẽ làm ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống khoảng 300.000ha xuống giống theo nước trời ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.

Biến đổi khí hậu cũng gây khô hạn cục bộ cho 500.000ha xuống giống lúa Hè Thu trong tháng Tư hàng năm. Cùng với đó, lũ sông Mekong cũng ảnh hưởng đến 600.000ha lúa tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, một phần Cần Thơ.

Biến đổi khí hậu và phát triển thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong sẽ tác động mạnh hơn đến sản xuất trồng trọt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là ảnh hưởng đến quá trình trổ, chín của lúa Đông Xuân do thiếu nước, gây khô hạn ảnh hưởng đến thời vụ lúa Hè Thu.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng gián tiếp làm rối loạn các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, suy giảm năng suất lúa. Về lâu dài làm cho đất trồng lúa bị nhiễm mặn khó cải tạo.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, Hậu Giang có diện tích tự nhiên là hơn 160.000ha, chiếm 4% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long. Do đặc thù của tỉnh là vùng chuyên canh nông nghiệp nên Hậu Giang rất dễ bị tổn thương bởi tình hình biến đổi khí hậu.

Đến nay, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều bị mặn xâm nhập hay hạn hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Về lâu dài, tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp của tỉnh như làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng, cơ cấu nông nghiệp như cây trồng, vật nuôi có thể bị thay đổi nhiều, giảm đa dạng cây trồng nghiêm trọng.

Theo ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nước biển dâng và sự thay đổi dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ vào Đồng bằng sông Cửu Long đang làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, rạch gia tăng nghiêm trọng. Do đó, khả năng thoát nước ra biển giảm và đỉnh lũ tăng thêm; uy hiếp sự an toàn của các tuyến đê biển, đê sông, bờ bao và việc tự chảy sẽ hết sức khó khăn, diện tích và thời gian ngập úng tăng lên tại nhiều khu vực.

Mặn xâm nhập sâu vào nội địa, các cống hạ lưu ven sông sẽ không còn khả năng lấy nước ngọt vào đồng ruộng. Chế độ dòng chảy sông, rạch tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thay đổi theo hướng bất lợi. Vì vậy, các công trình thủy lợi sẽ hoạt động trong điều kiện khác với thiết kế ban đầu, làm cho năng lực phục vụ của các công trình giảm hoặc phải thay đổi thiết kế, làm tăng chi phí đầu tư nâng cấp, sửa chữa và làm mới.

Cũng theo ông Trần Văn Khởi, đang diễn ra sự gia tăng nhiệt độ cả năm, trong đó nhiệt độ các tháng mùa mưa có xu hướng tăng cao hơn các tháng mùa khô cùng sự thay đổi lượng mưa, trong đó lượng mưa các tháng trong mùa khô có thể giảm và ngược lại.

Ngoài ra, cũng như lượng mưa trong các tháng mùa mưa có xu hướng tăng so trung bình nhiều năm sẽ làm cho tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô và ngập lụt trong mùa mưa có thể xảy ra trầm trọng hơn ở nhiều nơi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiêm trọng hơn, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mặn sẽ thường xuất hiện sớm hơn so trước đây từ 1-1,5 tháng. Trước đây, mặn từ tháng Hai, nay cuối tháng 12, đầu tháng Một đã xuất hiện mặn, nhất là mặn có thể kéo dài 6 tháng hoặc hơn do các hồ thượng nguồn sông Mekong tích nước sớm.

Hơn nữa, đầu mùa khô nồng độ mặn có thể lớn hơn giữa mùa khô, ngược lại với quy luật xâm nhập mặn trước đây.

Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết, dự báo do hoạt động tích nước của các hồ thủy điện thượng nguồn nên lũ sẽ về muộn hơn và số năm lũ vừa và lũ nhỏ sẽ tăng lên đáng kể. Số năm dòng chảy xuống thấp ngay từ đầu mùa khô có thể tăng gấp 4 lần và số năm dòng chảy xuống thấp ở đầu mùa mưa tăng gấp 2 lần so hiện nay.

Điều này làm mặn đến sớm và rút muộn cũng như mặn bất thường gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của cả 2 vụ lúa chính Đông Xuân và Hè Thu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo dự báo, tác động biến đổi khí hậu, trong tương lai gần xu thế ngập lũ và triều trên vùng đồng bằng ven biển gia tăng trái ngược lại với xu thế thay đổi diễn biến lũ đến từ thượng nguồn.

Hoạt động tích nước của các hồ thủy điện thượng nguồn sông Mekong nên lũ sẽ về Đồng bằng sông Cửu Long muộn hơn và số năm lũ vừa và lũ nhỏ sẽ tăng lên đáng kể.

Ước tính hàng năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi hàng trăm nghìn hécta đất trồng lúa.

Hiện tượng El Nino, Lanina ngày càng tác động mạnh mẽ làm cho thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt. Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước những nguy cơ tổn thất rõ rệt, nhất là bị ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, khu vực này cần có những giải pháp chủ động, phù hợp và kịp thời hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục