Bài 1: Hệ thống đê điều ở Hà Nội tồn tại nhiều bất cập

Gần đây, hệ thống đê Hà Nội tồn tại nhiều bất cập, tình trạng vi phạm Pháp lệnh đê điều xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa an toàn thân đê.
Bài 1: Hệ thống đê điều ở Hà Nội tồn tại nhiều bất cập ảnh 1Kè đá đê hữu Hồng. (Ảnh: Bùi Tường/TTXVN)

Hệ thống đê điều đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như an toàn phòng chống lũ trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống đê của Hà Nội tồn tại nhiều bất cập, thậm chí tình trạng vi phạm Pháp lệnh đê điều xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa an toàn thân đê.

Do đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy hoạch đê điều đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, việc thông qua quy hoạch này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến hàng vạn hộ dân khu vực ngoài đê sông Hồng...

Bức tranh tổng thể

Hệ thống đê điều của Hà Nội gồm gần 800km đê, 136 kè với tổng chiều dài 167km bảo vệ bờ sông, 190 cống dưới đê, 234 cửa khẩu qua đê, 367 điếm canh đê, 84 kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, 279 giếng giảm áp, 17 trụ sở Hạt quản lý đê, 2 công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy; đặc biệt có 37,709km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm Thành phố.

Cao trình đê chính cơ bản chống được lũ thiết kế theo từng tuyến sông tương ứng còn cao trình đê bối cơ bản chống được lũ báo động II. Nhiều năm qua, hệ thống đê của Hà Nội đã được đầu tư, tu bổ, cơ bản đảm bảo an toàn, chống được lũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Tuy nhiên, ở các tuyến đê Tả Tích, Tả Bùi, Hữu Bùi, Vân Cốc, Hữu Đáy, đoạn dưới đường 6 chưa đủ cao trình chống lũ thiết kế và mặt cắt ngang theo yêu cầu. Một số đoạn mặt đê chính bị xuống cấp; một số đoạn của đê Hữu Bùi, Mỹ Hà chưa được cứng hóa; các tuyến đê Hữu Bùi, Hữu Đáy, Tả Tích, Tả Bùi còn một số đoạn bị chia cắt bởi các đồi, gò cao gây khó khăn cho quản lý. Một số đoạn đê sát sông, dễ xảy ra sự cố khi xuất hiện lũ lớn như Khê Thượng, Phong Vân, Xuân Canh, Thanh Am, Tình Quang…

Đoạn cửa vào sông Đuống bị xói lở, uy hiếp đến an toàn đê Tả Đuống. Chất lượng đê vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, có những khu vực bị mạch đùn, mạch sùi nguy hiểm; thẩm lậu, rò rỉ lớn; điếm canh đê xuống cấp; chưa được trồng tre chắn sóng; xói lở lòng sông, bờ sông.

Một số đoạn đê chưa đáp ứng được yêu cầu giao thông, hầu hết các tuyến đê chưa đáp ứng yêu cầu về tải trọng xe, nhiều điểm cong gấp, co hẹp cục bộ như Cẩm Đình, Liên Mạc, Thổ Khối, có 92,16km đê qua khu dân cư chưa có đường hành lang.

Hệ thống đê Hà Nội từ đầu thế 20 đến nay đã xảy ra sáu sự cố vỡ đê, trong đó có hai năm lũ lịch sử vào năm 1945 và năm 1971 đã gây ra nhiều thiệt hại về người về của. Mặc dù không xảy ra sự cố vỡ đê chính nhưng một số năm gần đây, mưa lớn đã gây tràn nhiều đoạn trên tuyến đê khu vực phân lũ như đê Tả, Hữu Bùi, đê Hữu Tích vào năm 2008 và 2013.

Bên cạnh đó, số lượng dân cư sinh sống ở ven đê và ngoài bãi sông nhiều với tổng số hơn 100.000 hộ, trong đó có 37.000 hộ nằm trong hành lang thoát lũ và hành lang bảo vệ đê. Hiện nay, khu vực này chỉ được cấp phép cải tạo, không cấp phép xây dựng mới.

Do tình trạng buông lỏng quản lý bảo vệ đê điều còn xảy ra ở một số địa phương, nên từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 2.000 vụ vi phạm, trong đó mới xử lý được 860 vụ. Hiện tượng xe quá tải trọng đi trên đê còn xảy ra phổ biến trên tất cả các tuyến đê.


Cần trên 31.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê điều và phòng chống lũ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến vi phạm đê điều lâu nay không được xử lý dứt điểm, một phần cũng là do Hà Nội chưa có quy hoạch đê điều, Luật Đê điều mới chỉ có hiệu lực từ đầu năm 2007 trong khi nhà dân được xây dựng từ trước đó.

Do vậy, việc Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua quy hoạch đê điều trên địa bàn thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 có ý nghĩa rất lớn đối với người dân cũng như nhà quản lý.

Quy hoạch đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội từ 2014 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn phòng, chống lũ thiết kế cho từng tuyến sông theo quy hoạch phòng chống lũ được phê duyệt; đồng thời tăng cường quản lý, chống lấn chiếm trong hàng lang thoát lũ; đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư và kế hoạch thực hiện hàng năm với tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống đê điều và phòng chống lũ khoảng hơn 31.000 tỷ đồng.

Phạm vi lập quy hoạch gồm các tuyến đê chính, đê bao, đê bối, đê chuyên dùng trên các tuyến sống Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Công, sông Tích, sông Bùi, sông Mỹ Hà thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội. Quy hoạch các tuyến đê Vân Cốc, Ngọc Tảo, La Thạch, Tiên Tân và đê điều sông Đáy sử dụng kết quả của Quy hoạch phòng chống lũ.

Ông Hoàng Thanh Vân cho biết, điểm mới nhất của bản quy hoạch đê điều thông qua lần này chính là xây dựng hệ thống đê bối cách đê cũ một khoảng không gian nhất định tùy theo các tuyến đê. Khi hệ thống đê bối được xây dựng thì những người dân sống ngoài đê sẽ nằm trong đê bối. Cùng với đó Hà Nội sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hệ thống đường giao thông cho nhân dân không ảnh hưởng đến hệ thống hành lang thoát lũ của miền Bắc.

Sau khi được Hội đồng Nhân dân thông qua quy hoạch này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn thiện trên cơ sở góp ý của các đại biểu, kể cả ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục