Tuyển sinh đại học 2022: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi

Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực

Sức nóng của mùa tuyển sinh 2022 đã thể hiện ngay ở những đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên khi số lượng thí sinh đăng ký quá tải so với quy mô tổ chức.
Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực ảnh 1Thí sinh dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Năm 2022, hàng trăm trường đại học, cao đẳng đăng ký sử dụng điểm các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh trong khi chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển truyền thống là điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm mạnh. Các trường đều có nhiều phương thức xét tuyển, đa phần từ bốn phương thức trở lên trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điều chỉnh quy chế xét tuyển.

Sức nóng của mùa tuyển sinh 2022 đã thể hiện ngay ở những đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên khi số lượng thí sinh đăng ký quá tải so với quy mô tổ chức của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong khi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phải mở rộng địa điểm thi gấp hơn 2,4 lần so với năm 2021.

Những biến động của mùa tuyển sinh 2022 sẽ được phản ánh cụ thể trong loạt bài: "Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực."

Bài 1: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi

Đại học Quốc gia Hà Nội “cháy hàng” khi có 8.500 chỗ thi mà có tới 27.000 thí sinh muốn đăng ký; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tăng đến hơn 11.000 thí sinh dự thi và địa bàn tổ chức thi được mở rộng gấp 2,4 lần so với năm 2021...

Mùa tuyển sinh đại học năm 2022 đã bắt đầu một cách nóng bỏng và sôi động với các đợt thi đầu tiên của các kỳ thi đánh giá năng lực đồng thời phản ánh biến động tuyển sinh lớn trong năm nay khi thêm nhiều trường tổ chức thi riêng, hàng trăm trường sử dụng kết quả các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Các bài thi riêng “đắt khách”

Năm 2022 là năm đầu tiên khối trường công an tổ chức bài thi tuyển sinh riêng và thực hiện xét tuyển bằng cách kết hợp giữa điểm kỳ thi riêng này và điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho các trường trực thuộc.

Đề thi dự kiến gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận, mỗi phần 90 phút. Trong đó, phần trắc nghiệm tổng hợp kiến thức của nhiều môn, cả các môn tự nhiên và xã hội. Phần thi tự luận, thí sinh được chọn một trong hai đề Toán và Ngữ văn. Nội dung kiến thức chủ yếu tập trung ở chương trình lớp 12.

Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực ảnh 2Bài thi đánh giá năng lực của các trường thu hút đông đảo thí sinh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Năm 2022 dự kiến cũng sẽ là năm đầu tiên các trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Các kỳ thi này đã được các trường chủ trương thực hiện từ năm 2021 nhưng chưa thể thực hiện vì dịch COVID-19 và có nhiều điểm tương đồng. Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 6 bài thi, mỗi bài thi đánh giá năng lực một trong các lĩnh vực toán học, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh. Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội ngoài 6 bài thi trên còn có thêm hai bài thi là lịch sử và địa lý. Ở cả hai kỳ thi, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi này để đăng ký xét tuyển vào các ngành học của trường.

Trong khi đó, các trường đã tổ chức thi riêng các năm trước như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Việt Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn tiếp tục tổ chức trong năm 2022 với quy mô tổ chức và sức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều.

Nếu như các năm trước, kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu xét tuyển của các đơn vị thành viên thì năm 2022, số trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển hiện đã lên đến 65 trường. Tương tự, số trường sử dụng điểm bài thi kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển là trên 20 trường. Với kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, con số này là 84 trường, tăng 12 trường so với năm 2021, chưa kể những trường có sử dụng nhưng không đăng ký chính thức.

Lý giải về việc tổ chức thi riêng và sử dụng kết quả các kỳ thi riêng, lãnh đạo các trường cho hay điều này nhằm giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của trường, đặc biệt trong bối cảnh điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã giảm độ phân hoá trong những năm gần đây, gây khó khăn trong xét tuyển, nhất là với các ngành, trường tốp trên. “Việc tổ chức kỳ thi riêng sẽ thuận lợi hơn trong công tác xét tuyển đồng thời giúp các trường tuyển được những thí sinh có các tố chất riêng phù hợp với đặc thù của khối ngành công an,”  thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đào tạo (Bộ Công an) nói.

Biến động tuyển sinh đại học 2022: Thêm cơ hội, tăng áp lực ảnh 3Tỷ lệ bài thi đạt từ 8 điểm trở lên (riêng môn Ngữ văn thống kê từ 7 điểm) của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2020 đã tăng gấp nhiều lần ở tất cả các môn so với các năm trước đó.

Điểm thi giảm độ phân hoá nên năm 2022, nhiều trường đã tiếp tục cắt giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo điểm của kỳ thi này. Đại học Giao thông Vận tải dự kiến cắt giảm khoảng 30% chỉ tiêu, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân dự kiến chỉ dành 10-20% chỉ tiêu cho phương thức này.

Quá tải thí sinh đăng ký dự thi

Việc các trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp và hàng trăm trường xét tuyển bằng điểm các bài thi riêng khiến cho số lượng thí sinh đăng ký dự các kỳ thi này để tìm kiếm cơ hội trúng tuyển tăng mạnh ngay trong những đợt thi đầu tiên của năm 2022.

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay đơn vị này đặt chỉ tiêu có hơn 50.000 lượt thí sinh dự thi Đánh giá năng lực trong năm nay và xây dựng quy mô tổ chức có thể đáp ứng được hơn 70.000 lượt thi, chia thành nhiều đợt thi.

Tuy nhiên, nhu cầu của thí sinh đăng ký dự thi vẫn vượt quá quy mô dự tính của Đại học Quốc gia Hà Nội dẫn đến hiện tượng nhiều thí sinh không thể đăng ký dự thi. Ngày 9/3, đơn vị này mở cổng cho thí sinh đăng ký dự thi đợt thi số 205 với 8.500 chỗ thi nhưng số thí sinh truy cập để đăng ký lên đến hơn 27.000 em. Thậm chí, số tài khoản chờ sẵn trước khi mở cổng đăng ký đã là 15.000 thí sinh. Vì vậy, hàng chục nghìn em đã thể đăng ký dự đợt thi này. “Đầu tháng Tư, chúng tôi sẽ mở cổng cho thí sinh đăng ký đợt thi tiếp theo và dự kiến cũng sẽ lấp đầy rất nhanh,” ông Thảo nói.

[Trên 1.100 thí sinh thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia Hà Nội]

Với thực tế này, giáo sư Nguyễn Tiến Thảo ước lượng nhu cầu dự thi của thí sinh trong năm 2022 có thể lên 150.000 lượt. “Tuy nhiên, do kỳ thi được tổ chức trên máy nên không thể tăng quy mô đơn giản như thi trên giấy mà đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn chu đáo từ trước. Nếu thi trên giấy, thí sinh có thể đăng ký trước, sau đó trường mới chuẩn bị chỗ thi thì với thi trên máy, trường phải chuẩn bị chỗ thi trước, đủ số lượng máy, rồi mới mở cổng tiếp nhận thí sinh đăng ký đến khi kín chỗ,” ông Thảo nói.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận số lượng thí sinh tăng mạnh trong đợt 1 được tổ chức ngày 27/3 vừa qua, với 79.389 thí sinh dự thi, tăng hơn 11.000 em so với đợt 1 năm 2021, tăng gần 30.000 em so với đợt 1 năm 2020. Đơn vị này đã phải tổ chức ở 80 điểm thi tại 36 cụm thi ở 17 tỉnh, thành phố trong khi đợt 1 năm 2021, kỳ thi chỉ tổ chức ở 7 tỉnh, thành với 21 cụm thi, 65 điểm thi. “Do tổ chức thi trực tiếp trên giấy nên chúng tôi hoàn toàn có thể tăng quy mô bằng cách phối hợp tổ chức với nhiều trường ở nhiều địa phương để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh,” tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Sự “lên ngôi” của các kỳ thi riêng, đặc biệt là thi đánh giá năng lực, thi kiểm tra tư duy đã lập tức kéo theo sự sôi động của thị trường sách tham khảo, tài liệu, các khoá ôn luyện phục vụ nhu cầu của thí sinh.

Mời độc giả đón đọc cả chùm bài:

Bài 1: Bài thi đánh giá năng lực lên ngôi

Bài 2: Ma trận thông tin luyện thi đánh giá năng lực bủa vây thí sinh

 Bài 3: Học sinh, giáo viên căng mình ôn luyện cho nhiều kỳ thi

Bài 4: Lo thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục