Cổ phần hóa: ‘Ông lớn’ bị chê do thiếu bà mối mát tay?

Bài 2: Cổ phần hóa –‘Ông lớn’ bị chê do thiếu bà mối mát tay?

Điểm lại các thương vụ IPO lớn không thành công, có thể thấy hoàn toàn thiếu vắng sự tham dự của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bài 2: Cổ phần hóa –‘Ông lớn’ bị chê do thiếu bà mối mát tay? ảnh 1 IPO tại Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chỉ thu về vẻn vẹn 8,8 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN)

Đặc điểm chung, các phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của những tập đoàn, tổng công ty cung cấp ra thị trường lượng cổ phần quá lớn. Do đó, dù số lượng nhà đầu tư tổ chức và cá nhân rất đông song năng lực tài chính lại không đủ thẩm thấu nguồn cung khủng này.

Điểm lại các thương vụ IPO lớn không thành công thì hoàn toàn thiếu vắng sự tham dự của các nhà đầu tư nước ngoài.

[Ngành nông nghiệp sẽ sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn]

Những phiên đấu giá “đìu hiu”

Gần đây nhất, Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 219,6 triệu cổ phần (48,82% vốn điều lệ) với mức giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần.

Mặc dù trong phiên đấu giá có 229 nhà đầu tham dự, song tất cả đều là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Do đó, phiên đấu giá có thể nói là “thê thảm” khi số lượng bán ra chỉ đạt 790.900 cổ phần, tương đương 0,36% số cổ phần chào bán, giá trị tiền mặt thu về vẻn vẹn 8,8 tỷ đồng.

Trước đó, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BECAMEX - IDC) thực hiện IPO hơn 311 triệu cổ phần, giá khởi điểm 31.000 đồng/cổ phiếu. Và, mặc dù số lượng nhà đầu tư quan tâm cũng khá đông, 149 nhà đầu tư cá nhân và 9 nhà đầu tư tổ chức trúng thầu, nhưng số lượng cổ phần bán thành công chỉ đạt xấp xỉ 19 triệu đơn vị, tương đương 6,1% số cổ phần chào bán, thu về cho Nhà nước 588 tỷ đồng.

[Bức tranh tương phản trong nỗ lực thoái vốn Nhà nước năm 2017]

Tương tự, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thực hiện thoái 21,79% vốn điều lệ tại Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), tương ứng 96,23 triệu cổ phần, có giá khởi điểm 25.600 đồng/cổ phần. Song kết thúc phiên đấu giá, thay vì thu về 2.464 tỷ đồng như dự kiến, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phiếu và giá trị đạt gần 137 tỷ đồng.

Trường hợp “đau thương” hơn phải kể đến kế hoạch thoái vốn gần 71,6 cổ phần tại Maritime Bank, giá khởi điểm 11.900 đồng/cổ phiếu, của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vào ngày 18/1, tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tuy nhiên, VNPT đã phải thông báo hủy phiên bán vốn do không có nhà đầu tư nào đăng ký cho tới hết hạn nộp hồ sơ (ngày 27/12).

Bài 2: Cổ phần hóa –‘Ông lớn’ bị chê do thiếu bà mối mát tay? ảnh 2SCIC thoái 96,23 triệu cổ phần tại Vinaconex song chỉ bán được 5,3 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong nước. (Ảnh: TTXVN)


IPO chỉ đạt 5% cổ phần chào bán

Theo Báo cáo của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2017, hoạt động thoái vốn Nhà thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư hơn so với các phiên IPO. Cụ thể, trong 34 phiên đấu giá thì 28 phiên bán hết 100% số cổ phần chào bán, trong khi chỉ có 3/10 phiên IPO thành công.

Đại diện HNX chia sẻ, điểm sáng trong hoạt động thoái là có 28/34 phiên bán hết số cổ phần chào bán,đạt 169 triệu cổ phần trúng giá, số vốn thu về cho Nhà nước đạt trên 2.630 tỷ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm đạt 934 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trúng thầu trong các phiên thoái vốn thường là rất cao, có phiên nhà đầu tư đặt mua cao gấp từ  2 đến 4 lần so với mệnh giá và dĩ nhiên cao hơn nhiều so với giá trúng thầu khi IPO.

Kết quản thống kê tại các với các phiên IPO tại HNX cho thấy, tổng số cổ phần bán được tại 10 phiên trong năm chỉ đạt con số ít ỏi 13 triệu cổ phần, tỷ trọng tương ứng 5% số cổ phần chào bán, thu về cho Nhà nước hơn 133 tỷ đồng.

Xem nhẹ “bà mối”

Câu hỏi đặt ra, doanh nghiệp cần phải làm gì để những đợt gọi vốn đạt được sự thành công, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, một phần không nhỏ là câu chuyện của sự minh bạch chúng. Các công ty muốn thu hút được các nhà đầu tư lớn mà đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, thì các báo cáo công bố thông tin về doanh nghiệp phải rất đầy đủ.

Ông Hưng lưu ý, dù là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, nhà đầu tư tổ chức hay nhà đầu tư chiến lược họ phải được tôn trọng và quan trọng như nhau. Doanh nghiệp cần hoạch định một chính sách chung công bằng, hoạt động đấu giá phải do thị trường quyết định.

Ngoài ra, ông Hưng lưu ý một quan niệm phổ biến ở các doanh nghiệp bỏ ra nhiều chi phí để thực hiện song lại “tiết kiệm” chi phí tư vấn. Bởi theo ông, “trả phí tư vấn là một hình thức chi tiêu thông minh, hiệu quả nhất. Các định chế tài chính có kinh nghiệm, tên tuổi trong nước và quốc tế, họ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chọn được những nhà đầu tư phù hợp nhất và sẵn sàng trả giá cao nhất, như trường hợp gọi vốn thành công của Vinamilk hay Vincom Retail vừa qua là minh chứng.”

Về phía Nhà nước, để chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thành công, ngay những ngày đầu tiên của năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán đã khẳng định tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ, cho doanh nghiệp, là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng, đóng góp quan trọng vào công cuộc cổ phần hoá, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Nhằm mục tiêu thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, các cơ quan chức nămg sẽ tập trung ban hành cơ chế về thị trường, dựng sổ (Bookbuilding) nhằm cải tiến và thúc đẩy hoạt động đấu giá cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo tinh thần Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ,” ông chỉ đạo./.

Bài 3: Hậu thoái vốn: Không phải cứ doanh nghiệp Nhà nước là yếu kém

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục