Bài 2: Đóng tàu vươn khơi - Gỡ khó để người dân làm giàu từ biển

Bà con ngư dân đều mong muốn các ngân hàng thương mại xem xét việc xóa nợ hoặc khoanh nợ cũ để tạo điều kiện được tiếp cận với vốn vay mới để đóng tàu vươn khơi.
Bài 2: Đóng tàu vươn khơi - Gỡ khó để người dân làm giàu từ biển ảnh 1Đóng mới, nâng cấp tàu cá ở cơ sở đóng tàu Lâm Thành Phát, tành phố Rạch Giá. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Việc Chính phủ mới ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 11 này sẽ giúp các địa phương tháo gỡ bất cập thời gian qua.

Các tỉnh ven biển Nam bộ cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, giải ngân cho các chủ tàu. Lãnh đạo các tỉnh và chủ tàu mong muốn Chính phủ nới rộng hành lang pháp lý để mở rộng đối tượng được vay vốn đóng mới tàu thuyền vươn khơi, làm giàu cho quê hương.


Gỡ rối về vốn vay

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nợ cũ theo Quyết định 985 của Thủ tướng Chính phủ ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng..., ông Trần Ngọc Tồn, Trưởng Văn phòng đại diện Tây Nam bộ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết hiện ngư dân ở các tỉnh trên còn nợ vốn vay của Agribank theo Quyết định 985 hàng trăm tỷ đồng. Vì vậy, những hộ còn nợ cũ rất khó tiếp cận vốn vay mới theo Nghị định 67.

Ngân hàng Agribank đang cùng các bộ ngành, địa phương tìm cách xử lý dứt điểm khoản tồn vay này.

Nói về vấn đề này, bà con ngư dân ở Sông Đốc (Cà Mau), Gành Hòa (Bạc Liêu) và Trần Đề (Sóc Trăng) đều mong muốn các ngân hàng thương mại xem xét việc xóa nợ hoặc khoanh nợ cũ để tạo điều kiện được tiếp cận với vốn vay mới.

Phần lớn các chủ tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ ở các địa phương này đều có từ 2 đến hơn 10 chiếc tàu, nhưng chủ yếu là tàu vỏ gỗ có công suất nhỏ từ 90-300 CV. Chính sách của nhà nước hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới tàu thuyền có công suất máy trên 400CV là rất thiết thực, đảm bảo điều kiện đánh bắt xa bờ.

Ông Phạm Văn Mẫn, 63 tuổi ở thị trấn Trần Đề (Sóc Trăng), là chủ tàu mới được giải ngân vay đóng mới một tàu vỏ gỗ có công suất 400CV theo Nghị định 67 cho biết gia đình ông hiện có đội tàu bốn chiếc, nhưng đều có công suất dưới 400CV.

Nhờ có chương trình cho vay ưu đãi của nhà nước, ông đã quyết định vay để nâng cấp đội tàu của gia đình, đáp ứng khả năng đi biển xa, dài ngày. Theo ông Mẫn, chủ tàu ở thị trấn Trần Đề đều có nguyện vọng vay vốn nhưng do điều kiện về vốn đối ứng không đủ, cộng với nợ cũ các ngân hàng nên đành chịu.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, để tháo gỡ về việc thẩm định các điều kiện vay vốn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về trình tự, thủ tục, điều kiện cho các ngân hàng thương mại cho vay nhằm giúp chủ tàu dễ tìm hiểu, đồng thời xem xét điều chỉnh thủ tục vay vốn lưu động theo hướng nhanh, gọn, đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyến biển của chủ tàu.

Nghị định 89/2015/NĐ-CP mới được ban hành, đã sửa đổi một số hạn chế trong Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong đó có các quy định như thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chủ tàu thuộc đối tượng hưởng chính sách tín dụng theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.

Cho phép sử dụng vỏ tàu vật liệu mới và máy cũ

Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 9 của Nghị định 89/2015/NĐ-CP quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu; lựa chọn đơn vị có đủ năng lực thiết kế, đặt hàng thiết kế mẫu một số mẫu tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; phê duyệt và công bố các thiết kế mẫu tàu đã được lựa chọn; quy định về định mức kinh tế kỹ thuật duy tu sửa chữa định kỳ đối với tàu vỏ thép và hướng dẫn tổ chức thực hiện duy tu, sửa chữa định kỳ; quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá; hướng dẫn, lựa chọn địa phương thiết kế mẫu tàu khai thác và dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ gỗ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên phù hợp với nghề hoạt động và đặc trưng ngư trường, vùng miền; tổng hợp công bố thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ.

Việc cho phép và hướng dẫn các tiêu chuẩn đối với tàu sử dụng vỏ bằng vật liệu mới sẽ giúp các ngư dân ở từng vùng có thể lựa chọn loại vật liệu đóng tàu phù hợp với tập quán và ngư trường đánh bắt. Các cơ quan chức năng địa phương dễ hướng dân ngư dân làm các thủ tục cũng như xét duyệt.

Theo bà con ngư dân các tỉnh ven biển Nam bộ, hiện phần lớn các tàu thuyền đều sử dụng máy cũ được nhập từ Hoa Kỳ, có giá thành khoảng trên dưới 700 triệu đồng, trong khi quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP lại không cho sử dụng máy cũ nên làm tăng chi phí.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cho biết nhiều trường hợp được tỉnh duyệt hồ sơ cho vay vốn, nhưng khi chuẩn bị ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng lại đề xuất đổi máy tàu, nên mất thời gian thẩm định. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật của máy.

Để giải quyết vấn đề trên, Nghị định 89/2015/NĐ-CP đã được bổ sung nội dung Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam; trong đó có máy thủy đã qua sử dụng; quy định riêng về tiêu chuẩn máy thủy đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

Việc cho phép sử dụng máy đã qua sử dụng theo tiêu chí của Bộ Khoa học Công nghệ sẽ công bố trong thời gian tới. Theo đó, ngư dân sẽ tiếp kiệm được chi phí khi đóng mới, hoán cải tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Theo bà Hồng Cẩm Nương, chủ hãng tàu Hoàng An ở thị trấn Sốc Đốc (Cà Mau) cho biết gia đình bà rất muốn mua máy thủy Cummins đã qua sử dụng của Hoa Kỳ, bởi giá chỉ khoảng 750 triệu đồng, thay vì mua máy mới cũng hiệu này, nhưng do Trung Quốc sản xuất có giá gần 2 tỷ đồng. Chính vì đổi máy tàu nên hồ sơ vay vốn của bà đã bị chậm lại, trong khi con tàu đã đóng được hơn một nửa công trình.

Ngoài ra, trong Nghi định 89/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới như lãi vay, thời gian tính lãi vay; hỗ trợ phí bảo hiểm thuyền viên, thân tàu, máy tàu... được nới rộng hơn trước.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu cho biết khó khăn nhất vẫn là việc thiếu các cơ sở đóng tàu có đủ trang thiết bị và kinh nghiệm đóng tàu lớn, tàu vỏ thép và tàu vật liệu compsite.

Hiện khu vực Tây Nam bộ chỉ có hơn 10 cơ sở đóng tàu ở Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, nhưng chủ yếu đóng tàu vỏ gỗ, đóng tàu vỏ sắt, xà lan hoạt động trên sông. Đây cũng là một điểm hạn chế cần khắc phục thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục