Bài 2: “Được mùa-mất giá”: Hậu quả tất yếu của nền sản xuất manh mún

Chuyện “được mùa, mất giá” đối với nhiều mặt hàng nông sản là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Bài 2: “Được mùa-mất giá”: Hậu quả tất yếu của nền sản xuất manh mún ảnh 1Sơ chế, đóng gói sản phẩm cà rốt trước khi cung cấp ra thị trường. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Lĩnh vực rau quả là lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên bên cạnh những thế mạnh đó ngành rau quả cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt, tình trạng ngày càng nhiều mặt hàng nông sản rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá” và vẫn bế tắc trong lời giải khiến nhiều người dân rơi vào cảnh lao đao.

[Bài 1: Được mùa-mất giá: "Điệp khúc" buồn của ngành nông nghiệp]

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) để trao đổi về vấn đề này.

“Được mùa, mất giá: không tránh được”

- Thưa Cục trưởng, thời gian vừa qua, có nhiều mặt hàng nông sản rơi vào tình trạng được mùa-mất giá, đây phải chăng là một “điệp khúc buồn” của ngành nông nghiệp? Cục Trồng trọt đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn: Trước hết chúng ta phải khẳng định chuyện “được mùa, mất giá” đối với nhiều mặt hàng nông sản là có bởi đó là hậu quả tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu kế hoạch, thiếu liên kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

[Giá hồng quả rớt thê thảm, các chủ vườn ở Đà Lạt lao đao]

Mặc dù nhà nước đã có quy hoạch trong đó có tính đến yếu tố cung cầu, thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng việc kiểm soát thực hiện quy hoạch là rất khó khăn do có quá nhiều hộ nông dân tham gia sản xuất. Trong khi đó, các hộ tham gia chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ khiến việc điều tiết để khớp hoàn toàn giữa nhu cầu thị trường với kế hoạch sản xuất là điều không hề đơn giản.

- Theo ông thì đâu là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn: Ngoài yếu tố sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá” còn do các mặt hàng nông sản của chúng ta rất đa dạng và phong phú nên dẫn đến việc quy hoạch cũng gặp khó khăn.

Ở nước ngoài, khi nói đến Mỹ người ta nói đến các nông sản như táo, nho; nói đến Australia người ta nói đến các mặt hàng như táo, nho, thịt bò, cừu thì chúng ta lại có các sản phẩm “thượng vàng, hạ cám.” Bất kì sản phẩm nào cũng có thể trở thành mặt hàng cho nông dân. Mặt khác, chúng ta quá nhiều nông dân tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng nghĩa với có hàng nghìn, hàng vạn nông trại khiến cho việc điều tiết kế hoạch vênh với nhu cầu rất dễ xảy ra.

Người nông dân sản xuất ra không biết mình sẽ bán sản phẩm đi đâu. Hầu hết tất cả vẫn dựa theo kinh nghiệm, thói quen. Khi thiếu mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, khi không có hợp đồng bao tiêu ổn định thì rất dễ dẫn đến câu chuyện được mùa mất giá hoặc “khủng hoảng thừa” là khó tránh khỏi.

Bài 2: “Được mùa-mất giá”: Hậu quả tất yếu của nền sản xuất manh mún ảnh 2Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, được mùa-mất giá là chuyện khó tránh cúa nền sản xuất manh mún, thiết liên kết. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

- Vậy theo ông tình trạng được mùa mất giá có thường xuyên diễn ra và mức độ khủng hoảng của tình trạng này như thế nào?

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn: Phải khẳng định câu chuyện được mùa rớt giá chỉ xảy ra với một số nhóm mặt hàng nông sản khó kiểm soát quy mô sản xuất vì không có vùng hàng hoá tập trung, các loại nông sản khác vẫn giữ được giá khá ổn định không đến mức độ khủng hoảng. Ví dụ như: giá lúa thấp nhất là 4.400 đồng/kg – cao nhất là 6.700 đồng/kg; giá càphê, giá tiêu, trái cây cũng ít khi có những cuộc khủng hoảng lớn.

Một số mặt hàng có sự khủng hoảng cục bộ trong thời gian ngắn ví dụ giá cao su giảm rất là thấp trong ba năm 2014-2016 nhưng đến đầu giữa năm 2016 thì lên giá rất cao và hiện nay cao su đang là mặt hàng xuất khẩu tốt nhất, thậm chí quý 1 năm nay tăng 90% so với cùng kì năm 2016.

Ngoài những nguyên nhân thuộc về sản xuất, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thì hệ thống tổ chức thị trường của chúng ta cũng chưa tốt. Chính vì thế dẫn đến giá cả thị trường phụ thuộc vào thương lái, tình trạng thương lái ép giá nhất là các mặt hàng tươi sống, hoa, rau, quả vẫn thường xuyên xảy ra.

[Phát triển nông sản: Cần kết nối nông dân, doanh nghiệp với thị trường]

Ví dụ, cùng quả thanh long buổi sáng có giá 5.000 đồng/kg nhưng buổi chiều lên 15.000 đồng/kg, điều này rõ ràng có sự điều tiết của thương lái. Sự điều tiết này không minh bạch, không phải là một chuỗi liên kết để chia sẻ lợi ích giữa người thu mua, người bán hàng với người nông dân. Hiện tượng này vẫn còn xảy ra tương đối là phổ biến vì vậy người nông dân vẫn phải chịu thiệt thòi.

"Liên kết theo chuỗi là xu hướng tất yếu"

- Vậy theo ông làm sao để người nông dân thoát khỏi tình cảnh trông chờ vào thị trường, sản xuất theo kinh nghiệm và có được “đầu ra” ổn định hơn?

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn: Trước hết, đối với người nông dân cần phải có kiến thức về thị trường. Trước khi tiến hành trồng cây gì, nuôi con gì người nông dân cần tìm hiểu về thông tin thị trường cũng như vấn đề quy hoạch của nó. Nông dân cần xem xét cây trồng của mình đã có nhiều vùng trồng chưa, tránh tính trạng sản xuất ồ ạt.

Mặt khác, vai trò định hướng, tư vấn của các tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương cũng rất quan trọng. Các tổ chức đơn vị này cần thông tin tuyên truyền định hướng cho người dân trong vùng về quy hoạch cây trồng và vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch.

Các hợp tác xã, các tổ chức chính trị xã hội cố gắng định hướng về mặt quy hoạch đối với một số cây trồng lâu năm, đảm bảo cung cấp thông tin về mặt thị trường các sản phẩm.

Ví dụ như người nông dân ở Thái Bình sẽ không biết vùng nào trồng đào nhiều, trồng quất nhiều nhưng lãnh đạo có thể có đầy đủ thông tin, Bắc Giang trồng bao nhiêu, Hải Dương trồng bao nhiêu, từ đó xác định quy mô hợp lý cho địa phương mình bởi thị trường đã được cố định. Các cấp chính quyền phải nắm chắc thông tin để tư vấn cho nông dân về chủng loại, thời vụ. Đấy cũng chính là chức năng chính của chính quyền trong thời gian tới, hỗ trợ cho sản xuất, cung cấp thông tin tư vấn cho người dân tốt hơn.

Bài 2: “Được mùa-mất giá”: Hậu quả tất yếu của nền sản xuất manh mún ảnh 3Lâm Đồng đảm bảo nguồn cung rau cho thị trường. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

- Vậy vai trò người nông dân được thể hiện như thế nào trong chuỗi liên kết, thưa ông?

Cục Trưởng Nguyễn Hồng Sơn: Có thể thấy người nông dân từ chỗ không có kế hoạch đã biết điều tiết dần kế hoạch sản xuất. Bắt đầu hình thành nên những liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân để được tổ chức thu mua và sản xuất theo các hợp đồng. Đây chính là thay đổi trong nhận thức của nông dân và doanh nghiệp để tiến tới khắc phục hiện tượng được mùa mất giá và sản xuất thiếu kế hoạch như trước đây.

Đặc biệt là trong việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi, người dân cần thực hiện liên kết với nhiều hình thái khác nhau phù hợp với quy mô, tính chất mà không nhất thiết chờ doanh nghiệp vào mới là liên kết.

Định hướng của chúng ta trong tương lai chính là từng bước hình thành liên kết xâu chuỗi. Đặc biệt, sắp tới đây Thủ Tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi Nghị định 109 về vấn đề liên kết sản xuất để buộc các doanh nghiệp khi ký hợp đồng xuất khẩu lớn buộc phải có vùng nguyên liệu. Tức là doanh nghiệp phải hình thành vùng liên kết sản xuất với nông dân, có vùng nguyên liệu mới được phép kinh doanh lĩnh vực xuất khẩu.

- Như vậy,có thể nói liên kết theo chuỗi chính là lời giải để phát triển nông nghiệp bền vững, tuy nhiên, mô hình chuỗi nông sản hiện nay có gặp phải khó khăn khi thực hiện không thưa ông?

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn: Tôi xin khẳng định việc xây dựng liên kết theo chuỗi đó là một xu hướng tất yếu mà chúng ta phải đi đến. Không thể đi bằng con đường nào khác nhất là trong bối cảnh sản xuất hàng hóa lớn, chúng ta phải có cạnh tranh về mặt chất lượng để có thể vượt qua được hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu đặt ra. Liên kết để đáp ứng ba mục tiêu: giảm giá thành, sản xuất được quy mô hàng hóa lớn, đồng đều về mặt chất lượng và kiểm soát được về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để thực hiện được liên kết thì các bên cũng phải chia sẻ với nhau về quyền lợi nếu không chúng ta vẫn tồn tại dưới dạng cắt đứt công đoạn sản xuất ở một hình thái khác.

Hiện hình thức liên kết vẫn chủ yếu dừng lại ở mức cung cấp vật tư đầu vào hoặc kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thuê công lao động v.v.. Gọi là liên kết sâu theo chuỗi nhưng thực ra là chúng đã bị bóp méo trong quá trình thực hiện bởi không đảm bảo được sự bình đẳng, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với nông dân, từ những bài học về được mùa, mất giá, người dân cần phải hình thành ngay thói quen tìm thị trường hoặc tìm các hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước khi sản xuất, sản xuất khi có đầu ra chứ không phải cứ sản xuất rồi tìm đầu ra sau. Đó có lẽ là một cách tiếp cận sản xuất theo định hướng thị trường mà nông dân chúng ta cần phải có khi bước vào nền sản xuất hàng hoá lớn và nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn phân tích về tình trạng được mùa-mất giá

Sản xuất nhỏ lẻ manh mún thiếu sự liên kiến là một trong những nguyên nhân khiến các loại nông sản rơi vào tình trạng bấp bênh. ​Trong quá trình phát triển kinh tế, hiện đã có nhiều mô hình sản xuất ​mới đem lại giá trị cao không chỉ giúp nông dân thoát khỏi cảnh được mùa-mất giá mà còn có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Bài 3: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao: Thoát nỗi lo được mùa mất giá

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục