Bài 2: Phù phép ‘rừng vàng’ thành những công trường khai thác cao lanh

Bằng thủ tục đơn giản, hàng loạt khu rừng đồi ở tỉnh Phú Thọ đã bị hạ cốt mặt bằng, "hô biến" thành những chuồng trại chăn nuôi gà, khu vực trồng cây dược liệu để tận thu quặng cao lanh trái phép.
Bài 2: Phù phép ‘rừng vàng’ thành những công trường khai thác cao lanh ảnh 1Một bãi tập kết quặng cao lanh. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Mỗi tấn cao lanh vừa được bới lên từ dưới lòng đất có thể bán với giá trên dưới 300.000 đồng. Với số tiền này, cao lanh được xem là “vàng trắng” trong các loại khoáng sản. Vậy nên, việc người dân, các chủ mỏ, hay ông trùm thổ phỉ tìm mọi cách để dỡ đồi khai thác quặng cao lanh trái phép cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để “hô biến” hàng loạt quả đồi bạt ngàn cây xanh được xem là “rừng vàng” của tỉnh Phú Thọ trở thành những đại công trường khai thác quặng cao lanh?

“Chỗ nào có cao lanh, cứ mua làm thôi”

Trở lại xã Tân Phương, nơi được xem là “điểm nóng” khai thác quặng cao lanh, chúng tôi đã tiếp cận thành công Tuấn “lộ,” người được cho là ông trùm khai thác quặng cao lanh có tiếng nhất nhì ở huyện Thanh Thủy.

Khi được hỏi về kinh nghiệm mua đồi để “moi ruột” quặng cao lanh, Tuấn “lộ” thẳng thắn chia sẻ: “Một khu vực đồi, người ta xúc đất xuống dưới có khoáng sản manh mún họ sẽ mách ông này, ông kia, ông nào làm được thì vào mà làm. Thế thôi.”

Đúng là đơn giản như vậy, không cần giấy phép, những quả đồi được đào xới, xuyên thủng, rồi bới sâu nhằm tận thu tài nguyên khoáng sản ngay dưới lòng đất. Luật bất thành văn, lãnh địa của ai, người đó tự quản.

Thậm chí, có những ông chủ có điểm mỏ khai thác trải dài từ xã này sang xã khác cũng tranh thủ “mua” hoặc thuê đồi của dân để tận thu khoáng sản, và họ được “hộ mệnh” bằng những tờ giấy được gọi là bản đồ diện tích khai thác.

Dù rằng, những thủ tục như chuyển giao đất rừng cho tới Báo cáo đánh giá tác động môi trường đều chưa hoàn chỉnh, ấy vậy mà những cây non đã nhanh chóng bị triệt hạ, thay vào đó là những chiếc máy xúc hì hục đào bới ngày đêm.

[Bộ Tài nguyên chỉ ra 6 thách thức liên quan đến đất đai, môi trường]

Theo quy trình như vậy, những quả đồi bị đào bới nham nhở để bới xúc quặng cao lanh. Dẫu biết luật pháp không cho phép người dân tự ý mua bán đất đồi để khai thác khoáng sản trái phép, thế nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bán đứt những quả đồi với những lời chào mời và cam kết chắc nịch.

“Thằng em tôi đang có quả đồi muốn bán, các chú xem mua được giá tôi bảo nó bán cho. Đây các chú xem, tôi mới khai thác một vũng này thôi mà đã thu được hơn 8.000 khối rồi,” ông H., một người dân ở xóm Giáo, xã Tân Phương quảng cáo khi nghe chúng tôi tìm hiểu khu đồi khai thác “vàng trắng” cao lanh.

Quả đúng như vậy, chỉ vài nhát đào xới là “vàng trắng” cao lanh đã lộ thiên. Chỉ một quả đồi khoảng 500m2 mà ông H., giới thiệu, đã được bán cho một ông trùm khai thác quặng ở tỉnh Vĩnh Phúc với giá 200 triệu đồng trong thời gian 2 năm, còn nếu bán đứt (tức bán vĩnh viễn) mức giá sẽ tăng lên 1,5 tỷ đồng.

Chỉ sau một thời gian ngắn từ khi vào tay chủ mới, quả đồi ông H., vừa bán đã được hạ cốt mặt bằng tan hoang. Và cứ thế, “vàng trắng” cao lanh chảy máu, lần lượt bị những cố máy bới xúc chở đi bán ngay giữa ban ngày.

Tan hoang rừng đồi vì lỗ hổng trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Thủ thuật moi ruột “vàng trắng”

“Vàng trắng” dưới lòng đất được mời chào, quảng cáo là có thật. Nhưng làm cách nào để có thể “phù phép” cho những quả đồi đất chuyên trồng rừng thành những “công trường” bới xúc quặng cao lanh mà không cần tới giấy phép khai thác?

Câu trả lời được người dân và các ông trùm khai thác quặng tiết lộ là, chỉ cần một mẩu giấy/lá đơn với nội dung xin “hạ cốt mặt bằng,” sau đó làm thêm tờ giấy “Hợp đồng thuê đất” cùng với một khoản “lộ phí” (tiền) thế là xong. Việc còn lại là bới đất, múc cao lanh lên bán.

Để rõ hơn về những mẩu giấy được xem là “lá bùa” biến những quả đồi đất rừng thành công trường khai thác quặng nói trên, chúng tôi tìm gặp chị P., người vừa bán hơn 2.300m2 đất vườn rừng cho một cơ sở sản xuất cao lanh trên địa bàn huyện Thanh Sơn, với mục đích là “múc đất chở đi.”

Trong câu chuyện với chúng tôi (những người đi mua đồi), chị H., bảo: “Ở khu vực này chỗ nào cũng có quặng. Các chú mua thì tôi bán và chỉ cách cho mà làm.”

Sau lời mời chào, thấy chúng tôi còn phân vân thủ tục “hóa phép” đồi rừng thành công trường khai thác quặng cao lanh, chị H., liền trấn an: “Các chú yên tâm, mọi thủ tục chúng tôi lo hết, các chú chỉ cần bỏ ra chút lộ phí làm thủ tục thôi.”

Theo đó, để khai thác được quặng cao lanh dưới lòng đất những quả đồi rừng, theo kinh nghiệm của chị P., thì trước tiên chủ đất sẽ viết một lá đơn xin Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Thủy và xã Tân Phương, cho phép đưa máy về san gạt mặt bằng làm chuồng trại chăn nuôi gà để phát triển kinh tế.

[Xử lý nghiêm nạn phá rừng, không để 'xã hội đen' mua bán đất lộng hành]

Sau khi đã có tấm bùa “hộ mệnh” bằng lá đơn xin hạ cốt mặt bằng, thì lúc này chỉ cần có thêm một tờ giấy “hợp đồng thuê đất” ghi rõ mục đích sử dụng là “múc đất chở đi,” thế là mọi chuyện êm thấm. Việc còn lại là bới đất, múc cao lanh lên bán.

Dĩ nhiên việc mua bán, hạ cốt mặt bằng từng quả đồi rừng thành điểm khai thác quặng cao lanh dưới vỏ bọc chuồng trại chăn nuôi gà, hay trồng cây, muốn thành công không thể không có “bàn tay” của ông trùm khai thác khoáng sản trái phép.

“Người ta chuyển nhượng bằng mồm thôi, có mỗi tờ giấy viết tay chứ có pháp luật gì đâu. Tất nhiên việc bán, mua phải thỏa thuận với nhau. Ví dụ mua 5, anh bảo trả em 10 để anh có công đi, tội gì không lấy tiền, đúng không,” Tuấn “lộ” chia sẻ.

Khi thủ tục “hóa phép” đồi rừng thành điểm khai thác quặng cao lanh được “bảo hộ” dưới vỏ bọc chuồng trại chăn nuôi gà, chủ mỏ cứ thế thản nhiên đào xới. Và, nếu được hỏi thì chỉ cần trả lời: “Thủ tục hạ cốt mặt bằng phải gia đình chủ đất làm. Đất này có phải đất của nhà tôi đâu.”

Cứ thế, “không phải đất nhà tôi,” nhưng “quyền lợi thì tôi nhận.” Sự kết hợp hài hòa này giữa người dân, chủ mỏ và cái “gật đầu” cho phép hạ cốt đồi của chính quyền địa phương, tất cả đã tạo nên một vòng quay khép kín hoàn hảo. Chỉ có điều, vòng quay ấy đã thổi bay những quả đồi chỉ trong chốc lát./.

Bài 3: Hàng loạt quả đồi bị đào bới, tan hoang 'vàng trắng’ cao lanh

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục