Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Trông vào tự giác liệu có đủ

Bài 2: Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Trông vào tự giác liệu có đủ

Giới kinh doanh online có chỗ dựa tâm lý là giao dịch trên mạng ảo và tiền mặt trao tay. Và cũng bởi thế, việc trông chờ vào sự tự giác trong viêc kê khai nộp thuế liệu có xa vời?
Bài 2: Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Trông vào tự giác liệu có đủ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN)

Không phải ngẫu nhiên mà không ít cá nhân bị ngành thuế gọi tên nhưng chẳng mảy may lo lắng. Giới kinh doanh online có chỗ dựa tâm lý là giao dịch trên mạng ảo và tiền mặt trao tay. Và cũng bởi thế, việc trông chờ vào sự tự giác liệu có xa vời?

Khó nắm số liệu

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam khẳng định quan điểm, đã là người kinh doanh thì bất kể theo phương thức truyền thống hay qua mạng xã hội đều có nghĩa vụ kê khai nộp thuế. Điều này theo bà không những phù hợp với pháp luật thuế mà còn đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh.

[Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Phim dài tập, hồi kết vẫn mịt mờ]

Tuy nhiên, bà chỉ ra, trong quản lý thuế, kể cả kinh doanh bình thường cũng như kinh doanh qua mạng thì vấn đề xác định doanh thu để tính thuế phải xuất phát từ sự tự giác kê khai của người nộp thuế.

Theo quy định, nếu cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu đồng mỗi năm sẽ không phải nộp thuế. Chỉ những người bán hàng cho doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm thì mới bắt đầu phải thực hiện nộp thuế.

Vấn đề nảy sinh từ mức doanh thu này. Câu hỏi đặt ra là nếu những người kinh doanh online lũ lượt khai thuế dưới 100 triệu đồng và nghiễm nhiên không phải đóng thuế thì cơ quan chức năng sẽ phải ứng xử ra sao?

[Bizweb: Thời trang, phụ kiện dẫn đầu trong số các cửa hàng online]

Đây là vấn đề được bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế cho rằng có thể xử lý được bởi cơ quan chức năng có thể căn cứ vào nơi cư trú, địa điểm tập kết hàng, phương tiện giao hàng, công ty chuyển phát nhanh,… của các đối tượng kinh doanh.

Tuy vậy, sự lo lắng này vẫn được luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico nhắc tới. Theo ông, các cá nhân mua hàng có thể đặt đăng ký qua Facebook hoặc qua điện thoại. Người bán sẽ cho người giao hàng tới tận nơi và nhận tiền mặt từ khách hàng.

Nêu quan điểm của mình, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, căn cứ cho cơ quan chức năng với các trang bán hàng trên Facebook có thể từ lượng người theo dõi lớn, thích (like) lớn, có nhiều bình luận (comment) của khách hàng với lượng khách đặt hàng lớn.

Bài 2: Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Trông vào tự giác liệu có đủ ảnh 2Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Tuy nhiên, bóc tách kỹ hơn, luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề: “Không có cách gì để kiểm tra người ta đã giao dịch hay chưa.” Ông lấy ví dụ, một người mua hàng nhắn tin đặt mua một sản phẩm không chắc chắn giao dịch đó thành công bởi có thể “người ta chỉ nhắn tin vui đùa hay mang hàng tới nhưng người ta đem trả lại.”

Bởi thế, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, không thể nắm được số liệu và cơ quan chức năng không thể biết các cá nhân, doanh nghiệp thực sự kinh doanh hay không và kinh doanh bao nhiêu.

Một điều lo lắng nữa được không ít chuyên gia trong ngành nêu lên là thực tế, nhiều trang bán hàng online không có cửa hàng, trụ sở, không có thông tin thật sự đầy đủ. Bởi vậy, nếu người kinh doanh chủ động khai doanh thu thấp thì cơ quan chức năng rất khó quản lý.

Chờ vào tự giác là khó khăn

Chính từ khó xác định mức doanh thu chính xác, vấn đề nảy sinh theo ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, là có khi cơ quan chức năng sẽ thu thuế của cả những người doanh thu thực dưới 100 triệu đồng một năm.

“Nhiều người lo ngại, nếu ta làm không chính xác thì có thể thu thuế cả những người không có việc làm, phụ nữ ở nhà nuôi con nhỏ kiếm thêm chút thu nhập mua sữa cho con, điều đó thì cũng không phù hợp,” ông nói.

Đồng tình, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, kiểm soát được những tài khoản bán hàng trên Facebook đã khó nhưng quản cả những người kinh doanh mang tính thời vụ thì lại càng khó.

Theo ông, các tài khoản kinh doanh nhỏ lẻ không thường xuyên và có doanh thu thấp không nên thuộc đối tượng phải kê khai, nộp thuế.

Điều cần quan tâm theo vị này là những đối tượng hoạt động thương mại thường xuyên, có tính chất chuyên nghiệp nhưng không kê khai, nộp thuế. Theo ông, đây thường là những đối tượng có địa chỉ khá rõ ràng và có thể xác định được.

Tuy nhiên, trông chờ vào sự tự giác của các đối tượng buôn bán nói chung và những cá nhân kinh doanh có tính chất chuyên nghiệp trên theo ông là khó khăn.

Theo ông Tuấn, cơ quan chức năng cần lọc ra được tài khoản nào là đang hoạt động kinh doanh và xác định được đối tượng nào trong diện kinh doanh chuyên nghiệp để từ đó vận động các cá nhân này kê khai.

“Ví dụ, có thể giao cho chi cục thuế các quận, huyện địa phương rà soát và vận động các đối tượng trong diện nộp thuế kê khai thuế. Không thể trông chờ vào sự tự nguyện trong trường hợp này được,” vị đại diện Bộ Công Thương nói.

Ý kiến của ông Tuấn là vậy. Song, gợi ý này cũng nảy sinh thêm vấn đề mới là, các chi cục thuế muốn xuống tận nơi vận động các đối tượng kinh doanh thì điều trước tiên là phải biết địa chỉ. Thế nhưng, cơ quan chức năng tìm đâu ra số nhà, số ngõ, tên đường chính xác nếu trên các trang bán hàng online không có đầu mối rõ ràng.

Vấn đề này đã được cơ quan thuế lường trước. Cơ quan này có ý định sẽ kết hợp với các nhà mạng để tìm hiểu thêm danh tính người bán hàng. Câu chuyện vì thế lại mở ra một hướng khác với không ít trắc trở./.

Trưởng phòng Quản lý hoạt động Thương mại điện tử nói về thu thuế kinh doanh online.

Bài 3: “Túm tóc” chủ shop online: Phải giải bài toán bảo mật thông tin

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục