Bài 3: Ăn chặn tiền xương máu của gia đình liệt sỹ

Rất nhiều thân nhân liệt sỹ tại xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước, Cà Mau) bị các nguyên cán bộ xã nhẫn tâm ăn chặn tiền hỗ trợ theo chế độ trong cả chục năm liền.
Bài 3: Ăn chặn tiền xương máu của gia đình liệt sỹ ảnh 1Chị Trần Thị Lụm là một trong những trường hợp bị chặn tiền hỗ trợ, trợ cấp theo quy định trong suốt một thời gian dài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù đã quá trưa, nhưng người đàn bà gầy nhẳng thuộc ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vẫn tất tả đội nắng mang theo tập đơn dày sang gặp chúng tôi. Tấp tểnh ngay sau chị là người thương binh già, tay chống nạng, tay ôm giấy tờ... để kêu oan.

Họ là một trong rất nhiều thân nhân các liệt sỹ bị các nguyên cán bộ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau nhẫn tâm ăn chặn tiền hỗ trợ theo chế độ trong cả chục năm liền.

Câu chuyện buồn ở Đất Mũi lại một lần nữa tấy lên vì những vết thương nhức nhối.

Cán bộ xã “nuốt” tiền liệt sỹ

Chị Trần Thị Lụm, ngụ tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau là một trong những trường hợp bị ăn chặn tiền hỗ trợ, trợ cấp theo quy định trong suốt một thời gian dài.

Gia đình chị Lụm có liệt sỹ Huỳnh Văn Thương hy sinh năm 1984 khi đang chiến đấu, truy quét tàn quân Pôn Pốt tại nước bạn Campuchia. Phần mộ của liệt sỹ Thương hiện vẫn đang nằm tại nghĩa trang Cheep- Sisôphôn, huyện Bat Đom Bong, Campuchia.

Tới tháng 7/1986, Sở Thương binh và xã hội tỉnh Minh Hải bấy giờ chính thức ra quyết định trợ cấp cho gia đình liệt sỹ theo đúng quy định. Người được trực tiếp lãnh, nhận số tiền này là ông Huỳnh Văn Sen, cha đẻ của liệt sỹ Huỳnh Văn Thương.

Tuy nhiên, theo chị Trần Thị Lụm, vào thời điểm từ năm 1986 đến năm 1991, gia đình liệt sỹ lại hoàn toàn không nhận được số tiền trợ cấp trên.

[Những “mẩu chuyện” đau lòng về chính sách ở mũi đất Cà Mau]

“Vào thời điểm này, các ông Nguyễn Minh Phụng và Trần Quốc Thoàng, nguyên cán bộ phụ trách thương binh xã hội xã Hưng Mỹ nói với chúng tôi là chưa có số tiền đó,” chị Lụm vừa ấm ức khóc, vừa kể lại.

Chỉ từ năm 1991 đến năm 1995, gia đình liệt sỹ Thương mới được nhận số tiền trợ cấp ít ỏi từ Nhà nước.

Bài 3: Ăn chặn tiền xương máu của gia đình liệt sỹ ảnh 2Tấm bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sỹ Huỳnh Văn Thương được ghi nơi sinh tận huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chứ không phải huyện Cái Nước nhằm mục đích trục lợi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đau lòng không kém là trường hợp của các thân nhân liệt sỹ Trần Văn Quanh, cũng ngụ cùng ấp Rau Dừa. Liệt sỹ Quanh hy sinh tháng 8/1972. Tới tháng 7/1998, Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Cà Mau xác nhận trợ cấp tiền tuất cho gia đình liệt sỹ Quanh với số tiền truy lĩnh hơn 9,2 triệu đồng. Toàn bộ khoản này sẽ được chuyển cho cha liệt sỹ là cụ Trần Văn Xăm. Thế nhưng, cho tới tận thời điểm này, số tiền trên cùng với hàng loạt trợ cấp khác vẫn chưa hề đến tay cụ.

Ông Trần Văn Tuấn (sinh năm 1954) là con trai cụ Xăm bức xúc: Vào thời điểm tiền trợ cấp được chi trả, ông Phụng đã không hề thông báo cho thân nhân liệt sỹ để ăn chặn toàn bộ số tiền này. Sau đó, khi “cờ tới tay mình,” ông Thoàng tiếp tục giả mạo chữ ký nhận và chiếm đoạt tiền trợ cấp tuất của gia đình ông.

Ngoài ra, một loạt các liệt sỹ khác như liệt sỹ Ngô Văn Sơn, liệt sỹ Dương Văn Trọng, Dương Văn Chiến và nhiều cá nhân khác có công với cách mạng cũng đều bị “ăn chặn” tiền xương máu trong vòng nhiều năm.

Bắt thân nhân liệt sỹ “sống thêm” 10 năm để trục lợi

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, thi thoảng, chị Lụm lại ngân ngấn nước mắt. Chị nghẹn ngào bảo: Chưa bao giờ chị nghĩ người ta lại dám tư túi số tiền trợ cấp dành cho thân nhân các gia đình liệt sỹ, chính sách.

Ghê gớm hơn, để tiếp tục kéo dài "tuổi thọ” của những khoản tiền ấy, những kẻ mang danh cán bộ xã thậm chí còn đẩy lùi thời hạn khai tử của một loạt người thờ cúng liệt sỹ xuống cả 10 năm.

Run run cầm tờ giấy khai tử của bố chồng, ông Huỳnh Văn Sen, cũng là người trực tiếp được nhận trợ cấp cho liệt sỹ Thương, chị Lụm cay đắng khóc: “Bố chồng tôi mất năm 1995 vì ốm bệnh, nhưng các cán bộ xã Hưng Mỹ giấu biến việc này, tiếp tục để cụ 'sống' thêm gần 10 năm để họ tiếp tục tư túi tiền chính sách.”

Bài 3: Ăn chặn tiền xương máu của gia đình liệt sỹ ảnh 3Ông Huỳnh Văn Sen được chôn cạnh nhà nhưng vẫn phải 'sống' 10 năm để các cán bộ xã trục lợi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, sau khi cụ Sen mất, nguyên cán bộ phụ trách thương binh, liệt sỹ xã Hưng Mỹ, ông Trần Quốc Thoàng một mặt thông báo với gia đình về việc ngừng chi trả trợ cấp, mặt khác không làm các thủ tục báo tử lên Phòng Lao động thương binh và xã hội huyện để cắt giảm mà vẫn giữ nguyên danh sách nhận hỗ trợ.

Thậm chí, ông Thoàng còn giả mạo chữ ký của cụ Sen để ký nhận tiền với số tiền lên tới gần 8 triệu đồng trong suốt 10 năm tiếp đó.

Chỉ đến tháng 5/2004, ông Thoàng mới cho phép cụ Sen được “quyền chết” trên giấy tờ khi lập khống hồ sơ để xin hỗ trợ tiền mai táng phí cho cụ với số tiền 1,5 triệu đồng.

Ngôi mộ cụ Sen nằm sát ngay bên trái nhà lá của chị Lụm còn rành rành ghi rõ năm cụ mất. Thế nhưng, những người có trách nhiệm lại nhẫn tâm bắt cụ sống thêm chừng ấy năm để trục lợi. Ngay cả cái việc họ trả lại “quyền chết” cho cụ cũng được quy giá ra tiền!

[Số phận những ngôi mộ nằm ngoài rìa nghĩa trang liệt sỹ]

Chung số phận hẩm hiu ngay cả khi đã mất với cụ Sen là cụ Trần Văn Xăm, cha đẻ của liệt sỹ Trần Văn Quanh. Chính thức từ trần năm 1997, cụ Xăm phải sống trên giấy tờ thêm 7 năm "nhờ công" của cán bộ Nguyễn Quốc Thoàng. Trong suốt thời gian này, Thoàng tư túi số tiền lên tới hơn 13,2 triệu đồng.

“Các anh xem, khi cha, anh chúng tôi ngã xuống vì Tổ quốc, họ đã tư túi, ăn chặn hết. Đến lúc thân nhân thờ cúng trực tiếp mất, chúng tiếp tục bắt người ta phải sống. Đến chết cũng không yên thì còn gì đau hơn nữa,” chị Lụm bật khóc nức nở ngay chân mộ cha chồng. Vạt trời chiều xa xa phía chân trời cũng tái lại như nỗi oán hờn khôn nguôi của những người đàn bà Đất Mũi.

Ăn chặn trên tiền xương máu của các liệt sỹ, đẩy lùi thời hạn khai tử của thân nhân các gia đình này, trong vòng nhiều năm, nhóm cán bộ phụ trách chế độ thương binh liệt sỹ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau đã bỏ túi hàng chục triệu đồng.

Những hành vi này đang dần dần được đưa ra ánh sáng, nhưng những người trong cuộc vẫn phải khắc khoải với cuộc sống khó khăn của mình./.


Năm 2012, trong khi đi đổi bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Huỳnh Văn Thương, chị Lê Thị Lụm (ngụ tại ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) tiện miệng thắc mắc về việc gia đình mình không nhận được tiền hỗ trợ chính sách. Cũng bắt đầu từ đây, một loạt bằng chứng từ Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Cà Mau trả về đã hé lộ sự thật: một nhóm cán bộ đã và đang ăn trên xương máu của nhiều liệt sỹ khác tại Hưng Mỹ.

Câu chuyện tại ấp Rau Dừa cũng chỉ là một trường hợp không hề hiếm gặp tại tỉnh Cà Mau khi những cán bộ xã “phù phép” để tư túi tiền tri ân thương binh, liệt sỹ.

Bài 4: Khi liệt sỹ oằn lưng “cõng” quan xã hàng chục năm

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục