Bài 3: Bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái ở Sơn La

Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng

Về Mộc Châu, Sơn La, đến với cùng cao nguyên tươi mát ấy giống như tìm về cái nôi văn hóa truyền thống của tộc người Thái, với những giá trị độc đáo mà ngày nay cộng đồng này vẫn đang lan tỏa...
Văn hóa xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và găm sâu vào tiềm thức bao thế hệ đồng bào người Thái. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Văn hóa xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và găm sâu vào tiềm thức bao thế hệ đồng bào người Thái. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bài 3: Bảo tồn và lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái ở Sơn La

Mỗi sớm tỉnh mắt dưới mái nhà sàn, câu hát của các cô gái Thái trong điệu xòe truyền thống đêm nọ vẫn như rộn bên tai tôi: “Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi…” Ấy là bởi văn hóa xòe đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và găm sâu vào tiềm thức bao thế hệ tộc người này.

Thế nhưng, đến với vùng đất cao nguyên mướt xanh ấy, tìm về cái nôi của văn hóa Thái, mới thấy nơi đây không chỉ có xòe và những cô gái đẹp…

“Ngọc quý” vùng Tây Bắc

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030, cũng nhờ vùng đất trung tâm Tây Bắc ấy giàu tài nguyên và đa dạng bản sắc.

[Bài 1: Phụ nữ bản tự tin “làm dâu trăm họ”]

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch huyện Mộc Châu cho biết: “Một trong những tài nguyên du lịch lớn nhất của Mộc Châu đó là sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng ảnh 1Thác Dải Yếm ở Mộc Châu. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Mỗi dân tộc lại có đặc trưng văn hóa riêng vô cùng độc đáo và có từ lâu đời như: các phong tục tập quán, trò chơi dân gian (ném còn, rồng ấp trứng, bắn nỏ,..), kho tàng văn hóa dân gian (văn học truyền khẩu, kiến trúc, trang phục…), nghệ thuật biểu diễn (các điệu múa dân gian, các loại nhạc cụ…), nghề thủ công truyền thống, sản vật và văn hóa ẩm thực. Đặc biệt là các lễ hội truyền thống như lễ hội Hết Chá, lễ hội cầu mưa.”

Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 7 di sản là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Đó là nghi lễ lập tịnh của người Dao; Lễ cúng dòng họ của người Mông; Nghệ thuật múa xòe của người Thái; Lễ hội Hết Chá của người Thái, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; Nghệ thuật múa khèn của người Mông; Nghi lễ cưới truyền thống của người Dao Tiền; Nghệ thuật tạo hoa văn trên vải của người Mông Hoa, huyện Mộc Châu.

[Công bố quy hoạch chung xây Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu]

Không chỉ có bản sắc văn hóa độc đáo, Mộc Châu còn được ví như Sapa của Tây Bắc với khí hậu trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, du khách thật khó để không mê đắm những cánh đồng bạt ngàn hoa cải, những thung lũng hoa mận, hoa mơ nở trắng muốt núi rừng mỗi độ Xuân về.

Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng ảnh 2Bữa cơm 'đặc sản' của người Thái ở Sơn La. (Ảnh: CTV/VIetnam+)

Các loại cây ăn quả nhiệt đới, ôn đới từ mận hậu, bơ, đào đến hồng giòn... giờ đây không chỉ là sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, mà đã và đang trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng để mỗi khi vào vụ, du khách lại tìm đến Mộc Châu.

Vùng cao nguyên này còn được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Rừng thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Ngũ động bản Ôn, Thung lũng mận Nà Ka, đỉnh Pha Luông; nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng với 2 di tích cấp quốc gia (Hang Dơi, Đồn Mộc Lỵ) và 11 di tích cấp tỉnh (di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, chùa Chiền Viện (chùa Vặt Hồng); di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, di tích lịch sử nơi Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Mộc Châu, di tích lịch sử bia căm thù khu 64, km 70…).

Với chừng đó “gia tài,” Mộc Châu ngày nay được coi như viên ngọc quý của quê hương “Tây Tiến” oai hùng.

Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng ảnh 3Cảnh sắc núi rừng Mộc Châu. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Từ năm 2019, các điểm du lịch cộng đồng tại bản Dọi 1 (xã Tân Lập), bản Vặt (xã Mường Sang), bản Tà Số (xã Chiềng Hắc) lần lượt được xây dựng. Địa phương cũng phối hợp với dự án AOP (Action on Poverty tại Việt Nam – đơn vị thực hiện dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng” từ 2019-2021 do chính phủ Australia tài trợ), tổ chức tập huấn kỹ thuật nhuộm, hấp vải thổ cẩm cho chị em phụ nữ các hộ gia đình kinh doanh homestay…

Lãnh đạo huyện Mộc Châu cho biết, dự án AOP đã hỗ trợ vốn và kỹ thuật để các hộ cải tạo cơ sở vật chất làm homestay, xây dựng các sản phẩm khác ngoài lưu trú, tập huấn kỹ năng cho các hộ làm du lịch cộng đồng, nâng cao nhận thức về giới để hướng tới thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ dân tộc thiểu số vào chuỗi du lịch, gây dựng tài sản và từ đó tự tin hơn, có tiếng nói hơn...

[Bài 2: Những “thủ lĩnh” thầm lặng của du lịch cộng đồng người Thái]

“Các nội dung hỗ trợ của AOP đã góp phần quan trọng, cùng với chính quyền thúc đẩy du lịch cộng đồng trên địa bàn theo hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cộng đồng,” bà Nguyễn Thị Hoa nói.

Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng ảnh 4Hình ảnh quen thuộc trong những khu vườn ở bản Dọi. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trên tinh thần đó, du khách đến Mộc Châu sẽ được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thông qua việc cùng ăn, cùng ở và sinh hoạt dưới những nếp nhà sàn truyền thống nhưng được trang bị đầy đủ tiện nghi.

Đặc biệt, chuyến đi chắc chắn không thể thiếu những món ăn bản địa như pa pỉnh tộp, thắng cố, pa pính, nậm pịa... để vị giác được đánh thức nhờ những nguyên liệu chế biến đặc trưng như: mắc khén, hạt dổi, măng rừng, mật ong rừng…

Và khi màn đêm buông, sau những ché rượu cần nồng đượm, tất cả lại hòa mình vào không gian âm nhạc truyền thống với tiếng khèn, đàn môi, tiếng sạp rộn ràng nhịp bước, cùng giao lưu văn nghệ tưng bừng và xòe dưới bóng trăng mờ ảo của núi rừng.

Với người Thái, “láu mệt láu lơ ma” (rượu hết rượu lại về) nên đã uống là phải mềm môi để mà xòe cho dẻo, để đôi má hây hây ửng hồng, để cuối buổi thế nào cũng có ánh mắt phải ngẩn ngơ “pảy ín nọm noóng nờ” (đi chơi với em nhé) như muốn níu chân người xuôi ở lại…/.

Lan tỏa bản sắc văn hóa người Thái bằng du lịch cộng đồng ảnh 5Màn giao lưu cuối tiết mục biểu diễn của du khách và đội văn nghệ bản Vặt. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục