Bài 3: Bếp rượu truyền thống lao đao sau những ngày biến cố

Sau một loạt ca tử vong vì ngộ độc rượu được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Tết Nguyên đán đến nay, nhiều cơ sở nấu rượu truyền thống cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bài 3: Bếp rượu truyền thống lao đao sau những ngày biến cố ảnh 1Nhiều bếp rượu truyền thống đã không còn nổi lửa vì   ngộ độc rượu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sản xuất kinh doanh rượu tại Việt Nam đã hình thành một ngành công nghiệp với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), thống kê gần đây nhất cho thấy, ở Việt Nam có khoảng 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhở với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.

[Bài 1: Rượu có Methanol: "Lưỡi hái tử thần" lướt trên đầu những "ma men"]

Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế thì việc lạm dụng rượu bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đã và đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như ngộ độc rượu, tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, tính mạng của người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông…

Không thể phân biệt được “rượu độc”

Hệ lụy xã hội nghiêm trọng của việc ngộ độc rượu không chỉ là những ca ngộ độc cấp tính nghiêm trọng mà còn để lại những hậu quả lâu dài về giống nòi, trí tuệ, và sức khỏe của người dân.

Việc sử dụng rượu có Methanol khiến cho nhiều người nguy hiểm tới tính mạng và sức khỏe. Bên cạnh đó là nhiều làng nghề sống bằng nghề nấu rượu truyền thống này trở nên lao đao trước những hậu quả của loại rượu trên gây ra.

Bà N.T.Đ – một người nấu rượu thủ công, ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai cho hay: “Loại rượu pha chế đó ở có một nhà đầu làng cũng bán, tôi không mua bao giờ. Ở đây có 1-2 bà đi bán loại rượu như vậy, chúng tôi bảo đừng có làm như thế, rượu đó không có thật đâu.”

Bà Đ. cho hay, khi nấu rượu, cứ 10kg gạo với men nấu lên mới được 10 lít rượu. Giá bán 1 lít rượu dao động từ 35-40.000 đồng/lít.

Bài 3: Bếp rượu truyền thống lao đao sau những ngày biến cố ảnh 2Rượu thủ công được chưng cất ra các can nhựa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều người nấu rượu khẳng định rượu thủ công không bao giờ có giá dưới 10.000 đồng/lít. Vì công sức và số tiền người nấu rượu bỏ ra đã vượt gấp mấy lần mức giá bán đó. Nên những loại rượu giá rẻ như vậy chỉ có thể do pha chế mà ra.

[Thêm 2 trường hợp nguy kịch vì uống rượu có Methanol]

Ông Nguyễn Văn Tác - ở Thiển Xuyên, Yên Phong, Bắc Ninh cho hay, tại đây cũng có người dân nơi khác đến làm ăn. Người ta mang theo rượu quê của họ. Có trường hợp mang rượu quê ở huyện Vân Đình​ nhưng giờ thì không bán được nữa.

“Người ta mang rượu ở địa phương đến và loại rượu đó họ đóng chai sẵn. Họ lên đây bán được một thời gian. Qua đợt vừa rồi, trước thông tin về rượu có Methanol gây nguy hại thì người dân người ta bắt đầu sợ. Rượu của chúng tôi chỉ bán loanh quanh trong vùng n​ên người dân mua quen thấy yên tâm, còn rượu không có xuất xứ, đóng chai sẵn​ thì người ta sợ rồi. ​Làm như thế này thì rõ trắng rõ đen, chứ mập mờ thì người mua sợ không mua hàng nữa. Người sản xuất thật bị ảnh hưởng, bị chậm bán hàng,” ông Tác bộc bạch.

Người dân bao đời nay vẫn chỉ có một thói quen là mua rượu tại một cơ sở sản xuất trong làng hay rượu quê về uống. Trước thực tế rượu pha chế Methanol gây ngộ độc như trên, điều mà người tiêu dùng lo lắng và muốn biết để làm sao phân biệt được đâu là rượu truyền thống, đâu là rượu pha chế với cồn Methanol?

Về vấn đề này, thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, với các trường hợp ngộ độc Methanol ở Việt Nam, hầu hết là các trường hợp uống rượu trắng trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ.

Người bị ngộ độc rượu pha Methanol có biểu hiện chậm, 24-48 tiếng sau khi uống mới nhập viện khi đó đã muộn. Người dân uống vào không có cơ hội phát hiện sớm, chừng nào chúng ta vẫn chấp nhận uống loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ như thế thì nguy cơ rủi ro cho bản thân vẫn còn.

“Cho tới nay, chúng ta không có cách nào để phân biệt được giữa loại rượu trắng nấu nghiêm chỉnh của người dân với những loại rượu có pha trộn Methanol cao. Người dân chỉ bằng cảm quan thông thường thì không thể phân biệt được. Methanol cũng có vị ngọt, dễ uống, không khác gì rượu bình thường. Vì thế, người dân cần cảnh giác với những loại rượu không nhãn mác, giá siêu rẻ, thậm chí giá chỉ vài nghìn đồng mỗi lít vì đó rất có thể là rượu pha cồn công nghiệp Methanol,” bác sỹ Nguyên chỉ rõ.

Cùng quan điển này, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng cho rằng nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì khó biết được rượu có Methanol hay không, mà chỉ có thể phát hiện được thông qua công tác kiểm nghiệm. Nhìn chung, rượu chứa Methanol có vị hơi ngọt.

Nhiều làng nghề nấu rượu lao đao

Sau một loạt ca tử vong vì ngộ độc rượu được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Tết Nguyên đán đến nay. Nhiều cơ sở nấu rượu truyền thống cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Tại xã tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì có 35 cơ sở sản xuất rượu. Từ sau Tết đến nay, tại đây có nhiều cơ sở sản xuất rượu không đảm bảo phải đóng cửa.

Một xã khác là xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, nhiều hộ gia đình sản xuất cũng lao đao khi phát hiện tại đây có 1 hộ kinh doanh rượu pha cồn công nghiệp chứa Methanol vượt ngưỡng cho phép hàng nghìn lần.

[Bài 2: Rượu bán khắp nơi, giá rẻ như mua một chai nước lọc]

Thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội – đầu mối buôn bán rượu, thời gian vừa qua cơ quan chức năng đã kiểm nghiệm và có mẫu rượu tại đây có chứa Methanol vượt nhiều ngưỡng cho phép. 26 hộ nấu rượu tại làng Cự Đà đã phải đóng cửa, dừng toàn bộ hoạt động chưng cất, nấu rượu sau nhiều sự cố gần đây. Gần một tháng nay, không hộ dân nào còn nấu rượu.

Bài 3: Bếp rượu truyền thống lao đao sau những ngày biến cố ảnh 3Men để nấu rượu gạo thủ công. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chúng tôi tìm về thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh sau những ngày thông tin về rượu giả, rượu kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Không khí nơi đây cũng có phần kém nhộn nhịp hơn trước. Mùi men rượu, mùi hơi rượu thơm nồng quanh làng đã không còn như trước, các bếp rượu không còn đỏ lửa.

Thôn Đại Lâm vốn nổi tiếng với nghề làm rượu truyền thống từ nhiều đời nay với khoảng 60% hộ dân sống bằng nghề làm rượu.

Ông Trần Văn Hạ - Trưởng thôn Đại Lâm cho biết, toàn thôn có 1.500 hộ dân với khoảng 8.000 nhân khẩu.

Những bếp rượu của các cơ sở sản xuất đa phần nằm ngay tại các hộ gia đình. Các gian ủ men được che chắn cẩn thận để duy trì được nhiệt độ thích hợp cho việc lên men.

Khi được hỏi về việc có cách nào để khẳng định rượu của gia đình sản xuất đảm bảo an toàn hay không? Bà Trần Thị Chỉnh – chủ một cơ sở sản xuất rượu tại thôn Đại Lâm cho hay: “Rượu của gia đình tôi được nấu bằng gạo nếp. Từ lúc ngâm đến ủ và đổ nước hoàn thành ra rượu là mất 15 ngày. Sau đó có sử dụng nhiệt kế để đảm bảo chắc chắn độ rượu. Các chum gạo ủ men của gia đình bà được bảo quản trong một gian nhà tối và che chắn rất cẩn thận đảm bảo cho quá trình lên men.”

Về quy trình nấu rượu ông Trần Văn Công – một người có hơn 20 năm kinh nghiệm nấu rượu tại thôn Đại Lâm cho biết: “Chúng tôi vẫn nấu rượu thủ công theo cổ truyền từ ngày xưa. Nấu ra là đem đi bán. Sau khi nấu gạo đem đi ủ men được mấy ngày thì cho vào ang rồi đổ nước ngâm thêm một thời gian nữa. Quá trình đó mất khoảng từ 10-15 ngày.”

Bên bếp rượu những ngày này không còn nhộn nhịp, tất bật như trước, ông Công giãi bày: “Bây giờ nhà nước bảo đi bán phải có giấy tờ, tem nhãn, thì hiện nay chúng tôi cũng không biết đi làm cái này ở đâu. Các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho chúng tôi có giấy tờ để chúng tôi đi bán được hàng. Hiện nay, đầu ra cho rượu rất khó khăn.”

Ông Công cho biết, cách đây vài năm vào thời kinh doanh thuận lợi nhất, mỗi tuần cơ sở tôi có thể xuất đi được một đến hai chuyến rượu. Mỗi chuyến khoảng 5 đến 7 phi rượu (mỗi phi rượu 200 lít). Thế nhưng gần đây mỗi tháng chỉ đi được hai chuyến là nhiều.

Bài 3: Bếp rượu truyền thống lao đao sau những ngày biến cố ảnh 4Bà Trần Thị Chỉnh – chủ một cơ sở sản xuất rượu tại thôn Đại Lâm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước thông tin hàng loạt những thông tin về rượu có chứa cồn công nghiệp Methanol, nấu rượu không cần bếp, bà Chỉnh cho biết: “Dù mình có bếp thật nhưng dù sao mình vẫn là người Đại Lâm, rượu Đại Lâm. Việc con sâu làm hỏng cả nồi canh như thế khiến người mua hiểu nhầm về rượu của làng. Gia đình tôi đã làm rượu từ nhiều đời nay nhưng nếu những người làm việc pha chế rượu như thế rất có thể khiến mình bị bị mất nghề. Tôi mong muốn làm sao các cấp chính quyền vào cuộc để nạn rượu giả giảm và rượu truyền thống làm sao có thương hiệu.”

Khi nói về những giấy phép cần thiết để sản xuất rượu, ông Trần Văn Công bộc bạch: “Mới đây người ta yêu cầu cơ sở của tôi phải có giấy phép sản xuất rượu, giấy phép đủ điều kiện sản xuất rượu, giấy phép kinh doanh, công bố hợp quy. Giờ tôi mới đi làm giấy phép kinh doanh và công bố hợp quy còn giấy phép sản xuất rượu và vệ sinh an toàn thực phẩm mới đang đi làm.”

Nhìn lặng lẽ về phía bếp rượu và vừa vân vê những chiếc thùng ủ rượu, Công ngậm ngùi: “Sau những ngày thông tin về rượu kém chất lượng vừa qua thì đoàn liên ngành của tỉnh đã đến kiểm tra và đã có kết quả là rượu của cơ sở tôi âm tính với Methanol. Tôi cũng như những hộ dân khác ở làng cũng chỉ mong là các cơ quan chính quyền tạo điều kiện để đầy đủ thủ tục giấy tờ, việc buôn bán được thuận lợi.”

Đề cập đến công tác cấp phép để sản xuất rượu, phó giáo sư Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi thấy đúng là công tác thực thi của chúng ta có vấn đề. Các văn bản không thiếu, nhưng nhắc tới việc cấp phép thì tôi được biết một báo cáo hiện nay là ta mới cấp phép được rượu dân tự nấu khoảng 15%. Tuần trước, cách đây 4 ngày tôi đi xuống Ninh Bình – một tỉnh sản xuất được coi là đứng đầu Việt Nam về sản xuất rượu thủ công, tỉnh báo cáo có 2.500 cơ sở sản xuất rượu thủ công, song chođến nay mới cấp phép được 6 giấy phép – tức là 0,4%. Nếu như vậy thì tại Việt Nam, tôi nghĩ là rượu không quản lý được rượu tự nấu trong dân. Quản lý rượu dân tự nấu đúng là có vấn đề.”

Chia sẻ của những chủ cơ sở nấu rượu truyền thống.

Thực tế, trong nhiều năm nay, nhiều hộ gia đình sản xuất rượu thủ công tại các làng nghề đều không có giấy phép kinh doanh, thiếu nhiều loại giấy tờ do việc buôn bán đều mang tính tự phát và nhỏ lẻ.

Chỉ khi nhiều vụ việc ngộ độc rượu Methanol xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây thì nhiều cơ quan chức năng mới vào cuộc mạnh mẽ để truy tìm nguyên nhân, lấp những lỗ hổng trong công tác quản lý.

Bài 4: Bắt buộc Methanol phải pha màu sắc sặc sỡ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục