Bệnh viện công tự chủ:

20190531090-1575603617-56.jpg

Với những bệnh viện lớn ở thành phố thì việc tự chủ như một chất xúc tác mạnh để họ có thêm nhiều nguồn kinh phí kết dư để tái đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cũng như đảm bảo thu nhập cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, vẫn còn những nghi ngại khi các bệnh viện tự chủ có thể lạm dụng các dịch vụ hay xã hội hóa quá mức… để đẩy chi phí người bệnh phải gánh lên cao hơn…

Tăng hàng chục ngàn giường bệnh

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích, khả năng tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên giữa các bệnh viện đang có sự chênh lệch lớn. Các bệnh viện ở thành phố, vùng đồng bằng, ở tuyến trên thực hiện việc tự chủ tài chính thuận lợi hơn do đông bệnh nhân, thu hút đầu tư dễ dàng hơn, trong khi đó, tự chủ lại là thách thức đối với nhiều bệnh viện tuyến dưới, nhất là các vùng nông thôn, vùng miền núi, khó khăn, gây nên sự mất bình đẳng trong thu nhập của cán bộ y tế giữa các vùng, miền và giữa các tuyến bệnh viện.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động, sáng tạo của các bệnh viện công trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức lại bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính một cách có hiệu quả; góp phần tăng số lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

Tự chủ là thách thức với nhiều bệnh viện tuyến dưới, nhất là các vùng nông thôn, vùng miền núi, gây nên sự mất bình đẳng trong thu nhập của cán bộ y tế giữa các vùng, miền và giữa các tuyến bệnh viện.

Các bệnh viện khi thực hiện tự chủ tốt sẽ huy động được nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; giảm chi thường xuyên từ ngân sách cấp cho các bệnh viện, giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ Ngân sách Nhà nước.

Đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hóa như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng, da liễu…

Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 đã có 26/45 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên. Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh.

Các bác sỹ phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Các bác sỹ phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Người đứng đầu ngành y tế khi ấy cho hay, điểm tích cực khi các bệnh viện tự chủ đó là nhiều bệnh viện đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh rõ rệt đầu tư xây dựng mới. Các bệnh viện dành nhiều chi phí cải tạo, nâng cấp, giảm diện tích hành chính dành cho điều trị.

Thống kê của ngành y tế cho thấy, sau khi các bệnh viện tiến hành tự chủ đã tăng được hàng chục ngàn giường bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không để người bệnh phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên.

Bà Tiến cho rằng nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.

Không được đặt lợi nhuận lên hàng đầu

“Vẫn còn những mặt hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiểu để tăng chênh lệch thu, chi.”

      Bà Nguyễn Thị Kim Tiến

Bên cạnh những mặt tích cực, bà Tiến cũng cho hay, vẫn còn những mặt hạn chế trong việc giao tự chủ cho các bệnh viện như gia tăng chỉ định dịch vụ cận lâm sàng, kéo dài thời gian nằm điều trị, có xu hướng tiết kiệm nhân lực, giảm chi phí tối thiểu để tăng chênh lệch thu, chi.

Phân tích về cơ chế tự chủ tại các bệnh viện, theo ông Bùi Sỹ Lợi:Thách thức đầu tiên là hàng rào về mặt cơ chế chính sách. Chúng ta phải hoàn thiện cơ chế chính sách bảo đảm yêu cầu, để các bệnh viện thực hiện theo đúng quy định của nhà nước, tránh vi phạm pháp luật, hoặc tổ chức triển khai không đúng quy định gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh, có thể dễ dẫn đến sai phạm, kỷ luật. Chúng tôi đang rà soát lại các hệ thống pháp luật để tạo cơ hội cho các đơn vị tự chủ hoàn toàn hoạt động trên cơ chế nhà nước.”

Đưa bệnh nhân đi phẫu thuật tại bệnh viện tuyến huyện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Đưa bệnh nhân đi phẫu thuật tại bệnh viện tuyến huyện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Thứ hai, ngành y tế cần phải làm cho người dân hiểu được khi bệnh viện tự chủ thì chắc chắn chi phí sẽ tăng lên nhưng với yêu cầu là tăng hợp lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Khi tự chủ, bệnh viện phải tính đúng, tính đủ các chi phí, kể cả tiền lương. Sự hài lòng, chấp nhận của người dân sẽ tốt hơn nếu bệnh viên làm tốt hơn việc của mình.

Thứ ba, nếu bệnh viện làm không tốt, không có quy chế, quy định rành mạch có thể dẫn đến bộ phận cán bộ nào đó trong bệnh viện lạm dụng, trục lợi, làm suy giảm niềm tin, chất lượng phục vụ của bệnh viện không đem lại sự hài lòng cho người dân. Các bệnh viện tự chủ trước hết là bệnh viện công, phục vụ nhân dân là chính, không đặt lợi nhuận lên đầu. Phải giải quyết đồng bộ 3 vấn đề này, tạo cơ chế cho chính sách tự chủ đi vào cuộc sống.

Nếu bệnh viện làm không tốt, không có quy chế, quy định rành mạch có thể dẫn đến bộ phận cán bộ nào đó trong bệnh viện lạm dụng, trục lợi, làm suy giảm niềm tin, chất lượng phục vụ của bệnh viện không đem lại sự hài lòng cho người dân.

“Tôi đi giám sát, rất nhiều người có ý kiến về vấn đề này. Có ý kiến cho rằng vì xã hội hoá đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại và chỉ có bệnh viện đấy có cho nên giá dịch vụ của bệnh viện nâng lên, không ai kiểm soát, không ai kiểm tra, dẫn đến chi phí cho người khám chữa bệnh cao lên. Đây không phải là điều mong muốn của người dân. Tôi mong rằng ngành y tế phải nghiên cứu xử lý vấn đề này,” ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.

Chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng cao. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng cao. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Gắn chặt trách nhiệm với người đứng đầu

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cần có những giải pháp để công tác tự chủ tài chính của bệnh nói chung, trong đó có các bệnh viện công thuộc Bộ Y tế thực hiện tự chủ hiệu quả. Bộ Y tế đã phân loại đơn vị làm 4 nhóm: Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; Tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. 

Bộ Y tế xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý sử dụng tài sản, tài chính, nhân lực của bệnh viện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ, gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý sử dụng tài sản, tài chính, nhân lực của bệnh viện.

Đặc biệt, việc giao quyền tự chủ phải gắn với khả năng tự chủ tài chính của bệnh viện, mức tự chủ tài chính của bệnh viện cao thì được tự chủ cao hơn về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính. Các đơn vị tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư, tự bảo đảm chi thường xuyên có quy mô lớn phải có Hội đồng quản lý để quyết định các vấn đề mang tính chiến lược, các vấn đề quan trọng của bệnh viện.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Bộ Y tế xây dựng Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Thông tư quy định nguyên tắc tính giá được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư, giao cho Thủ trưởng đơn vị có tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Riêng đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu không vượt quá mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.

“Cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cả về tài chính lẫn nhân sự của đơn vị.”

          Ông Bùi Sỹ Lợi

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện cơ chế kiểm soát chéo giữa người bệnh và bệnh viện. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm và kịp thời những hành vi vi phạm quy định của pháp luật và thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế.

Để nâng cao chất lượng cho các bệnh viện tuyến dưới, cần khuyến khích các bệnh viện tuyến trên tăng cường hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới thông qua nhiều hình thức như: định kỳ cử cán bộ về làm việc tại cơ sở, phát triển mô hình khám, chữa bệnh từ xa nhằm tạo lòng tin trong người dân về chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, từ đó thu hút bệnh nhân khám và điều trị.

Về phát triển tuyến y tế cơ sở, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần tiếp tục đầu tư từ Ngân sách Nhà nước cho tuyến y tế này để phát huy vai trò “gác cổng” trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối, giảm gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính đối với ngân sách nhà nước. Đặc biệt, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, cả về tài chính lẫn nhân sự của đơn vị./.

Người dân chờ khám bệnh tại một bệnh viện tuyến huyện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Người dân chờ khám bệnh tại một bệnh viện tuyến huyện. (Ảnh: T.G/Vietnam+)