Bài 4: "Cần sự ra đời của Hiệp hội Yoga để quản lý tốt hơn"

Thực tế, tập luyện Yoga có giá trị cao về mặt thể lực và tinh thần. Cho đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Thể dục Thể thao đã vào cuộc và đã trình Bộ Nội vụ để thành lập Hiệp hội Yoga.
Bài 4: "Cần sự ra đời của Hiệp hội Yoga để quản lý tốt hơn" ảnh 1Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Thực tế, tập luyện Yoga có giá trị cao về mặt thể lực và tinh thần. Cho đến thời điểm hiện nay, Tổng cục Thể dục Thể thao đã vào cuộc và đã trình Bộ Nội vụ để thành lập Hiệp hội Yoga.

Xung quanh vấn đề quản lý môn Yoga hiện nay, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) về vấn đề này.

- Là một người làm công tác quản lý trong lĩnh vực thể dục thể thao. Ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển của bộ môn Yoga hiện nay?

Ông Trần Đức Phấn: Thực tế Yoga phát triển rất mạnh. Không phải đến bây giờ, mà trước đây khi chưa có sự quản lý của Tổng cục, Yoga đã phát triển trong các câu lạc bộ của Hà Nội và các địa phương.

Môn Yoga là môn mới về tổ chức còn tập luyện thì đã được triển khai tập lâu rồi. Bản thân tôi có khảo sát và cũng tập một số động tác đơn giản của bộ môn này để chữa cột sống và tôi thấy nó thấy tác dụng hơn 1 năm nay.

Trong quá trình đi tập và theo dõi, tôi thấy sự phát triển của Yoga rất mạnh, đặc biệt là các thành phố lớn, nhất là lứa tuổi trung niên và những người trẻ, nhất là người trẻ họ tập nhiều.

- Ông có nghĩ rằng việc tập Yoga hiện nay như một trào lưu?

Ông Trần Đức Phấn: Tôi cho rằng lợi ích từ việc tập Yoga rất quan trọng, đẩy lùi bệnh tật, cho người tập từ già đến trẻ duy trì sức khỏe.

Hiện nay có thể nói, các câu lạc bộ của các địa phương rất nhiều và dần dần người ta phát triển lên thành phong trào.

Lúc đầu, họ tập luyện để rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể chất lên , dẻo dai, lưu thông khí huyết, còn hiện giờ họ tập theo trường phái này có thể nâng cao đến một trình độ cao và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được, quan trọng người tập và rèn luyện con người theo đúng hệ thống bài bản.

Một điều khẳng định chắc chắn rằng phong trào tập sẽ rất mạnh mẽ, các câu lạc bộ được hình thành từ tự phát đến thành lập theo hướng xã hội hóa rất nhiều.

Bài 4: "Cần sự ra đời của Hiệp hội Yoga để quản lý tốt hơn" ảnh 2Phong trào tập Yoga sẽ tiêp tục được phát triển mạnh. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

- Thưa ông, môn Yoga đang phát triển mạnh mẽ, vậy công tác quản lý có những khó khăn và thuận lợi gì?

Ông Trần Đức Phấn: Điều thuận lợi nhất đó là phong trào phát triển rất mạnh, trở thành phong trào. Việc ra đời nhiều câu lạc bộ trở thành phong trào rất lớn từ đó nhân rộng ra. Một số câu lạc bộ tập luyện chuyên nghiệp để có thể trở thành một môn thi đấu thể thao có thành tích để thi đấu. Vừa rồi chúng ta đã tổ chức giải thi đấu Yoga châu Á.

Về khó khăn, tôi nghĩ khó khăn là do đây là một trong những môn mới, hiện nay chúng ta mới đưa vào hệ thống quản lý thông qua việc thành lập Hiệp hội Yoga.

Thực ra việc tập luyện bộ môn này hoàn toàn tự giác, không cần trang thiết bị dụng cụ nhiều, không tốn kém, không phức tạp, bởi vậy nên rất dễ tập, dễ điều hành, dễ tổ chức, trong khi hiệu quả cao.

Chính vì nó mới nên chúng tôi cũng thấy nó có những hạn chế trong quá trình quản lý. Dần dần, đến khi Hiệp hội Yoga ra đời công tác quản lý sẽ theo hệ thống tốt hơn và chúng ta hoàn toàn có thể quản lý được.

- Hiện nay, có rất nhiều trung tâm dạy Yoga mời chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy cho các học viên. Ông có thể cho biết, với đối tượng giáo viên, huấn luyện viên người nước ngoài này hiện nay chúng ta có cơ chế quản lý như thế nào?

Ông Trần Đức Phấn: Các công ty mà họ mời người nước ngoài về giảng dạy theo tôi biết nhiều nhất là người Ấn Độ, có cả người châu Âu.

Chính sự tự phát như tôi đã nói ở trên và sự phát triển của các câu lạc bộ theo hướng xã hội hóa đó, họ mời người nước ngoài về giảng dạy. Qua tìm hiểu của tôi, được biết họ thông qua con đường của các công ty và công ty phát triển nguồn nhân lực họ ký hợp đồng với những người đó.

Họ làm việc hoàn toàn hợp pháp chứ không phải làm việc chui. Tuy nhiên, để quản lý thành hệ thống của ngành thì mình cần sự ra đời của Hiệp hội Yoga để quản lý tốt hơn.

Thực ra, lúc ban đầu người nước ngoài giảng dạy, sau này có nhiều thầy của người Việt Nam dạy tốt vì họ đã được học qua các lớp.

- Hiện nay, có ý kiến cho rằng, trong khi tập Yoga cũng có tình huống có thể dẫn tới chấn thương trong khi tập. Ông có thể cho biết, nếu tai nạn xảy ra trong quá trình tập Yoga chúng ta sẽ quy trách nhiệm về bên nào?

Ông Trần Đức Phấn: Bởi hiện nay công tác quản lý của chúng ta mới, nên việc ra đời Hiệp hội Yoga để làm tốt hơn công tác quản lý.

Khi lập luyện cũng có những rủi ro khi xảy ra tai nạn mình tập không đúng phương pháp hay khi tập luyện quá sức có thể xảy ra chấn thương. Tôi nghĩ Yoga nếu không phải tập ở hình thức phát triển thành tích thì việc rủi ro về tai nạn rất ít.

Còn khi xảy ra chấn thương rồi quy trách nhiệm thì hiện nay đối với các câu lạc bộ có thuê người nước ngoài vào giảng dạy, câu lạc bộ đó phải chịu trách nhiệm, cho đến khi mình có hệ thống quản lý hoàn chỉnh thì lúc đó sẽ ban hành các văn bản quy phạm, các thông tư hướng dẫn giúp cho việc quản lý được tốt hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao nói về công tác quản lý Yoga hiện nay.

Bài 5: 7 bí quyết tập Yoga đúng cách để không xảy ra chấn thương

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục